Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nông dân đam mê sáng chế
Ngày đăng: 03/08/2018

Lượt xem:


Gần 30 năm, ông Hoàng Thanh Liêm, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, với niềm đam mê sáng tạo kỹ thuật đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhiều lần tham gia và đạt giải cao trong các kỳ thi sáng tạo kỹ thuật, nhưng niềm vui lớn nhất của ông là thiết thực phục vụ bà con nông dân với hoài bão “Tất cả vì nông dân, vì một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại”.
Ông Hoàng Thanh Liêm giới thiệu sáng chế: Dụng cụ tỉa hạt

Năm 1989, ông Hoàng Thanh Liêm tốt nghiệp Kỹ sư tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, sau đó về giảng dạy tại trường Công nhân Kỹ thuật Cần Thơ, nay là trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ. Sau một thời gian, nhận thấy nông dân mình còn nhiều khó khăn trong sản xuất nên ông Liêm quyết định trở về quê với dự định sáng chế những sản phẩm hữu ích giúp đỡ bà con. Đến nay, xưởng cơ khí Hoàng Liêm là nơi người dân địa phương tìm đến mỗi khi gặp vướng mắc trong quá trình lao động sản xuất. Ông Hoàng Thanh Liêm cho biết: “Năm 1990, đề tài đầu tiên của tôi là cái “Lò sấy lúa lưới rằn”. Ở giai đoạn đó bà con mình làm lúa rất nhiều mà công nghệ phơi sấy không có, phải đem lúa ra phơi ngoài đường. Trước tình hình khó khăn vậy tôi mới nảy ra ý tưởng mình làm cái thiết bị để sấy lúa, năm đó đạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật. Từ đó mạnh dạn hơn, được sự khuyến khích và hỗ trợ của các nhà khoa học mình mới bắt đầu nghiên cứu tới bây giờ!”

Với bản tính nông dân cần cù, chịu khó “nghĩ là làm, làm phải cho bằng được”, ông Liêm dành nhiều thời gian mày mò nghiên cứu, quan sát thực tế tìm hướng cải tiến cho phù hợp để hoàn thiện sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất. Cứ thế hàng trăm sản phẩm ra đời, tiêu biểu như: Máy xúc lúa vào bao; Máy phun xịt bảo vệ thực vật tự chạy và điều khiển bằng tay lái; Dụng cụ tỉa hạt; Máy tỉa bắp, đậu; Máy trồng khoai lang dây; Máy diệt bướm, diệt sâu rầy.... được bà con đón nhận rất nhiệt tình vì hiệu quả sử dụng thiết thực. “Nói về sáng chế thì đầu tiên mình phải có ý tưởng thực tế, thực dụng chứ không phải suy nghĩ mơ hồ, ảo tưởng. Những ý tưởng thực tế nhằm thực hiện được, đáp ứng được công việc xã hội đang cần. Đi đúng mục đích, tạo được ý tưởng, từ đó nghiên cứu, đi sâu hơn làm thử nghiệm, thực nghiệm để đưa ra sản phẩm khoa học thành công rồi phát triển mạnh hơn, tạo ra sản phẩm phục vụ sản xuất. Hiện nay tôi vẫn tiếp tục, lúc nào cũng sáng chế, nhiều khi có những vướng mắc của bà con mang tới mình vẫn hết sức hỗ trợ” - Ông Hoàng Thanh Liêm cho biết.

Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP Cần Thơ qua 9 lần tổ chức, hầu như lần nào cũng có sản phẩm của “nhà sáng chế” Hoàng Thanh Liêm tham gia và giành thứ hạng cao. Từ những việc làm ý nghĩa, ông Liêm cũng đã truyền lửa đam mê nghiên cứu, sáng tạo cho con trai là Hoàng Duy Bảo. Với sáng chế “Thiết bị đo góc trong không gian ba chiều sử dụng ánh sáng laser” đạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố và giải Ba cấp quốc gia năm 2013-2014, Hoàng Duy Bảo chia sẻ: “Ban đầu ba em đã là một nhà sáng chế, ba đã truyền đam mê và hướng dẫn em thực hiện ý tưởng sáng chế như: làm sao, cần những gì, sản phẩm ra sao, sau khi hoàn thành ứng dụng như thế nào... em chỉ biết là nó sẽ giúp người nông dân đỡ cơ cực hơn. Sau này em sẽ tiếp tục thực hiện những kế hoạch của ba để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại trong tương lai.”

Ông “Kỹ sư chân đất” là cách gọi trìu mến của bà con nông dân khi nhắc đến ông Hoàng Thanh Liêm, như gởi gắm niềm tin và ghi nhận những đóng góp thiết thực của ông vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Ông Lê Văn Sỹ ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ cho biết thêm: “Tôi là người trực tiếp sử dụng ba cái kỹ sư Liêm chế ra thì tôi thấy rất hiệu quả, giá thành thì thấp, so với công lao động của mình nó có hiệu quả gấp bảy tám lần… Hiện nay, bà con làm nông nghiệp khá bấp bênh, những người sáng chế vậy cần hỗ trợ để người ta tư duy sáng tạo máy móc nông nghiệp, đem lại hiệu quả, chi phí thấp  để bà con có lợi nhuận cao hơn...”

Ông Trần Minh Lắm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai cũng chia sẻ: “Hội Nông dân phối hợp với các ngành chức năng vận động bà con nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình là chỗ ông Hoàng Thanh Liêm sáng chế ra những nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng rất nhiều trên lĩnh sản xuất để giảm thời gian, công sức, giảm chi phí, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất, góp phần không nhỏ trong thực hiện tiêu chí thu nhập để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã văn hóa nông thôn mới vào cuối năm 2018.”

Từ những kinh nghiệm đúc kết qua thực tiễn sản xuất cùng với niềm đam mê sáng tạo, “kỹ sư chân đất” Hoàng Thanh Liêm đã tự tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế ra các loại máy móc, nông cụ phục vụ trong nông nghiệp có tính ứng dụng cao, tiện lợi, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động. Đó là một trong những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ nông dân trong thời đại mới: thông minh, sáng tạo, nhạy bén ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thiết thực góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.


Trọng Nghĩa


Các tin khác:
Ước mơ làm cô giáo  (14/01/2020)
Triệu phú mai vàng  (11/12/2019)
Những lão nông hiến tạng cứu người  (24/10/2019)
Lớp học tình thương của bà “giáo già”  (21/10/2019)
Sinh viên sáng tạo - Đoàn viên năng động  (10/10/2019)

7c5d2266-f615-4899-a163-10970840803c

Tiêu đề bài viết: Nông dân đam mê sáng chế. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Trọng Nghĩa.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang