Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tín hiệu vui từ Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”
Ngày đăng: 14/02/2019

Lượt xem:


Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” với mục tiêu là tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, hướng đến xây dựng sản phẩm của 3 cấp: sản phẩm cấp quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm cấp huyện, xã mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mặc dù mới triển khai nhưng bước đầu Đề án đã mang lại tín hiệu tích cực.
Ảnh Dâu Hạ Châu (Nguồn: Internet)

Dâu Hạ Châu có mặt trên đất Phong Điền từ hơn 40 năm nay. Mỗi năm loại trái cây này góp phần mang đến cho người dân nơi đây nguồn thu nhập khá ổn định. Toàn huyện Phong Điền hiện có 675ha trồng dâu Hạ Châu, trong đó xã Nhơn Ái có diện tích lớn nhất, với 403ha. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà xã Nhơn Ái chọn dâu Hạ Châu là sản phẩm chủ lực của địa phương.

Theo nhiều nhà vườn Nhơn Ái, dâu Hạ Châu là loại cây trái đặc biệt, càng lâu năm, cây càng khỏe và cho trái ngày càng nhiều và năng suất khá cao, nếu trúng mùa khoảng 20-25 tấn/ha/năm, với giá cả thấp nhất cũng vào khoảng 10.000đồng/kg, mỗi ha nhà vườn có thể thu lãi từ 120-150 triệu đồng.

Tuy xuất hiện muộn hơn các loại trái cây khác ở đây như: dâu Bòn bon, dâu Da xanh, dâu Xiêm,… nhưng với những ưu điểm vượt trội về hình dáng, màu sắc và chất lượng, dâu Hạ Châu rất được ưa chuộng và đã làm nên thương hiệu cho vùng đất Nhơn Ái, Phong Điền. Cô Đào Thị Chích ở ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền trồng hơn 5.000m2 dâu Hạ Châu nói về những ưu điểm của loại trái cây này: “Dâu Hạ Châu rất ngon, ngọt và thanh. Hình dáng cũng tựa dâu Vàng, nhưng màu nhạt hơn và có xen với màu trắng. Khi chín, trái rất tròn, vỏ mỏng, múi trong. Trong khi dâu Vàng, dâu Gia Bảo có hậu chua, riêng dâu Hạ Châu thì ngọt và ngon hơn. Nếu trúng mùa thì mỗi chùm dâu tới vài chục trái”.

Hiệu quả thực tế từ cây dâu Hạ Châu càng minh chứng cho thương hiệu đặc sản của vùng đất Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Hiện tại địa phương đang cố gắng có thêm nhiều bước cải tiến mới về chất lượng quả và giữ vững uy tín thương hiệu để có thể đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cũng là một loại trái cây đặc sản, sầu riêng được trồng nhiều ở huyện Phong Điền và Thới Lai. Riêng ở huyện Thới Lai, loại trái cây này được trồng nhiều nhất ở xã Trường Thành, với diện tích từ 100 đến 150ha. Và đây cũng là sản phẩm được địa phương chọn đưa vào Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”.

Ông Nguyễn Văn Quýt ở ấp Trường Thạnh A, là một điển hình trong canh tác sầu riêng cho thu nhập cao ở xã Trường Thành. Trong khi nhiều nhà vườn thường chọn sầu riêng Ri6, thì ông lại chọn sầu riêng khổ qua để trồng trên diện tích 1ha cách đây khoảng 20 năm. Cũng nhờ giống sầu riêng này, mà hiện nay gia đình ông thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng mỗi năm. Ông Quýt cho biết: “Giá sầu riêng trong nhiều năm nay luôn ổn định, lên xuống vài ngàn chứ không như các loại trái cây khác giá cả lên xuống thất thường. Theo tôi nghĩ, trong khoảng 5 năm tới thì sầu riêng sẽ không mất giá do hiện nay nhà vườn mới trồng, trong khi cần tới 3 đến 5 năm mới cho thu hoạch. Còn sau đó, nếu Nhà nước tìm được hợp đồng xuất khẩu thì khả năng là chúng ta giữ sầu riêng được, mà sầu riêng so với các loại cây trồng khác thì nó ngon nhất”.

Mỗi khi nhắc đến xã nông thôn mới Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ thì chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ đến cơm rượu Bà Đằng, bởi vì hương vị thơm ngon của nó. Và đặc sản này đã có mặt trên thị trường cách đây trên 60 năm, với hàng chục, thậm chí cả trăm hộ chuyên sản xuất loại cơm rượu thơm ngon này. Sở dĩ có tên gọi cơm rượu Bà Đằng là vì những người làm ra loại cơm rượu nổi tiếng này ở rạch Bà Đằng thuộc 2 ấp Thạnh Phước và Thạnh Phước 2, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ.

Nổi tiếng nhất trong số đó là hộ Hà Thị Ba ở ấp Thạnh Phước. Hiện bà đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn theo đuổi nghề truyền thống. Mỗi ngày gia đình bà làm 5 đến 6 ổ cơm rượu (mỗi ổ 5 lít nếp), và bán cho những khách hàng ở Rạch Giá (Kiên Giang) và Cần Thơ. Bà Ba kể lại: “Hồi xưa má chồng của tui làm cơm rượu đi bán, sau đó bà truyền nghề lại cho tui, rồi bây giờ tui truyền lại cho con dâu tui, truyền từ đời này sang đời khác vậy đó”.

Trước đây, cơm rượu Bà Đằng không chỉ có mặt ở TP.Cần Thơ, mà ở các tỉnh lân cận như: An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp người dân cũng chuộng loại cơm rượu này. Được như vậy là do men làm cơm rượu phải là men ngọt mua ở Long Xuyên, Châu Đốc, tỉnh An Giang. Để làm ra một ổ cơm rượu ngon bán được phải trải qua nhiều khâu và thời gian ít nhất là 3 ngày. Nước muối nấu sẵn phải là muối hột để chống dính tay khi vò nếp và giúp cho cơm rượu chắc hơn. Ngoài ra, chỉ có lá chuối hột và chuối xiêm quấn nếp mới ngon. Một điều đặc biệt nữa là nghề này phải làm từ rất sớm, khoảng 1 giờ sáng là đã thức dậy để chuẩn bị làm rồi.

Cơm rượu được coi là món lên men, có tác dụng như vị thuốc, giúp dễ tiêu hóa. Cơm rượu không phải là món ăn no, cũng không phải là thứ để uống cho say, nhưng vừa ăn vừa thưởng thức hương vị đậm đà thanh khiết và khi dùng nhiều cũng cảm thấy lâng lâng. Và khi nhắc đến xã Trung Thạnh thì người dân sẽ nhớ ngay đến thương hiệu cơm rượu nổi tiếng này.

Cũng cần thông tin thêm, Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của TP.Cần Thơ giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình OCOP-CT) được lãnh đạo thành phố phê duyệt trong tháng 11/2018. Đề án tập trung vào 6 nhóm ngành hàng gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; đồ lưu niệm-nội thất-trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn.

Mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng và tiêu chuẩn hóa được 20 sản phẩm, phát triển 3 làng du lịch kết hợp với các sản phẩm địa phương. Đến nay, mục tiêu này đã cơ bản hoàn thành. Đến năm 2030, phát triển mới thêm 20 sản phẩm; công nhận, chứng nhận ít nhất 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao cấp quốc gia; phát triển 1 làng văn hóa du lịch; 5 làng du lịch kết hợp với các sản phẩm của địa phương. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 1.400 tỷ đồng.

Được biết, UBND TP. Cần Thơ chỉ đạo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án này. Đề Đề án thực sự phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Hè-Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ-Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố cho biết: “Thứ nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp và bà con nông dân về Chương trình OCOP. Thứ hai là xây dựng hệ thống quản lý thực hiện chương trình. Thứ ba là tập trung để phát triển các tổ chức kinh tế tập thể mà trọng tâm là các hợp tác xã, tổ hợp tác, các làng nghề truyền thống để phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị. Thứ tư là về cơ chế chính sách thì vận dụng các cơ chế chính sách hiện có của Trung ương, của thành phố để hỗ trợ và phát triển các làng nghề, phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác để tập trung nghiên cứu, xây dựng và phát triển các sản phẩm của Đề án”.

Tín hiệu bước đầu của Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ là khát vọng để TP.Cần Thơ lựa chọn thêm nhiều sản phẩm chất lượng giới thiệu đến du khách gần xa khi có dịp đến tham quan vùng đất giàu truyền thống hiền hòa và mến khách này.

 

                                                                                          


Quốc Trấn


0aec584c-d8b5-4643-9585-5c1ae15371f0

Tiêu đề bài viết: Tín hiệu vui từ Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Quốc Trấn.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang