Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Người “thợ vẽ” Cần Thơ
Ngày đăng: 03/08/2018

Lượt xem:


Smart phone càng trở nên thông dụng, công nghệ ảnh kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ... khiến nghề vẽ tranh truyền thần, hay theo cách gọi của người Nam Bộ xưa là “họa hình”, dần bị mai một. Bất chấp sự đổi thay của thời cuộc, ông Phan Há ở phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ dù nay đã sắp bước sang tuổi “xưa nay hiếm” vẫn kiên trì bám trụ với nghề với niềm đam mê đặc biệt.

Ông Phan Há sinh năm 1951, quê gốc ở quận Phú Nhuận – Sài Gòn. Ngay từ nhỏ, ông đã có “hoa tay” và niềm đam mê đặc biệt với những nét vẽ. Thời trẻ, mỗi lần đến rạp hát gần nhà, thấy những họa sĩ vẽ cảnh nền cho sân khấu, ông say mê đứng xem mà quên cả coi hát. Nhiều lần thấy ông đến xem vẽ, một họa sĩ tên là Lê Nam quen mặt, nên thường sai vặt và bắt đầu dạy ông những bước cơ bản về hội họa. Sau hơn 4 năm học nghề, Phan Há trở thành thợ vẽ và bắt đầu kiếm sống bằng nghề. Một thời gian sau ông từ Sài Gòn trở về Cần Thơ tiếp tục mưu sinh với nghề vẽ từ màn cảnh cho gánh hát, tranh thủy mặc, tranh đồng quê, vẽ lịch, băng rôn, bao bì… nhưng sở trường của Phan Há là tranh truyền thần.

Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm 123, đường Châu Văn Liêm, treo gần chục bức tranh ông đã vẽ mấy chục năm qua. Những bức tranh thiếu nữ e ấp bên chiếc nón lá, anh thanh niên cường tráng múa lân, cô ca sỹ đánh đàn hay chân dung vợ ông thời son trẻ… những bức vẽ “có hồn” mà thoạt nhìn ai cũng ngỡ là ảnh chụp. Ông Phan Há cho biết, người dạy ông vẽ tranh truyền thần là họa sỹ Minh Hoàng, cứ đứng quan sát tự học rồi về tập tành vẽ. Đầu tiên thì vẽ những người trong gia đình, con cháu, em út, người thân quen, tập vẽ riết rồi lâu năm nghề dạy nghề… Để có một bức vẽ, trước nhất phải quan sát kỹ, mường tượng định hình qua một tờ giấy rồi bắt đầu vẽ từ từ. Phải tập trung cao độ vẽ tạo ra cái thần thái qua từng đường nét của khuôn mặt. Chính sự tập trung làm cho “cái hồn” của người vẽ đi vào tác phẩm … Điểm nhãn cũng là yếu tố quan trọng làm bức vẽ trở nên sống động. “Thị hiếu bây giờ người ta cũng thích nữa, mà ít lắm, trung bình không tới 4-5% đâu. Thành ra cũng khó khăn lắm. Thì bây giờ cũng gần 70 rồi, vẫn tiếp tục thôi, mình mê từ nào giờ nên cứ tiếp tục, tới đâu nó tới…” – ông Phan Há chia sẻ.

Thời “hoàng kim” của tranh truyền thần kéo dài suốt những năm 1970-1990, nhưng giờ đã mai một. Nếu như trước đây tại Cần Thơ có khoảng 7-8 người chuyên vẽ tranh truyền thần, thì giờ chỉ còn một mình Phan Há còn gắn bó được với nghề. Bây giờ, ông phải làm thêm nhiều công việc như: cắt chữ xốp, làm rồng phụng, làm lịch, viết thư pháp… để nuôi dưỡng niềm đam mê, để vui sống với nghề. Nhưng niềm vui lớn nhất của ông là sự cảm thông và ủng hộ của gia đình, người thân. Bà Trần Thị Mùi, vợ ông Phan Há cho biết: “Ổng có cái khiếu, có hoa tay mới vẽ được vậy chứ có nhiều người vẽ không được như vậy đâu. Có người lại đặt tranh mà sợ ổng vẽ không được vì thấy ổng mặc đồ lè phè đó. Vẽ rồi lại thấy như ý, người ta mừng lắm. Tôi ủng hộ chứ không ủng hộ ổng cũng làm nữa, chứ cái nghề của ổng không bỏ được, nghề của ổng giờ kêu ổng làm cái khác sao được…!”

Vẽ truyền thần dù không còn được phổ biến, nhưng đâu đó vẫn có những người “hoài cổ” dành tình cảm yêu mến và tiếc nuối cho dòng tranh này. Chị Trần Thị Ái Lê ở quận Ninh Kiều chia sẻ: “Xem những bức vẽ mình thấy rất xúc động, ở chỗ một người còn gắn bó với nghề này, đặc biệt đây là một loại hình có thể nói rất khó thể hiện, khó truyền tải cái thần thái, đường nét trong từng bức vẽ như thế. Khi xem những bức vẽ của chú tôi có một sự tiếc nuối vì hiện tại có rất ít người còn bám trụ với nghề này”.

Gần 50 năm gắn bó với nghề, Phan Há từ chối nhận danh xưng họa sỹ mà chỉ khiêm tốn gọi mình là “người thợ vẽ”. Giờ đây, tuổi đã cao, sức đã yếu, người thợ vẽ ấy vẫn cặm cụi thổi hồn vào từng bức tranh truyền thần, như cố níu giữ những nét đẹp “vang bóng một thời” trên đất Cần Thơ.


Trọng Nghĩa


Các tin khác:
26 năm gắn bó với nghề “nhân đạo - từ thiện”  (29/05/2019)
Thanh niên đam mê sản xuất lúa hữu cơ  (24/05/2019)
“Bếp ăn tình thương” ấm lòng học sinh  (22/05/2019)
Khởi nghiệp với hoa hồng  (07/05/2019)
Mô hình trồng khóm MD2  (03/05/2019)

a9b4b190-9eda-48a4-b968-34662a92f360

Tiêu đề bài viết: Người “thợ vẽ” Cần Thơ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Trọng Nghĩa.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang