Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nhiều mô hình nông nghiệp thu nhập cao
Ngày đăng: 18/08/2017

Lượt xem:


Năm 2004, thu nhập bình quân trên 1ha đất nông-lâm nghiệp-thủy sản tại TP Cần Thơ chỉ 37 triệu đồng. Trong những năm gần đây, mức thu nhập này được nâng lên trên 153 triệu đồng/ha. Hiện có không ít diện tích nuôi cá tra và trồng cây ăn trái thu nhập từ 200-500 triệu đồng/ha/năm, thậm chí cao hơn.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam.

Nhiều chuyển biến

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tại TP Cần Thơ đã chú trọng xây dựng, phát triển nhiều mô hình sản xuất gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích. Hiện mỗi năm thành phố sản xuất trên 1,3 triệu tấn lúa, trong đó có hơn 80% là lúa chất lượng cao. Sản lượng nuôi cá tra xuất khẩu tại thành phố có khả năng đạt từ 150.000-200.000 tấn/năm trở lên...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn trong năm 2016 đạt hơn 12.573 tỉ đồng. Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1,13%; trong đó, tổng diện tích lúa cả năm hơn 240.022 ha, vượt 10,22% so kế hoạch, sản lượng hơn 1,39 triệu tấn, vượt 6,5% kế hoạch. Mô hình cánh đồng lớn (CĐL) thực hiện với 228 lượt cánh đồng, diện tích 48.727 lượt ha, tăng 5.124 lượt ha so với năm 2015. Có 36.884 hộ dân tham gia CĐL, góp phần mở rộng chuỗi giá trị lúa gạo. CĐL mang lại lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 3-5,5 triệu đồng/ha/vụ.

Song song đó, thành phố tích cực chuyển đổi 1.120 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, mè, dưa hấu… Cụ thể, mô hình trồng dưa hấu giúp nhiều nông dân đạt lợi nhuận khoảng 58 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa khoảng 30 triệu đồng ha/vụ; trồng mè luân canh lúa trong vụ hè thu có lợi nhuận 17-21 triệu đồng/ha, cao hơn 7-10 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa.

Năm 2017, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ phấn đấu tăng trưởng từ 1% trở lên. Trong 7 tháng đầu năm, thành phố đã xuống giống 239.000 ha lúa và khả năng đạt sản lượng đề ra (1,3 triệu tấn năm 2017). Diện tích trồng cây ăn trái tại thành phố hiện đạt 16.652 ha, vượt 2,22% so với kế hoạch. Diện tích trồng rau màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày đạt 13.680 ha. Diện tích thả nuôi thủy sản 8.128 ha, đạt 77,4% kế hoạch, trong đó diện tích nuôi cá tra 573 ha, đạt 74,17% kế hoạch...

Thành phố hiện có gần 200 ha nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn (như: VietGAP, BMP, ASC, BAP...); 83 ha lúa và hơn 20 ha rau màu, cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 26 mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái. Đến nay, hầu hết các khâu trong sản xuất và thu hoạch lúa được cơ giới hóa. Thành phố đã hình thành các vùng sản xuất lúa, rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái tập trung. Đồng thời kiểm soát tốt chất lượng và được hỗ trợ xây dựng thương hiệu gắn với phát triển du lịch sinh thái. Có nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.

Năng động trong phát triển

Cần Thơ có nước ngọt quanh năm để sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi. Thực tế cho thấy, sự hỗ trợ tích cực từ ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền thành phố, nhiều nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã liên kết, hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cả về mặt kinh tế, môi trường và khả năng thích ứng BĐKH. Điển hình là mô hình nông dân liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp để nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (Global GAP, VietGAP...) và đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, 1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm” vào sản xuất lúa.

Mô hình nuôi cá tra của HTX Nông nghiệp Thủy sản Thắng Lợi.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Hợp tác xã Khiết Tâm ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “HTX có 40 xã viên, diện tích canh tác hơn 340 ha. HTX áp dụng nhuần nhuyễn nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP và các đơn hàng chất lượng cao của doanh nghiệp. HTX được hỗ trợ đầu tư nhà kho và nhiều thiết bị, máy móc hiện đại như: máy gặt đập liên hợp, lò sấy, máy cuốn rơm, máy bơm điện... để chủ động trong các khâu sản xuất, thu hoạch và bảo quản lúa”. Theo ông Huấn, nhờ áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật đã giúp HTX tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, vừa cải thiện tốt môi trường đồng ruộng, đặc biệt là giải pháp “1 phải 6 giảm”. Đó là phải dùng giống xác nhận, giảm lượng giống, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thất thoát sau thu hoạch và giảm khí thải nhà kính.

Theo ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, nhờ liên kết các hộ dân riêng lẻ để sản xuất theo đơn đặt hàng nuôi gia công của doanh nghiệp mà xã viên có thu nhập ổn định, không lo giá cá đầu ra biến động. HTX hiện có 44 xã viên, trong đó 12 xã viên nuôi cá tra, còn lại 33 xã viên tham gia sản xuất lúa và rau màu. Với 12 xã viên nuôi thủy sản, bình quân mỗi thành viên có diện tích ao nuôi gần 22.000 m2. Trong 3 năm qua, doanh thu của HTX luôn vượt mức trên 115 tỉ đồng/năm, thu nhập mỗi xã viên nuôi cá đạt trên 318 triệu đồng/năm.

Trong định hướng phát triển tới đây, TP Cần Thơ xác định nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, gắn bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và thích ứng BĐKH. Thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020 gắn với đẩy mạnh liên kết, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và nông nghiệp công nghệ cao.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa và công nghiệp hóa. Tác động của BĐKH ngày càng tăng, đòi hỏi thành phố phải có giải pháp khai thác tài nguyên hiệu quả và bền vững nhất. Phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là ưu tiên cần làm. Sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi một cách phù hợp và canh tác thích ứng BĐKH, chủ động phòng tránh thiên tai.


Nguồn: Báo Cần Thơ


d9557dca-6783-44ab-86f7-f35bf26e061a

Tiêu đề bài viết: Nhiều mô hình nông nghiệp thu nhập cao . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang