Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Vì thành phố văn minh, trong lành
Ngày đăng: 10/08/2016

Lượt xem:


15 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (giai đoạn 2000-2015), một trong những thành quả của TPCT đạt được là xây dựng môi trường thân thiện, trong lành, tạo diện mạo khang trang cho thành phố. Những tuyến đường "xanh- sạch- đẹp", những mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả… ngày càng có ý nghĩa thiết thực trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đang diễn ra tại ĐBSCL.
Người dân thị trấn Phong Điền làm cỏ, chăm sóc hoa kiểng dọc tuyến Lộ Vòng Cung.

“Áo mới” ở Cần Thơ

Nền tảng bền vững trong chỉnh trang cảnh quan môi trường ở Cần Thơ là từ phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", "Ấp, khu vực văn hóa" và "Xã, phường, thị trấn văn hóa". Thông tư hướng dẫn công nhận các danh hiệu này của Bộ VHTT&DL đều nhấn mạnh tiêu chí xây dựng đường sá sạch đẹp, thu gom và xử lý rác đúng quy định, thực hiện nếp sống thân thiện với môi trường… Những điều kiện tiên quyết này đã được các địa phương của Cần Thơ thực hiện có hiệu quả.

Trở lại những dòng kênh mang tên G, H, F, B, D… ở huyện Vĩnh Thạnh, chúng tôi ấn tượng với những bờ kè hai bên bờ thẳng tắp, rợp mát bóng dừa. Ven đường, bà con trồng hoa mười giờ, hoàng yến rực rỡ và được điểm xuyến bằng những luống rau xanh mướt. Nhiều năm qua, người dân Vĩnh Thạnh nêu cao ý thức trong xây dựng cảnh quan nông thôn. Hằng năm, bà con góp hàng chục tỉ đồng để làm đường, bắc cầu, đê bao... Khi đường giao thông khang trang, bà con bắt tay trồng hoa kiểng, hàng rào. Điển hình như 6 tháng đầu năm 2016, người dân 3 ấp của xã Thạnh An là F1, F2 và H2 đã góp trên 2,5 tỉ đồng làm gần 13,6km đường giao thông. Ông Nguyễn Văn Lân, người dân ấp F1, xã Thạnh An, cho rằng, việc trồng hoa kiểng không chỉ giúp làng quê khang trang, vui tươi mà có ý nghĩa trong việc thu hút thiên địch, bảo vệ mùa màng theo hướng sinh học. Người dân ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, lại chọn trồng hoa màu, rau cải ven đường chính, giúp cải thiện bữa ăn, thu nhập cho gia đình. Những luống cải, giồng ớt xanh rì như tấm thảm xanh trải dài ấp văn hóa Thầy Ký cho thấy sức sống mới của vùng ven đô này.

Đến nay, Phong Điền là huyện đầu tiên và duy nhất của TPCT được công nhận nông thôn mới. Thay đổi dễ nhận thấy khi rảo quanh các xã của Phong Điền là cầu, đường ngày càng tươm tất hơn. Hai bên đường, hoa huỳnh anh được trồng trong bồn chỉn chu, trổ hoa vàng rực, kết hợp với những vườn cây ăn trái sum suê. Mô hình tuyến đường "sáng- xanh- sạch- an toàn" của huyện Phong Điền cho thấy hiệu quả rõ nét. Địa phương quan niệm đường không chỉ "xanh- sạch" mà phải sáng và an toàn cho người dân lưu thông. Theo thống kê của ngành văn hóa Phong Điền, huyện đã xây dựng được hơn 15km đường "sáng- xanh- sạch- an toàn". Trong đó, hơn 80% tuyến đường đã được xã hội hóa xây dựng bồn hoa và hoa kiểng được trồng, chăm sóc cẩn thận; 100% tuyến có hệ thống pa-nô tuyên truyền… Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phong Điền cho biết, việc xây dựng cảnh quan môi trường góp phần rất lớn trong nâng chất các tiêu chí văn hóa của huyện và các xã hằng năm.

Còn ở các quận trung tâm như Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, việc chỉnh trang đô thị bảo vệ môi trường thể hiện qua những tuyến kênh, rạch được nâng cấp, nạo vét, tạo dòng chảy để tránh ô nhiễm. Những công trình bờ kè rạch Tham Tướng, rạch Bần, hồ Xáng Thổi… góp phần tạo môi trường sống trong lành cho người đô thị. Nhiều địa phương còn chọn xây dựng tuyến đường kiểu mẫu trong văn minh đô thị như: đường Đinh Công Chánh, đường Huỳnh Mẫn Đạt (quận Bình Thủy), 30 Tháng 4, Hai Bà Trưng (quận Ninh Kiều)…

Vì môi trường trong lành

Trong quá trình phát triển đô thị, việc xây dựng cảnh quan môi trường "xanh- sạch- đẹp" được chính quyền thành phố và các quận, huyện rất quan tâm. Trong đó, việc xử lý rác được xem là bài toán nan giải trong tiến trình phát triển xã hội. Năm 2015, UBND TPCT đã phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn TPCT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, TPCT đã kêu gọi nhà đầu tư đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố theo hình thức xã hội hóa, từng bước triển khai cụ thể hóa định hướng quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố. Cụ thể như: nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại Khu xử lý chất thải rắn quận Ô Môn, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Cờ Đỏ, các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại bãi rác hiện hữu của quận Thốt Nốt…

Người dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh rất ý thức trong xây dựng cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp, tạo tiền đề để xã được công nhận “Xã Văn hóa” sắp tới.

Cùng với đó, nhiều mô hình thu gom, xử lý rác do các xã, phường, đoàn thể thực hiện đang phát huy hiệu quả. Tháng 5 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Cái Răng phối hợp với ngành môi trường quận ra mắt mô hình "Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường" từ tổ 1 đến tổ 5, khu vực 6, phường Hưng Thạnh (cặp bờ kè sông Cần Thơ) với khoảng 160 hộ tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 2 thùng nhựa để phân loại rác tiêu hủy và rác tái chế. Những chai lọ được thu gom bán ve chai, rác thiêu hủy và rác hữu cơ như vỏ trái cây, rau củ thì chôn lấp… Bà Trần Ngọc Sáng, Chủ tịch Hội LHPN phường Hưng Thạnh, cho biết thêm, trước đó, phường đã có mô hình "Hội viên phụ nữ tham gia thu gom rác", triển khai từ cuối năm 2012 theo hình thức xã hội hóa. Mỗi người dân góp 15.000 đồng/tháng để xe rác đến tận nhà thu gom rác đã phân loại. Cũng tại phường Hưng Thạnh, nhiều năm qua Hội Cựu chiến binh phường còn có mô hình thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật tiêu hủy đúng cách, không quăng xuống kinh mương, đồng ruộng gây ô nhiễm nguồn nước. Mô hình xã hội hóa thu gom rác thải còn được các địa phương khác như phường Long Tuyền (quận Bình Thủy), phường Thuận An (quận Thốt Nốt)… đang thực hiện thành công.

Còn ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tình trạng người dân nông thôn vứt rác xuống kinh rạch, ao đìa hay xung quanh nhà, đường sá, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường đã được giải quyết bằng mô hình "Xử lý rác thải gia đình", triển khai từ năm 2013 đến nay. Các chủ hộ sẽ đăng ký tham gia mô hình, cam kết thực hiện đúng các bước xử lý rác thải tại nguồn theo hướng dẫn của ngành chức năng. Để đốt rác, mỗi hộ đều xây hố tiêu hủy theo đúng quy chuẩn ngang 80cm, dài 100cm, cao 70cm, phía dưới có kê vỉ sắt để rác mau khô và làm lỗ thông hơi khi đốt. Mỗi hộ dân tham gia mô hình được UBND xã hỗ trợ 1 bao xi măng, 1 vỉ sắt và 3 sọt rác với 3 màu khác nhau để phân loại. Anh Trần Thiện Cảnh, chủ một điểm du lịch ở xã Nhơn Ái, nói: "Mô hình này rất hay, bảo vệ môi trường sống cho xóm ấp. Ai cũng ý thức tham gia thì kinh rạch sẽ trong lành trở lại".

Với các phường nội ô, mô hình tuyến đường văn minh, phường sạch rác, khu dân cư bảo vệ môi trường… cũng có đóng góp lớn trong giữ gìn nét đẹp chung của thành phố. Ý thức, sự cộng hưởng của người dân trong mỗi công trình, phần việc chính là lực đẩy, tạo sức lan tỏa cho phong trào.

*

*        *

Đến Cần Thơ, từ thành thị đến ven đô, đâu đâu cũng dễ bắt gặp những tuyến đường sạch đẹp rợp bóng cây xanh, những thùng rác lắp đặt ngăn nắp. Việc xây dựng, bảo vệ cảnh quan môi trường giờ không đơn thuần là đảm bảo tiêu chí văn hóa mà còn giúp người dân thành phố có một môi trường sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên.


Nguồn: Báo Cần Thơ


Các tin khác:
Cần Thơ ra quân hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2024  (18/09/2024)
Khai mạc trưng bày chuyên đề “Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ và phong trào cách mạng ở Cần Thơ”  (17/09/2024)
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới  (17/09/2024)
Cần Thơ tiếp nhận đăng ký trên 7,4 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3  (12/09/2024)
Thư kêu gọi ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra  (11/09/2024)

e399cd76-a621-453d-a599-becc5bab7eb0

Tiêu đề bài viết: Vì thành phố văn minh, trong lành. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

Chiến lược phát triển
Hình ảnh đẹp

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: