Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Lớp học trên chợ nổi
Ngày đăng: 19/09/2016

Lượt xem:


Chợ nổi Cái Răng không chỉ là điểm đến nổi tiếng của Cần Thơ, ở đó còn có cuộc sống mưu sinh của khách thương hồ, cùng cuộc sống nhiều thiệt thòi của nhiều em nhỏ. Việc đến trường của con em khách thương hồ thường bị hạn chế bởi nhiều quy định, chính sách và thường chỉ dừng lại ở bậc tiểu học. Bởi vậy ước mơ được học ngoại ngữ hay những kỹ năng mềm dường như chưa bao giờ xuất hiện ở đây.
Lớp học trên chợ nổi Cái Răng

Giờ đây, ngay trên chợ nổi đã xuất hiện lớp học đặc biệt được hình thành từ dự án "Mekong Healthy Initiative Through Peer Education"- Giáo dục đồng đẳng Mekong, của nhóm tình nguyện viên Mekong Youth Impact (viết tắt là MYI)- Người trẻ Mekong.

Chiều Chủ Nhật, ngôi nhà bè của ông Lý Hùng (phường Lê Bình, quận Cái Răng) lại rộn vang tiếng các em nhỏ học tiếng Anh. Lớp học có hơn 10 em, đủ độ tuổi (từ 6-16 tuổi), chia thành hai nhóm nhỏ, được các tình nguyện viên của nhóm MYI hướng dẫn học tập, vui chơi qua các bài hát, câu chuyện bằng tiếng Anh. Sau vài phút ngỡ ngàng ban đầu, các em mạnh dạn làm quen với cách thức chào hỏi, giới thiệu về mình thông qua các bài tập, ca khúc thiếu nhi, trò chơi và hoạt động nhóm. Một buổi học khác, các em được học về chủ đề: thời tiết, khí hậu và biến đổi khí hậu. Sau hơn 2 giờ học tập với phương pháp giảng dạy vừa học - vừa chơi, các em nhỏ dần nhận thức, hiểu hơn về môi trường, biết thuyết trình, làm việc nhóm và trân trọng những sản phẩm mình làm ra.

Lớp học trên chợ nổi này đã bắt đầu từ những ngày đầu tháng 8-2016, ban đầu có vài em, dần dần số lượng đang tăng lên khi các gia đình thương hồ sống gần đó quan tâm. Chị Đặng Ngọc Diệu, phụ huynh của hai em Ngọc Ái và Ngọc Yến, cho biết: "Mấy bữa trước, tôi chạy ngang đây mới thấy có lớp học này, mới đem hai đứa nhỏ sang xin cho học. Tụi nhỏ thích lắm, cứ đòi học hoài không chịu về. Hằng ngày, hai vợ chồng mưu sinh trên chợ nổi, đâu có nhiều thời gian chơi với con, nay có lớp học này, tôi cũng thấy an tâm, con mình có chỗ học, chỗ sinh hoạt như con người ta". Ánh mắt chị Diệu đong đầy hạnh phúc khi nép mình ở một góc, quan sát các con học hành, vui chơi cùng các bạn. Với người chợ nổi, niềm vui, hạnh phúc của họ đôi khi chỉ giản đơn như thế.

Từ khi lớp học hình thành, người dân chợ nổi lại càng gắn kết, xích lại gần nhau. Chiếc ghe bán mưu sinh hằng ngày, trở thành phương tiện đưa đón các em nhỏ, chuyện quá giang, đưa rước con em người này người kia trở thành hình ảnh quen thuộc ở ngôi nhà nổi của chú Lý Hùng.

Chị Nguyễn Minh Thơ - điều phối viên dự án, chia sẻ: "Trước khi dự án bắt đầu, chúng tôi đã khảo sát, thuyết phục các gia đình cho con em tham gia lớp học. Ban đầu, nhóm gặp nhiều khó khăn vì mọi người không tin tưởng bởi chúng tôi còn quá trẻ, nhưng từ từ bà con đã đồng ý và lớp học ngày càng đông, nhận được những phản hồi tích cực". Các phụ huynh bây giờ đều chủ động đưa đón các em đến lớp đúng giờ, không còn cần các tình nguyện viên đến đón. Hay có thêm nhiều phụ huynh đến xin cho con cháu mình tham gia lớp học. Minh Thơ cho biết: Lớp học này còn có mục đích nâng cao nhận thức về môi trường của những trẻ em đang sống tại chợ nổi Cái Răng, trong đó hình thức chính là trao đổi và giúp các em tiếp thu các chủ đề chính: môi trường, tiếng Anh, đọc sách (mỗi tháng có 4 buổi học, bắt đầu vào lúc 14 giờ ngày Chủ Nhật). Qua đó, từng bước hướng dẫn các em thực hành tái chế, tái sử dụng các vật dụng bỏ đi, xây dựng tủ sách cộng đồng đặt tại chợ nổi, vẽ tranh, đóng kịch về chủ đề môi trường… dần hình thành cho các em nhỏ ý thức và thói quen bảo vệ môi trường xung quanh và nơi các em đang sống.

Chị Trần Anh Thư - Quản lý dự án, cho biết: "Mekong Healthy Initiative Through Peer Education là một trong ba dự án được chọn hỗ trợ từ cuộc thi "Kêu gọi ý tưởng hoạt động bảo vệ môi trường sông tại Đồng bằng sông Cửu Long" do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (Vietnam Rivers Network, viết tắt là VRN) tổ chức. Khi viết dự án này, chúng tôi mong muốn có thể góp sức giúp cuộc sống, môi trường của người dân chợ nổi Cái Răng được cải thiện, nhất là với các em nhỏ. Dự án chỉ được tài trợ trong giai đoạn đầu, khoảng 6 tháng, tức là đến cuối tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức và hành động của các em thì cần thời gian rất dài, do đó, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục dự án đến cuối tháng 8-2019". Sắp tới, MYI còn tổ chức hoạt động "Dọn rác ở chợ nổi", dự kiến diễn ra trong tháng 10 tới, triển lãm "Hội chợ môi trường" để trưng bày những sản phẩm, vật dụng tái chế, tranh vẽ của các em nhỏ ở lớp học chợ nổi (tháng 12-2016).

* * *

Có lẽ, lớp học ở chợ nổi chỉ xuất phát từ một dự án và tấm lòng của những người trẻ, nhưng đã đáp ứng nhu cầu của người dân chợ nổi về mong muốn cho con em được học ngoại ngữ, có kỹ năng mềm và kiến thức xã hội cũng như vui chơi giải trí. Lớp học này không đủ hiện đại, đúng chuẩn như trường học nhưng lại xuất phát, được nuôi dưỡng từ tình cảm, sự chân thành của những bạn trẻ - những người sinh ra và lớn lên tại Cần Thơ (Anh Thư và Minh Thư - hai bạn trẻ viết dự án đều là người Cần Thơ). Có lẽ chính vì vậy nó cũng nuôi dưỡng cho ước mơ của các bạn nhỏ, như cô bé Nguyễn Thị Kim Hân (12 tuổi), mong muốn trở thành bác sĩ, hoàn thành ước mơ của người chị từng bỏ học để em được đến trường. 

 

* "Mekong Healthy Initiative Through Peer Education" là dự án xây dựng kiến thức bảo vệ môi trường cho trẻ em ở chợ nổi, nhằm giảm thải việc ô nhiễm nguồn nước do rác thải sinh hoạt gia đình gây ra, thông qua xây dựng ý thức cho trẻ em để bảo vệ môi trường sống. Các em nhỏ sẽ được trang bị kiến thức tiếp cận và giải quyết vấn đề, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi mình đang sống.

* Nhóm Mekong Youth Impact- Người trẻ Mekong có khoảng 15 thành viên ở Cần Thơ, là những bạn trẻ đang học và vừa mới ra trường với mong muốn đóng góp cho sự phát triển xã hội.


Nguồn: Báo Cần Thơ


3b9ab9e2-c1e5-42e0-bce6-b27df3d1646d

Tiêu đề bài viết: Lớp học trên chợ nổi. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

Chiến lược phát triển
Hình ảnh đẹp

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: