Cần Thơ - Thủ phủ miền Tây


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Cần Thơ - Thủ phủ miền Tây
Ngày đăng: 17/04/2011

Lượt xem:


Thành phố Cần Thơ là đô thị trực thuộc Trung ương có diện tích tự nhiên 138.960 ha và dân số 1,12 triệu người. Phía bắc Cần Thơ giáp tỉnh An Giang, nam giáp tỉnh Hậu Giang, tây giáp tỉnh Kiên Giang, đông giáp hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Cần Thơ là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm kinh tế, văn hóa, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Câu ca dao: “Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi tới đó lòng không muốn về” phần nào nói về một vùng đất trù phú, sầm uất, được gọi là Tây Đô từ cuối thế kỷ XIX.

Du khách đến Cần Thơ không thể không tới bến Ninh Kiều bên bờ sông Hậu để thả mình vào cuộc hành trình sông nước. Trước hết là đón bình minh trên chợ nổi, nơi hội tụ không chỉ sản vật từ mọi miền quê, mà cả nét sinh hoạt cộng đồng độc đáo. Càng thú vị hơn nếu bạn vẫy gọi một trong những chiếc đò nhỏ bán đồ ăn sáng đang luồn lách giữa cả một “hạm đội” hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ. Cô lái đò duyên dáng trong bộ bà ba, đưa những món điểm tâm đến cho khách gọi. Cái rộn ràng, lam lũ mà lãng mạn này đã tồn tại cả trăm năm nay, tạo nên cái gọi là “văn minh kinh xáng” (theo lời nhà văn Sơn Nam). Từ đây du khách có thể tiếp tục cuộc hành trình về các cù lao, cồn xóm, len lỏi qua những miệt vườn trĩu nặng hoa trái, những vuông tôm, bè cá, qua những cánh đồng lúa vàng thẳng cánh cò bay để cảm nhận sự hào phóng của thiên nhiên và sức lao động bền bỉ của bao thế hệ người dân đất phương Nam.

Các khu dân cư mới: Bình An, Hưng Phú, Phú An, khu biệt thự Cồn Khương đem lại dáng vóc hiện đại, văn minh cho thành phố. Khu công nghiệp Trà Nóc I hiện đã phủ kín 100% diện tích, Trà Nóc II cũng đã đạt 65%. Tính đến quý I/2005, các khu công nghiệp tại Cần Thơ đã thu hút 115 dự án đầu tư với tổng số vốn 357 triệu USD, giải quyết 16.450 lao động, trong đó có 24 doanh nghiệp nước ngoài với vốn đầu tư là 95,453 triệu USD. Bốn huyện ngoại thành Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Phong Điền và Vĩnh Thạnh hàng năm cung cấp một triệu tấn lúa cùng hàng trăm ngàn tấn trái cây, rau xanh và thủy sản, còn có nhiều làng nghề truyền thống như chế biến nông sản, đóng tàu thuyền, đan lát và là những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Dự án xây cầu Cần Thơ (lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long), nâng cấp sân bay Trà Nóc, cải tạo cụm cảng Cái Cui đã khởi động, khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá, thu hút mạnh hơn nữa đầu tư trong nước và nước ngoài, đồng thời phát triển giao thông và du lịch với toàn khu vực.

Diện mạo của Cần Thơ trong những năm tới sẽ là một “đô thị xanh” đa trung tâm với đặc thù kiến trúc riêng, cảnh quan chủ đạo là sông nước và cây xanh, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70% với 1,4 đến 2 triệu dân... Trung tâm Ninh Kiều sẽ được đầu tư để trở thành đô thị loại I; hình thành khu đô thị cảng – công nghiệp Cái Răng; khu công nghiệp Bình Thủy; khu đô thị công nghệ Ô Môn; khu đô thị dịch vụ – công nghiệp Thốt Nốt; khu đô thị sinh thái Phong Điền đạt chuẩn đô thị loại III.

Chủ trương của thành phố là dành ưu tiên đặc biệt cho công tác đào tạo từ cán bộ quản lý đến đội ngũ trí thức và công nhân lành nghề, đồng thời có nhiều chính sách thu hút nhân tài để đáp ứng công cuộc phát triển của Cần Thơ. Đại học Cần Thơ, nơi có 10 khoa đào tạo 49 chuyên ngành, ba viện nghiên cứu và chín trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ vào hoạt động sản xuất. Những năm qua trường đã đào tạo hàng chục ngàn kỹ sư, bác sĩ, cử nhân, giáo viên, tham gia xây dựng mạng lưới khuyến nông, phổ biến kỹ thuật tới nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Đồng hành với Đại học Cần Thơ là Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất, cung ứng các loại giống lúa chất lượng cao, có nhiều dự án hợp tác quốc tế về nông học, là nơi thực tập của sinh viên và nghiên cứu sinh. Hiện tại Viện đã đáp ứng 80% giống lúa cho năng suất và chất lượng cao, trình độ công nghệ không thua kém bất kỳ một cơ sở nghiên cứu khoa học nào về cây lúa trên thế giới. Đó là một trong những yếu tố đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo.

Thành phố Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân 5 năm (2001 - 2005) tăng 13,5%. Riêng trong 2 năm (2004 - 2005) tăng bình quân hơn 15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dần theo hướng công nghiệp hóa. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, các khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án với tổng vốn đăng ký tăng dần. Sản xuất nông nghiệp đang chuyển dần sang hình thái nông nghiệp đô thị, chất lượng cao, nhiều hộ nông dân đạt giá trị sản xuất trên 50 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Các ngành thương mại - dịch vụ phát triển khá nhanh theo hướng đa dạng hóa loại hình, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hướng tới những ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Công tác xây dựng và chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh; trật tự đô thị được tăng cường, nếp sống văn minh đô thị từng bước được hình thành, bộ mặt đô thị kể cả nội thành và ngoại thành đang đổi mới từng ngày. Quan hệ sản xuất được chăm lo xây dựng củng cố, doanh nghiệp nhà nước được chú ý sắp xếp lại, kinh tế hợp tác có bước phát triển mới. Với những gì đã làm được trong những năm qua, Cần Thơ đang vươn lên để trở thành đô thị loại I trước năm 2010, xứng danh là Thủ phủ miền Tây giàu đẹp. 




6862956b-092d-4cb9-993c-ea29509f5566

Tiêu đề bài viết: Cần Thơ - Thủ phủ miền Tây. Nội dung như sau: . Theo tác giả: .

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang