Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Cần một nhạc trưởng để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP
Ngày đăng: 17/12/2018

Lượt xem:


Nhằm góp phần tìm giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính Phủ, ngày 14-12-2018, trường Đại học Cần Thơ phối hợp các tỉnh thành trong khu vực và Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức Hội thảo “Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Quang cảnh hội thảo

Trong chuyến công tác thăm và làm việc với ĐH Cần Thơ ngày 10-8-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn ĐH Cần Thơ là cơ sở nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP: “Chính phủ đưa ra chính sách nhưng hơn ai hết, sinh viên, giảng viên trong trường chính là một cơ quan nghiên cứu thực hiện nghị quyết này với những sáng kiến về lý luận, thực tiễn để đề xuất với Thủ tướng và các bộ, ngành” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo các đại biểu: Một năm qua, một số tỉnh, thành trong khu vực đã ra nghị quyết chuyên đề và một số bộ, ngành đã xúc tiến một số chương trình nhằm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP nhưng kết quả đạt được vẫn còn xa rời với mục tiêu, quan điểm và giải pháp thực hiện mà nghị quyết đề ra, trong đó có vấn đề thiếu liên kết và kinh phí.

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành chia sẻ những giải pháp đã thực hiện nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi sản xuất từ kiểu cũ sang phương châm “Tư duy kinh tế”, lấy giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng làm mục tiêu nhằm bán “cái thị trường cần”, các “Hội quán nông dân” lần lượt ra đời để hướng dẫn nông dân sản xuất theo yêu cầu này (kết nối sản xuất của nông dân với doanh nghiệp và thị trường), Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ: “Chúng tôi rất cần các nhà khoa học, chuyên gia cùng tham gia vận hành các Hội quán để cùng “về làng”, kích hoạt sự thay đổi của bà con…Với nền Nông nghiệp 4.0, Đồng Tháp chủ trương: Cuộc Cách mạng nông nghiệp lần thứ 4 chính là, và phải bắt đầu, từ việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hoá học. Gia tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, các phương thức sản xuất thân thiện với môi trường và người sử dụng, để tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Đây là một hành trình đầy khó khăn nhưng Đồng Tháp đang kiên trì thực hiện”.

Với hướng dẫn của các nhà khoa học, sự hỗ trợ của nhiều dự án quốc tế, sự “vào cuộc” của lãnh đạo nhiều tỉnh, thành, hiện nay ĐBSCL đã có những mô hình canh tác nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH theo hướng “thuận thiên”, chủ yếu là chuyển dần kiểu canh tác độc canh lúa từ 2-3 vụ sang những kiểu canh tác đa canh trên cả 3 vùng sinh thái nước ngọt, lợ, mặn, tạo giá trị lợi nhuận cao hơn nhưng vẫn duy trì ít nhất 1 vụ lúa căn bản vào mùa mưa. Một số mô hình sản xuất nổi bật: Mô hình lúa-tôm, mô hình tôm-rừng sinh thái ở vùng ven biển Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Mô hình đa canh kết hợp lúa-màu-chăn nuôi trên các vùng giồng cát, vùng nước lợ Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Mô hình lúa-màu (sen, rau); lúa-cây ăn trái, kết hợp du lịch ở vùng ngập lũ sâu hoặc lũ nông ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, để Nghị quyết 120/NQ-CP đi vào cuộc sống, theo các đại biểu: phải thành lập Ủy ban Mekong với một nhạc trưởng, nhằm thực hiện hiệu quả Liên kết vùng, lập kế hoạch thực hiện các chủ trương, xây dựng các mô hình sản xuất chung và đồng bộ, khoa học, tạo bước phát triển bền vững cho ĐBSCL, trong đó Đại học Cần Thơ đóng vai trò quan trọng. Cần lồng ghép điều khoản Luật Quy hoạch vào nội dung nghị quyết. Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để các địa phương và cộng đồng tham gia thực hiện. Tận dụng nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện nghị quyết.

Dưới góc độ khoa học, các chuyên gia kiến nghị: Trong sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản cần theo trình tự: Tìm các giải pháp khoa học-kỹ thuật sản xuất và hệ thống canh tác thích nghi, kết hợp giải pháp công trình nhỏ để ít đầu tư và quản lý linh hoạt. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp và đầu tư công trình lớn để quản lý rủi ro và chấp nhận hy sinh một số yếu tố môi trường-sinh thái. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, trường ĐH Cần Thơ: “Trong việc đưa ra các quyết định cần hướng cộng đồng dựa vào những lợi thế về giá trị của địa phương; Các thể chế, luật lệ hiện hành có điều chỉnh và các kiến thức bản địa hợp với việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác với các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để cùng nhau chung tay xây dựng và triển khai các hoạt động cụ thể là rất cần thiết để có những tư vấn khách quan và áp dụng những kiến thức mới”.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Trường ĐH Cần Thơ cam kết đồng hành với các tỉnh, thành trong vùng, và sẵn sàng làm đầu mối trong công cuộc phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Trường sẽ tóm tắt báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP và các kiến nghị của các đại biểu, để đề xuất trình Thủ tướng, thể hiện tính cam kết của nhà trường trong công tác triển khai và thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, như mong đợi của Thủ tướng”.


Đan Phượng


3ec0af0e-2f6b-4b0c-a34c-88ff7d46f7cd

Tiêu đề bài viết: Cần một nhạc trưởng để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Đan Phượng.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang