Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Hiệu quả từ mô hình trồng lan, nuôi dê
Ngày đăng: 02/02/2017

Lượt xem:


Mạnh dạn đầu tư, thử nghiệm mô hình trồng lan, nuôi dê cùng với sự cần cù, chịu khó, gia đình ông Nguyễn Văn Tùng và anh Nguyễn Văn Hùng ở khu vực An Phú, phường Phú Thứ, quận Cái Răng đã bước đầu gặt hái thành công...
Ông Nguyễn Văn Tùng chăm sóc vườn lan.

Nuôi dê - đầu tư ít, hiệu quả cao

Anh Nguyễn Văn Hùng vừa là Trưởng khu vực, vừa là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Với sự cần cù, chịu khó và học hỏi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, vợ chồng anh luôn đạt năng suất và thu nhập cao trong phát triển vườn cây ăn trái các loại: mít, nhãn, cam sành…

Không dừng lại ở đó, khi tham quan mô hình nuôi dê ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, anh Hùng thấy đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, không đòi hỏi kỹ thuật cao hay công chăm sóc nhiều, gia đình có đủ điều kiện nuôi nên anh quyết định đầu tư thực hiện. Đầu tiên, anh mua 11 con dê cái về nuôi cho sinh sản. Sau đó nuôi dê con lớn bán thịt. Gia đình anh Hùng nuôi dê bằng thức ăn tự nhiên: cỏ, so đũa, lá mít và mít trái loại dạt. Vốn có sẵn vườn mít, anh Hùng tận dụng đất trống trồng xen các loại cỏ và so đũa, tạo nguồn thức ăn ổn định. Thức ăn dồi dào nên dê tăng trưởng nhanh, thịt chắc ngon, dễ bán. Trung bình 6 tháng xuất chuồng một lứa, 1 năm anh bán khoảng 40 con dê tơ cho các nhà hàng, quán ăn với giá trung bình 100.000 đồng/kg, mỗi con nặng khoảng 30kg.

Qua 2 năm thực hiện mô hình, vợ chồng anh Hùng cho rằng: dê nuôi ít bệnh, chăm sóc đơn giản, chi phí đầu tư ít, đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao nên rất khuyến khích mọi người phát triển mô hình này. Chị Nguyễn Thị Tuyết Dung, vợ anh Hùng cho biết: "Hiện đàn dê cái đã được nhân lên 18 con, cung cấp dê con đều đặn, ổn định. Ngoài bán dê thịt, chúng tôi dự tính sẽ bán thêm con giống. Nếu ai có nhu cầu nuôi dê, chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cũng như cung cấp con giống với giá phải chăng là 150.000 đồng/ kg".

Trồng lan - hướng phát triển lâu dài

Kế bên nhà anh Hùng là vườn lan rộng 4.000m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Tùng, một trong những vườn lan có qui mô lớn nhất quận Cái Răng hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Tùng là giáo viên Trường Tiểu học Lê Bình 2. Ngoài giờ lên lớp, ông dành thời gian rảnh để làm ruộng, chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình. Ông đến với nghề trồng lan bằng sự nhạy bén và nắm bắt được nhu cầu thị trường. Ông Tùng kể: "Tôi thấy cứ mỗi dịp Tết, nhu cầu mua lan của mọi người để chưng, trang trí nhà cửa, biếu tặng… rất cao mà nguồn cung còn ít, mình có thể khai thác và phát triển nghề này được".

Sau khi bàn bạc với gia đình, ông mạnh dạn chuyển hướng đầu tư sang trồng và kinh doanh lan từ năm 2012. Ông học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan ở các nhà vườn lớn, chủ yếu là ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Sau đó, chuyển 4.000m2 trồng cây ăn trái sang trồng lan. Năm đầu tiên, ông Tùng tập trung vào việc gây giống, chăm sóc. Sang năm thứ hai, ông đã bán được một ít. Dần dần, mỗi năm chủng loại lan được đầu tư nhiều hơn, số lượng bán cũng tăng cao. Lúc đầu, chỉ có loại Mokara cắt cành, dần dần có thêm Dendro, Cattleya (Cát lan), Ngọc điểm, Ngọc Điểm rừng, lan Giả Hạc... Trong đó, ông Tùng tập trung sản xuất lan Giả Hạc các loại, chủ yếu là lan rừng để vừa nhân giống bán, vừa góp phần bảo tồn các loại quí hiếm.

Vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ lan tăng cao nên ngoài lan của vườn, ông Tùng còn lấy thêm các loại Hồ Điệp, Vanda… ở TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Thái Lan để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài cung cấp lan tại vườn ở khu vực An Phú, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, gia đình ông Tùng còn có cửa hàng bán lan và văn phòng phẩm ở số 137 Phạm Ngũ Lão, phường An Hòa, quận Ninh Kiều. Dịp Tết, ông luôn mở một gian hàng bán lan tại hồ Xáng Thổi. Ông còn lập ra trang web riêng về vườn lan An Phú của mình để giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến các đối tượng khách hàng.

Vừa dạy học, vừa trồng và kinh doanh lan, ông Tùng sắp xếp thời gian hợp lý để đảm đương được các việc đều tốt. Với sự chăm chỉ, cần cù trong công việc, kiên trì thực hiện kế hoạch và óc kinh doanh nhạy bén, ông Tùng đã gặt hái những kết quả khả quan sau hơn 4 năm trồng và kinh doanh lan. Chỉ riêng dịp Tết, lợi nhuận từ việc kinh doanh lan đạt trên 100 triệu đồng. Cùng với nguồn thu ổn định hằng tháng, ông Tùng tiếp tục dồn vốn đầu tư vào vườn lan. Ông Tùng chia sẻ: "Đầu tư trồng lan đòi hỏi nguồn vốn cao, thời gian lâu nên ít người dám làm. Nhưng tôi nghĩ, một khi đã theo đuổi thì nên kiên trì đến cùng sẽ đạt thành quả như ý. Vườn lan của tôi hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, khoảng 5 năm nữa mới phát triển mạnh và cho nguồn thu cao hơn. Về lâu dài, có nthể phát triển thành vườn du lịch sinh thái…".


Nguồn: Báo Cần Thơ


e199ba11-1659-408e-8863-a3e9155b4f4f

Tiêu đề bài viết: Hiệu quả từ mô hình trồng lan, nuôi dê. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang