Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Cần Thơ hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sinh khối
Ngày đăng: 06/06/2017

Lượt xem:


Ngày 5/6, tại Cần Thơ, lãnh đạo thành phố tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia đến từ tập đoàn Biomass Energy Systems Inc (BESI) của Mỹ. Hai bên thảo luận cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sinh khối, nhằm giải quyết một lúc hai vấn đề lớn: xử lý rác thải và cung cấp năng lượng tái tạo sạch.
Sơ đồ phân loại các dạng chuyển hóa sinh khối.nangluongivetnam.org

Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, khái niệm “công nghệ sinh khối” vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Dù đã manh nha, nhưng công nghệ sinh khối vẫn chưa phát triển nhiều, quá trình thương mại hóa còn rất hạn chế. Tiêu biểu như ở những vùng nông thôn, dễ dàng bắt gặp những mô hình hầm biogas tận dụng phân gia súc để biến đổi thành khí gas, sử dụng trong nấu nướng quy mô hộ gia đình. Trong khi đó, rác thải đô thị, rác thải từ các khu công nghiệp... hiện vẫn chưa tìm được công nghệ tái sử dụng hữu hiệu, khiến việc tiêu hủy rác trở nên tốn kém mà lại không biến đổi thành năng lượng được, gây lãng phí nguồn nguyên liệu.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng phòng chuyển giao công nghệ, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ giải thích: Sinh khối chứa năng lượng hóa học, nguồn năng lượng tử mặt trời tích lũy trong thực vật qua quá trình quang hợp. Sinh khối là các phế phẩm từ nông nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp ngô...), phế phẩm lâm nghiệp (lá khô, vụn gỗ...), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm....Nhiên liệu sinh khối có thể được đốt để sản sinh năng lượng; chuyển thành dạng nhiên liệu lỏng như mêtanol, êtanol dùng trong các động cơ đốt trong; hay thành dạng khí sinh học (biogas) ứng dụng cho nhu cầu năng lượng ở quy mô gia đình...

Ông Alex Mathew, Giám đốc Năng lượng của BESI cho biết, Mỹ là quốc gia đi tiên phong và thành công nhất trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng sinh khối. Điều này xuất phát từ nhận thức năng lượng sinh khối là một nguồn năng lượng tái tạo, sinh khối được phân bố đồng đều trên bề mặt trái đất hơn các nguồn năng lượng nhất định khác (nhiên liệu hóa thạch...), và có thể được khai thác mà không cần đòi hỏi đến các kỹ thuật hiện đại phức tạp và tốn kém. Nó tạo ra cơ hội cho các địa phương, các khu vực và các quốc gia trên toàn thế giới tự bảo đảm cho mình nguồn cung cấp năng lượng một cách độc lập. Đây là một giải pháp thay thế cho năng lượng hóa thạch, giúp cải thiện tình hình thay đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt trên quy mô toàn cầu. Ngoài ra, nó có thể giúp tạo việc làm, giải quyết nguồn lao động nông nhàn tại các vùng nông thôn.

Đơn cử, năm 2015, nhà máy nhiên liệu sinh học xenluloza chính thức được đưa vào hoạt động tại Nevada, Iowa, Mỹ. Đây được xem là nhà máy xenluloza ethanol lớn nhất thế giới với công suất lên tới 30 triệu gallon nhiên liệu sạch mỗi năm, cung cấp mức độ giảm thiểu 90% lượng phát thải khí từ nhà kính so với khí thải từ xăng dầu. Thêm vào đó, việc phát triển năng lượng sinh khối còn giúp nước Mỹ tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp. Với những kinh nghiệm đó, BESI rất mong muốn được hỗ trợ Việt Nam, trước mắt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển công nghệ năng lượng sinh khối. Điểm đặc biệt của chương trình hợp tác, BESI sẽ hỗ trợ chuyên gia đến Việt Nam phát triển hệ thống máy móc xử lý rác thải thành năng lượng sạch, dựa trên tiêu chí sử dụng 80% nguyên liệu tại chỗ, 20% nguyên liệu lõi nhập từ Mỹ, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn của BESI. Như vậy sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất máy móc, cũng như tận dụng được nguyên liệu của địa phương.

Tuy nhiên, để việc hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh khối giữa hai bên được thuận lợi, ông Alex Mathew đề xuất chính phủ Việt Nam cần có một quy hoạch tổng thể. Trước hết, cần sự phối hợp hài hòa giữa các bộ ngành và các tổ chức nhằm phác thảo chính sách quốc gia cho vấn đề công nghệ sinh hối và năng lượng tái tạo. Có các chương trình truyền thông để nâng cao ý thức của người dân trong việc hiểu tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng sinh khối.

Việt Nam nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng có tiềm năng sinh khối rất lớn, vì Việt Nam có gần 80% dân số đang sống ở nông thôn, nơi mà nguồn năng lượng sinh khối rất dồi dào. Ngoài ra, Việt Nam còn là một nước nông nghiệp nên nguồn nhiên liệu gỗ, rơm rạ, lá cây củi mục và những phần dư thừa từ quá trình sản xuất nông nghiệp hay chế biến thực phẩm... rất phong phú. Tính trên quy mô quốc gia, lượng nhiên liệu gỗ khoảng 75-80 triệu tấn/năm, tương đương với 26-28 triệu tấn dầu/năm. Năng lượng sinh khối từ rơm rạ, trấu, cỏ, lá, mùn cưa và các chất thải nông nghiệp khác khoảng 30 triệu tấn/năm tương đương với 10 triệu tấn dầu/năm. Thêm vào đó, năng lượng sinh khối có nguồn gốc từ chất thải rắn hộ gia đình khoảng 0,103 triệu tấn/năm... Từ nguồn nguyên liệu dồi dào ấy, chúng ta có rất nhiều cơ hội để phát triển năng lượng sinh khối thay cho năng lượng không tái tạo, vừa giải quyết được vấn đề rác thải, vừa mang tính kinh tế, lại thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững.


Nguồn: TTXVN


0bd6a53b-3b88-4dfb-bb0c-dced87e844ad

Tiêu đề bài viết: Cần Thơ hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sinh khối. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: TTXVN.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang