Định hướng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020
Ngày đăng: 22/03/2012

Lượt xem:


1. Mục tiêu phát triển:

1.1. Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố hiện đại và văn minh, là đô thị loại I trước 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước 2020; là trun tâm kinh tế - xã hội, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước; là một cực phát triển, dodnsg vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

1.2. Chỉ tiêu chủ yếu thời kỳ 2010 - 2020:

- Tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2015 là 16%/năm và thời kỳ 2016 - 2020 là 18%/năm.

 

- GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 4.611 USD vào năm 2020.

 

- Kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 2011 - 2015 tăng bình quân 21,8%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 21,3%/năm. Giá trị xuất khẩu bình quân đạt 1.540 USD/người vào năm 2015 và 3.520 USD/người vào năm 2020.

 

- Tỷ trọng GDP đến 2020 là: Nông - lâm - ngư nghiệp 3,7%; công nghiệp - xây dựng 53,8%; dịch vụ 42,5%.

 

- Đến năm 2020, số lao động được đào tạo nghề chiếm 47,7% lao động trong độ tuổi, trong đó công nhân có bằng cấp, chứng chỉ 25,1%, trung học chuyên nghiệp 21,1%, cao đẳng 8,8%, đại học và trên đại học.

 

- Giải quyết việc làm cho khoảng 600.000 lao động cho suốt thời kỳ 2006 - 2020. Bình quân mỗi giai đoạn 5 năm giải quyết việc làm cho khoảng 200.000 lao động.

 

2. Định hướng phát triển các ngành kinh tế, các lĩnh vực

2.1. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Ngành công nghiệp là đầu tàu phát triển công nghiệp hóa của thành phố trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, cụ thể: sản xuất hàng tư liệu phục vụ sản xuất nông ngư nghiệp; chế biến tinh nông thủy sản sau thu hoạch của thành phố và tỉnh lân cận; sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của thành phố và trong vùng; phát triển mạnh các ngành hàng công nghiệp hướng về xuất khẩu dựa trên các lợi thế cạnh tranh; tạo công ăn việc làm và đóng góp lớn cho xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các ngành công nghiệp mũi nhọn là chế biến lương thực - thực phẩm và đồ uống, năng lượng, cơ khí và chế tạo máy móc thiết bị, hóa chất và các sản phẩm từ hóa sinh, sinh học, điện và điện tử, tin học và vật liệu mới.

 

Tăng cường vận động đầu tư; xây dựng hoàn chỉnh các khu công nghiệp của thành phố, các trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; vận động các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long hình thành các "cụm công nghiệp đồng đầu tư ", hình thành Khu công nghệ cao; xây dựng và quảng bá các thương hiệu mạnh, thực hiện các cơ chế chính sách và cải thiện môi trường đầu tư.

Ngành xây dựng trong thời gian tới sẽ tập trung vào các công tác chỉnh trang, sửa chữa và xây dựng mới các công trình công cộng và dân dụng, chủ yếu là xây dựng các khu dân cư mới, các khu tái định cư, chung cư cho người thu nhập thấp và nhà ở trong dân, các khu - cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp thương mại dịch vụ của địa phương, các cơ quan Nhà nước cho các quận huyện mới và các công trình phúc lợi công cộng.

 

2.2. Nông nghiệp - thủy sản

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh và đa dạng hóa đất lúa, phát triển mạnh kinh tế vườn kết hợp nuôi thủy sản và du lịch vườn; xây dựng vùng chuyên canh rau màu an toàn, sạch phục vụ đô thị; xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ - kỹ thuật cao; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và hoa kiểng cho nhu cầu đô thị và du lịch. Phát triển mạnh thuỷ sản với các loại hình nuôi bán công nghiệp, công nghiệp; nuôi luân canh lúa - thủy sản.

 

2.3. Thương mại - Dịch vụ

Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ để thành phố trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ của vùng ĐBSCL; gắn thị trường Cần Thơ với thị trường các tỉnh vùng ĐBSCL, các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước và các nước trong khu vực; thực hiện chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước đi đôi với hội nhập quốc tế. Phát triển thương mại với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Khuyến khích phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ ở ngoại thành gắn với quy hoạch các khu dân cư mới, phát triển giao thông, nhằm thúc đẩy phát triển ngành nghề, phân công lại lao động.

 

Ngành du lịch của thành phố đặt trọng tâm vào hoạt động lữ hành, thu hút khách du lịch vào các khu du lịch sinh thái, du khảo văn hóa, hội thảo - hội nghị tại thành phố và các tỉnh lân cận. Phát triển các tour du lịch liên vùng và du lịch quốc tế song phương và đa phương. Tập trung tôn tạo, tu bổ và bảo tồn các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các điểm du lịch hiện có, mở thêm các tuyến - điểm mới, nâng cấp và mở rộng các cơ sở vật chất của ngành du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, các loại hình dịch vụ, liên kết với các tỉnh trong vùng xây dựng phát triển các điểm du lịch vệ tinh, xây dựng các sự kiện, lễ hội du lịch cho Cần Thơ và ĐBSCL. Mặt khác, tổ chức các tour du lịch công vụ, hội thi thể thao cấp vùng, xây dựng các chương trình du lịch trong và ngoài nước đồng thời xây dựng đội ngũ nhân viên lành nghề, chiến lược sản phẩm du lịch và chương trình xúc tiến du lịch dài hạn.

 

2.4. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội

* Về giáo dục đào tạo: đẩy nhanh tốc độ phát triển giáo dục; củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, tiến đến nâng cao chất lượng giáo dục và phổ cập trung học, nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường dạy ngoại ngữ và tin học từ bậc tiểu học. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% các loại hình trường giáo dục mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; đa dạng hóa loại hình trường lớp, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học; phát triển nhanh hệ trường tư thục; thực hiện chương trình phổ cập nghề nghiệp cho người lao động; đào tạo lao động có tay nghề tối thiểu là bậc 2, tiến đến bậc 3 - 4, đến năm 2020 đạt 70% lao động qua đào tạo.

 

* Y tế: tập trung đầu tư xây dựng cơ sở - trang thiết bị và củng cố mạng lưới y tế, nâng cao năng lực, chất lượng khám và chữa bệnh, tăng cường công tác kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, công tác quản lý vệ sinh thực phẩm, quản lý vệ sinh môi trường, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đối tượng chính là phục vụ cho nhân dân trong thành phố, ngành y tế còn trách nhiệm phục vụ cho nhân dân các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống, học tập hoặc du lịch trên địa bàn. Khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng bệnh viện tư, kể cả bệnh viện quốc tế, nhà bảo sanh, phòng mạch, phòng răng, tổ chẩn trị y học dân tộc.

 

* Văn hóa thông tin: phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng con người phát triển toàn diện. Tạo bước phát triển mới về chất của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các công trình văn hóa, thông tin đồng bộ, đa dạng và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - thông tin với chất lượng ngày càng cao. Phát triển mạnh sự nghiệp báo chí, xuất bản, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

 

* Thể dục thể thao: phát triển nhiều loại hình thể dục - thể thao, đào tạo lực lượng vận động viên đẳng cấp quốc gia và quốc tế. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất thể dục - thể thao, hệ thống sân bãi cấp quận huyện, phường xã và các khu dân cư tập trung, bảo đảm phục vụ nhu cầu tập luyện, vui chơi và thi đấu thể thao của nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực xã hội và làm phong phú các hoạt động thể dục - thể thao trong nhân dân. Đến năm 2020 dân số tập thể đục thể thao thường xuyên đạt 35% - 40%.

 

2.5. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội :

Đa dạng hóa hình thức đầu tư các dự án để huy động mọi tiềm lực xã hội đầu tư cho hạ tần giao thông. Tiếp tục chính sách xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và du lịch.

 

2.6. Hình thành các khu chức năng :

- Khu chức năng đô thị trung tâm: bao gồm quận Ninh Kiều và Bình Thủy, diện tích khoảng 9.800 ha, dân số trên 500.000 người vào năm 2020.

 

- Khu chức năng đô thị cảng - công nghiệp: bao gồm phần lớn quận Cái Răng, là khu dân cư mới theo dự án Nam Cần Thơ, kết hợp với khu công nghiệp Hưng Phú và cảng Cái Cui, diện tích khoảng 6.000 ha, dân số trên 150.000 người.

 

- Khu chức năng đô thị công nghiệp: bao gồm phần lớn khu vực ven sông Hậu của quận Ô Môn, là khu phát triển công nghiệp tập trung, kết hợp với dân cư, sân bay, cảng. Diện tích khoảng 6.400 ha, dân số trên 150.000 người.

 

- Khu chức năng đô thị công nghệ: bao gồm phần ven sông Hậu phía Tây quận Ô Môn (Thới Long, Thới An), là khu phát triển công nghệ cao cấp vùng kết hợp với các trung tâm giáo dục, nghiên cứu phục vụ công nghệ, công - nông nghiệp. Diện tích trên 7.000 ha, dân số thường trú khoảng trên 80.000 người và dự kiến 20.000 - 30.000 người vãng lai.

 

- Khu chức năng đô thị dịch vụ - công nghiệp: bao gồm phường Thốt Nốt và phần mở rộng đến Lộ Tẻ, là khu phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản kết hợp chợ đầu mối gạo, thủy sản và trung tâm phân phối các nông sản thực phẩm; trung tâm trung chuyển giữa khu đô thị trung tâm với khu kinh tế cửa khẩu An Giang, khu kinh tế biển Kiên Giang. Diện tích khoảng 3.000 ha, dân số trên 100.000 người.

 

- Khu chức năng đô thị sinh thái: bao gồm trung tâm huyện Phong Điền và khu vực ven sông Cần Thơ, là khu phát triển biệt thự nhà vườn với cảnh quan sông nước và các tuyến, điểm, khu du lịch, địa bàn phát triển về phía Nam của khu đô thị trung tâm theo hướng các khu dân cư trung - cao cấp, là điểm nghĩ dưỡng, lá phổi xanh của khu vực đô thị trung tâm. Diện tích khoảng 3.000 ha, dân số trên 50.000 người.

 

- Các thị trấn khác: bao gồm 2 thị trấn trên trục Bốn Tổng - Một Ngàn (Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ); các thị trấn Thới Lai, Thạnh An; các cụm điểm dân cư sẽ phát triển lên thị trấn (Trường Xuân, Sông Hậu, Trường Thành, Đông Bình). Diện tích tổng cộng khoảng 8.500 ha, tổng dân số trên 130.000 người năm 2020.

 


Nguồn: Quyết định số 21/2007/QĐ-TTg


8e0ab17f-3a04-4fb0-951a-65b577aa4fdc

Tiêu đề bài viết: Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Nội dung như sau: . Theo tác giả:

Nguồn: Quyết định số 21/2007/QĐ-TTg

.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang