Thông tin tuyên truyền - Phổ biến pháp luật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Cảnh báo dịch cúm gia cầm
Ngày đăng: 16/02/2017

Lượt xem:


Với tác động biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, không khí lạnh bao trùm và kéo dài nhiều tháng nay ở khu vực ĐBSCL, ngành chức năng cảnh báo dịch cúm gia cầm có khả năng xuất hiện. Vụ lúa đông xuân 2016-2017 đang trong giai đoạn thu hoạch và tình trạng thả vịt chạy đồng ở các ruộng lúa tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện ổ dịch và lây lan…
Khu vực ĐBSCL thường nuôi nhiều vịt chạy đồng sau vụ thu hoạch lúa.

Dịch cúm xuất hiện 

Mới đây, ngày 12-1-2017, dịch cúm gia cầm xảy ra tại ấp An Thạnh, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Bà con chăn nuôi kịp thời báo cáo ngành chức năng địa phương để được hỗ trợ xử lý. Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ áp dụng các biện pháp tiêu hủy, chống dịch, khử trùng, dập tắt ổ dịch kịp thời với tổng đàn gà được xử lý là 145 con. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng hướng dẫn, hỗ trợ người dân chăn nuôi tại địa phương các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi đàn gia cầm bị bệnh. Anh Nguyễn Văn Hòa, ngụ tại ấp An Thạnh, xã Thạnh Phú, cho biết: "Dịch cúm gia cầm thường hay xảy ra mùa đông hằng năm, khi không khí lạnh xuất hiện, nên người dân phải luôn cẩn trọng, phòng ngừa. Gia đình tôi có trên 200 con gà, vịt nên tôi cảnh giác tiêm phòng ngừa dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành thú y địa phương".

Cuối tháng 1-2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang phát hiện và tiêu hủy hơn 800 con gà nhiễm cúm H5N1 của ông Nguyễn Văn Thành, ở ấp 6, xã Long Trị A, huyện Long Mỹ. Theo ông Thành, toàn bộ số gà này được ông mua từ tỉnh Trà Vinh, bình quân mỗi con đạt trọng lượng hơn 1kg. Mặc dù ông tự mua thuốc về tiêm ngừa và điều trị bệnh cho gà, nhưng tất cả đều chết dần, ước tính thiệt hại hơn 12 triệu đồng.

Đa số đàn gia cầm bị bệnh có xuất xứ con giống không rõ ràng, ngành chức năng khuyến cáo nhưng nhiều hộ dân bỏ qua, vì vậy nhiều gia đình "trắng tay" vì dịch bệnh. Cuối tháng 1-2017, ngành Thú y tỉnh Bạc Liêu tiêu hủy toàn bộ 1.700 con gà nuôi hơn 1 tháng của hộ ông Võ Thanh Tùng, ở ấp Vĩnh Phú A, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long. Sau khi số gà có biểu hiện bất thường và chết dần, ông Tùng nhanh chóng báo cơ quan chức năng đến kiểm tra, với kết quả dương tính cúm A H5N1 cả đàn gà.

Tăng cường phòng tránh

Các ổ dịch xuất hiện tháng 1-2017 được ngành thú y các tỉnh, thành ĐBSCL xử lý dứt điểm trong phạm vi bùng phát bệnh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cán bộ thú y, hằng năm các vụ thu hoạch lúa, nhất là vụ đông xuân, người dân ĐBSCL có thói quen nuôi vịt chạy đồng (ăn lúa rơi rụng dưới ruộng). Các đàn vịt thả trôi nổi không kiểm soát là nguy cơ gây dịch bệnh gia cầm bùng phát trên diện rộng… Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang, mặc dù ổ dịch gia cầm của tỉnh được khống chế, nhưng không thể lơ là việc giám sát, tích cực phòng, chống dịch bệnh. Đối với đàn nuôi mới, đàn hết hạn miễn dịch trong tỉnh, sẽ sớm được tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm. Mặt khác, tăng cường giám sát ổ dịch và vùng lân cận, theo dõi chặt tình hình chăn nuôi trên địa bàn…

TP Cần Thơ cũng thường xuyên thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm. Khi có ổ dịch, ngành nông nghiệp và y tế phối hợp tiêu độc, sát trùng ổ dịch và khu vực xung quanh; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho đàn gia cầm khỏe mạnh tại địa phương và các khu vực lân cận; giám sát tình hình dịch bệnh, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ… Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Ngoài các hoạt động trên triển khai tại ấp An Thạnh, xã Thạnh Phú (địa phương xảy ra dịch cúm), ngành chỉ đạo trưởng ấp cùng với cán bộ thú y giám sát tình hình chăn nuôi, dịch bệnh và báo cáo hằng ngày về Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện; hướng dẫn người dân vệ sinh, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi… Nhờ vậy, địa phương ngăn chặn được dịch bệnh lây lan".

Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm và ngăn ngừa dịch bệnh lây sang người, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ ban hành kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm năm 2017 đến 8 quận, huyện (trừ quận Ninh Kiều). Thời gian tiêm phòng gồm 3 đợt, đợt 1: 15-2 đến 5-3-2017; đợt 2: 15-6 đến 5-6-2017; đợt 3: 1-10 đến 20-10-2017. Ngoài các đợt tiêm phòng định kỳ này, ngành thú y thực hiện tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm nuôi mới; đàn gia cầm hết thời gian miễn dịch bảo hộ hoặc người chăn nuôi yêu cầu… Qua đó, góp phần bảo vệ tốt đàn gia cầm, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra và ngăn chặn dịch cúm lây sang người.

 

Theo cơ quan chuyên môn, vi-rút cúm gia cầm H5N1 có khả năng lây sang người qua các con đường như: mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc; ăn tiết canh, thịt, trứng gia cầm chưa được nấu chín kỹ; vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi gia cầm không dùng đồ bảo hộ. Triệu chứng cúm gia cầm H5N1 trên người giống với triệu chứng cúm thông thường nhưng có một số điểm đặc biệt là sốt cao (từ 39 độ trở lên), liên tục, đau đầu, đau cơ; có trường hợp đau bụng, nôn ói. Đặc biệt, bệnh này thường xảy ra trường hợp viêm kết mạc mắt. Nặng hơn, có thể xảy ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, suy tuần hoàn dẫn đến tử vong…


Nguồn: Báo Cần Thơ


0257cf87-afab-4e99-9af8-c74e6082a2be

Tiêu đề bài viết: Cảnh báo dịch cúm gia cầm. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang