Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Phát triển chương trình nghiên cứu bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng bền vững và an toàn cho Việt Nam
Ngày đăng: 16/05/2017

Lượt xem:


Ngày 15/5, tại Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Đại học Salford (Vương quốc Anh) tổ chức Hội thảo “Phát triển chương trình nghiên cứu bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng bền vững và an toàn cho Việt Nam”, với sự tài trợ của Quỹ Newton, British Council. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 30 nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trong lĩnh vực môi trường, công nghệ thông tin, năng lượng, nhằm tìm ra các giải pháp phát triển, cung cấp nguồn năng lượng bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã chỉ ra sự bất cập trong cách quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng tại Việt Nam. Hiện tại, nước ta gần như khai thác sử dụng năng lượng từ các nhiên liệu hóa thạch không tái tạo như than đá, dầu mỏ, thậm chí xuất khẩu với giá rẻ. Điều này gây tổn thất lớn cho tài nguyên quốc gia không chỉ ở hiện tại mà kéo dài đến nhiều đời sau. Hơn thế nữa, việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch này còn gây ô nhiễm môi trường như hiệu ứng nhà kính, khiến trái đất nóng lên, băng tan chảy gây lũ lụt…. Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo thân thiện với môi trường như: năng lượng nắng, gió, mưa, thủy triều, cây cối, tảo và địa nhiệt. Các nguồn năng lượng này đối với vùng nhiệt đới như Việt Nam luôn rất dồi dào nhưng để sử dụng chúng mang lại hiệu quả cao cần có sự ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Hội thảo Phát triển chương trình nghiên cứu bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng bền vững và an toàn cho Việt Nam

Từ thực trạng đó, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Salford đề nghị một chiến lược hợp tác dài hơi với các nhà nghiên cứu Việt Nam trong ứng dụng công nghệ hiện đại khai thác các nguồn tài nguyên tái tạo trở thành nguồn năng lượng bền vững và an toàn. Sự hợp tác này sẽ được cụ thể hóa bằng các chương trình trao đổi giảng viên nghiên cứu, du học sinh giữa các viện nghiên cứu của hai trường Đại học Cần Thơ và Đại học Salford.

Ông Trần Hà Đông Quân, đại diện Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP) cho biết thêm, các doanh nghiệp trong Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đã bước đầu có thành quả là các công nghệ hiện đại, hữu dụng được ứng dụng vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giúp giảm tác tại đến môi trường. Cụ thể, hiện Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đã có được công nghệ biến chuyển rác sinh hoạt thành phân bón hữu cơ thay vì phải đốt bỏ như công nghệ cũ. Điều này giúp nông dân tiết kiệm chi phí phân bón, sự độc hại do phân thuốc hóa học gây ra, đồng thời Nhà nước tiết kiệm được chi phí xử lý rác thải cũng như gây phát sinh khí CO2 độc hại theo hình thức đốt cũ. Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc còn sử dụng hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng bằng cách cài đặt máy đảo chiều điện thay vì bộ nén lạnh nhằm giảm thiểu sự hao hụt năng lượng trong quá trình vận hành máy móc sản xuất.

Các nhà khoa học đề cập đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản suất tự động khép kín, đặc biệt là các quy trình nuôi, trồng – thu hoạch nông sản, thủy sản theo tiêu chuẩn Global GAP. Theo đó, các thông số về thời tiết, chất lượng đất, chu kỳ phát triển của cây/con… đều được giám sát chặt chẽ bằng hệ thống điện toán. Máy móc tự động thu thập số liệu và phân tích, đề xuất lượng nước tưới tiêu, thời điểm thu hoạch… và báo vào máy điện thoại thông minh cho chủ doanh nghiệp, cơ sở. Công nghệ này giúp giảm chi phí nhân công, giảm rủi ro về thời tiết thất thường, giảm sự không đồng nhất trong thành phẩm, từ đó mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn cho người nuôi, trồng.


Nguồn: TTXVN


def2633d-d2e2-425c-800c-0192cfaa6d52

Tiêu đề bài viết: Phát triển chương trình nghiên cứu bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng bền vững và an toàn cho Việt Nam . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: TTXVN .

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang