Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Cần Thơ: Học sinh bào chế chế phẩm sinh học bảo quản rau củ từ vỏ chuối xiêm
Ngày đăng: 28/04/2017

Lượt xem:


Bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Cần Thơ cho biết, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật thành phố Cần Thơ năm 2017 thu được kết quả khả quan, với nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo, tính khả thi cao và giá trị kinh tế tốt.
Em Nghi tại phòng nghiên cứu.

Trong đó nổi bật là đề tài “Nghiên cứu trích ly polyphenol từ vỏ chuối xiêm và đánh giá khả năng ứng dụng” của hai học sinh chuyên Hóa Phạm Trần Bảo Nghi và Trần Lê Anh Duy (lớp 11A4) trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng (huyện Bình Thủy). Kết quả công trình là chế phẩm sinh học an toàn từ vỏ chuối xiêm, có tác dụng bảo quản rau củ quả, kéo dài thời gian tươi của rau củ mà không ảnh hưởng đến màu sắc, chất lượng hay sức khỏe người tiêu dùng.

Phạm Trần Bảo Nghi, Chủ nhiệm đề tài cho biết, xuất phát từ quan sát thực tiễn, vùng đồng bằng sông Cửu Long trồng và tiêu thụ một lượng lớn chuối xiêm, hầu như vỏ chuối được coi là phế phẩm bỏ đi. Như vậy, vừa lãng phí, vừa góp phần làm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, là vựa trái cây, rau củ của cả nước, nhưng đồng bằng sông Cửu Long vẫn bị hạn chế rất nhiều ở khâu vận chuyển đi xa, do nông sản thường bị héo, biến chất trong quá trình lưu trữ dài ngày. Hàng nông sản chế biến sẵn được bày bán tại hệ thống các siêu thị cũng chung tình trạng không thể bảo quản qua ngày do rau củ sau khi loại vỏ thường dễ bị chuyển màu nâu sạm, do tác động của enzyme hóa nâu có sẵn trong nguyên liệu. Sử dụng các phụ gia chống hóa nâu, điển hình như NaHSO3, ngâm trong các dung dịch acid (acid citric, acid ascorbic) là giải pháp phổ biến hiện nay. Tuy vậy, điều này có thể làm cho rau củ biến đổi vị (có vị chua của acid). NaHSO3 là phụ gia cũng đã được Bộ Y tế đề nghị hạn chế sử dụng trong bảo quản thực phẩm.

Qua đọc tài liệu trong và ngoài nước, cũng như tham vấn ý kiến các thầy cô, các chuyên gia trong Đại học Cần Thơ, Bảo Nghi và bạn cùng lớp Trần Lê Anh Duy đã bắt tay vào thu gom vỏ chuối xiêm và bào chế thành chế phẩm sinh học bảo quản rau củ, với nhiều tính năng ưu việt. Dịch chiết polyphenol trong vỏ chuối xiêm được sử dụng ở tỉ lệ thích hợp không chỉ ngăn cản sự hóa nâu mà còn có tác động tích cực trong việc kháng khuẩn, nhờ đó ức chế sự hoạt động của các vi sinh vật gây bệnh, giúp bảo quản trái cây đã gọt vỏ tươi mới lên đến 7 ngày thay vì vài tiếng như hiện nay.

Là người trực tiếp hướng dẫn cho Bảo Nghi và Anh Duy thực hiện đề tài, thầy Lê Đỗ Huy, giáo viên môn Hóa học trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng chia sẻ: hai em làm việc rất tích cực và khoa học. Để tạo ra chế phẩm sinh học bảo quản rau củ từ vỏ chuối xiêm, cần thực hiện nhiều công đoạn. Trước hết là thu gom vỏ chuối xiêm, rửa sạch, để ráo, xắt nhỏ, sấy ở nhiệt độ 50 - 55°C, nghiền thành bột rồi đóng gói bảo quản lạnh 4 - 6°C, sau đó trích ly các hợp chất polyphenol. Ngay công đoạn thu gom vỏ chuối cũng cần sự tỉ mỉ và kiên trì vì các vựa chuối nằm rải rác trên phạm vi rộng, vỏ chuối tuyển lựa để thực hiện đề tài phải có độ chín vừa phải, không xanh quá cũng không chín nẫu vì sẽ không thu được hợp chất polyphenol như mong muốn. Công đoạn trích ly hợp chất polyphenol trong đề tài này có sự hỗ trợ vi sóng, nhà trường chưa đủ máy móc công nghệ hiện đại để đáp ứng, vì thế các em đã chủ động liên hệ với khoa Nông nghiệp, trường Đại học Cần Thơ để được nhà trường hỗ trợ sử dụng máy móc của khoa phục vụ nghiên cứu khoa học.

Theo Bảo Nghi, mục tiêu của dự án là xác định điều kiện tốt nhất để trích ly các hợp chất polyphenol từ bột vỏ chuối xiêm (musa paradisiaca L.), sử dụng phương pháp trích ly có hỗ trợ vi sóng và xác định tính chất, khả năng ứng dụng của cao chiết thu được. Trước hết, các thành phần có hoạt tính sinh học có trong dịch chiết bột vỏ chuối xiêm được định tính. Trên cơ sở đó, các điều kiện trích ly thích hợp, bao gồm tỷ lệ giữa bột vỏ chuối xiêm và dung môi ethanol sử dụng, nồng độ ethanol, công suất tác động của vi sóng đã được khảo sát dựa trên việc xác định hàm lượng polyphenol tổng số.

Dịch chiết từ vỏ chuối xiêm sau khi cô quay chân không được sử dụng để định lượng các hợp chất polyphenol hiện diện bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC, đánh giá khả năng bẫy gốc tự do DPPH, tính kháng khuẩn, sự ổn định trong quá trình bảo quản lạnh và ứng dụng thực tế. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, trong dịch chiết từ bột vỏ chuối xiêm có sự hiện diện của tannin, flavonoid, alkaloid, anthraquinone và saponin. Sử dụng dung môi ethanol 30%, tỷ lệ nguyên liệu và dung môi là 1:40 (w/v) và thời gian xử lý 10 phút ở mức năng lượng vi sóng trung bình 240W là các thông số thích hợp cho quá trình trích ly polyphenol từ bột vỏ chuối xiêm đạt hiệu quả cao nhất. Ở điều kiện trích ly đã được xác định, hiệu suất thu hồi cao chiết là 42,44%. Cao chiết từ bột vỏ chuối có khả năng kháng vi khuẩn staphylococcus aureus và salmonella enteritidis và khả năng bẫy gốc tự do DPPH cao. Hàm lượng polyphenol tổng số giữ được 81,79% và khả năng bẫy gốc tự do DPPH vẫn còn giữ được khoảng 79,72% so với cao chiết ban đầu (ở cùng tỷ lệ pha loãng của cao chiết) sau 8 tuần bảo quản lạnh. Khả năng chống hóa nâu của cao chiết từ bột vỏ chuối đã được khẳng định khi ngâm mẫu khoai tây vào trong dịch ngâm có tỷ lệ cao chiết là 0,3%v/v (3 ml hay 3,75 g cao chiết trong 1 lít dịch ngâm) thời gian ngâm 3 phút.

Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng, cô Cao Thị Ngọc Hà cho biết: Nhà trường đánh giá rất cao ý tưởng sáng tạo của Bảo Nghi và Anh Duy. Các thầy cô trong trường tạo mọi điều kiện hỗ trợ để các em hoàn thiện đề tài. Hiện nay hai em đang được trợ giúp mọi mặt để đưa đề tài đi tham dự cấp quốc gia. Đề tài khi hoàn thiện và được thương mại hóa, đưa sản phẩm ra bán rộng rãi trên thị trường sẽ là một trong những giải pháp nâng cao khả năng cung ứng hàng nông sản tươi của vùng đi xa hơn. Nông sản đến tay người tiêu dùng vẫn tươi mới, thơm ngon sau 7 ngày vận chuyển. Đặc biệt, sản phẩm được các chuyên gia đánh giá có tính an toàn, khả thi cao, ngăn ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế cho cây chuối xiêm nói riêng và hàng nông sản nói chung. Là người đồng chủ nhiệm đề tài, Anh Duy chia sẻ thêm, các em mong muốn sau này ra trường sẽ tiếp tục đầu tư về mọi mặt cho dòng sản phẩm của mình hoàn thiện và đi xa hơn nữa. Theo kết quả thu được hiện tại, polyphenol trong dung dịch chiết từ vỏ chuối xiêm ngoài tác dụng ngăn hoá nâu đối với các loại rau củ quả, còn có thể ứng dụng làm serum dưỡng da, hỗ trợ trị các loại mụn ngoài da do tính kháng khuẩn từ polyphenol./.


Nguồn: TTXVN


711ea866-7c1c-4974-aa5f-8cb8c6598f2d

Tiêu đề bài viết: Cần Thơ: Học sinh bào chế chế phẩm sinh học bảo quản rau củ từ vỏ chuối xiêm . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: TTXVN.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang