Sức khỏe cộng đồng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết
Ngày đăng: 22/05/2018

Lượt xem:


Thông tin từ Khoa Sốt xuất huyết (SXH)- Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng bệnh nhi bị SXH không tăng. Tuy nhiên, không nên chủ quan với căn bệnh này, đặc biệt là trong bối cảnh thời tiết đầu mùa mưa.
Bác sĩ Khoa Sốt xuất huyết khám cho bệnh nhi. Ảnh: Đ.LÝ

Chuẩn bị sẵn sàng

Thống kê của Phòng Kế hoạch, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, riêng bệnh nhi ở Cần Thơ, từ đầu năm 2018 đến ngày 13-5, bệnh viện đã điều trị nội trú cho 125 bệnh nhi SXH (cùng kỳ 2017 có 371 ca). Trong 13 ngày đầu của tháng 5-2018, chỉ có 8 bệnh nhi SXH nhập viện, trong khi cùng kỳ 2017 là 41 ca. Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ tổng hợp từ các bệnh viện, trung tâm y tế, từ đầu năm 2018 đến ngày 13-5, toàn thành phố có 167 ca SXH (cùng kỳ 2017 có 347 ca). Trong đó 8/9 quận, huyện có số ca bệnh SXH giảm so với cùng kỳ 2017.

Theo bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, thông thường sau khi mưa xuống khoảng 2-3 tuần, muỗi phát triển và từ đó có nguy cơ lây truyền bệnh SXH. Hằng năm, lượng bệnh ở thời điểm này bắt đầu tăng. Mới vào mùa mưa, Khoa SXH đã chuẩn bị sẵn sàng để chủ động trong điều trị bệnh SXH khi có bệnh nhân nhập viện. Vừa qua, Khoa đã cử cán bộ đi tập huấn cập nhật về chẩn đoán, điều trị SXH do Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh tổ chức, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới giảng dạy. Những kiến thức từ đợt tập huấn này sẽ được chia sẻ lại với các đồng nghiệp ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Hiện nay, Khoa SXH có 12 phòng bệnh. Trong đó có 1 phòng để xử trí cấp cứu, 1 phòng bệnh nặng hoặc có diễn tiến phức tạp, 2 phòng bệnh theo dõi các trường hợp tiên lượng có thể nặng (sốt ngày thứ 3 đến ngày thứ 6). Các phòng này xếp gần phòng cấp cứu và phòng của cán bộ, nhân viên khoa để được theo dõi thường xuyên. SXH thường có nguy cơ diễn biến nặng từ ngày sốt thứ 3 đến ngày thứ 6 nên cần theo dõi sát sao hơn. Theo bác sĩ Bùi Hùng Việt, trong 2 ngày đầu, triệu chứng của SXH là sốt, nhức đầu, nhức mình mẩy, đau họng… triệu chứng này giống như sốt siêu vi, sốt phát ban. Trong 1-2  ngày đầu, xét nghiệm máu với test nhanh NS1 (sốt ngày 1, ngày 2), tỷ lệ âm tính giả cao nên khó chẩn đoán chính xác bệnh SXH. Tuy nhiên, kinh nghiệm điều trị cho thấy, nếu bệnh nhi có sốt kèm theo da sung huyết (da ửng đỏ như tôm luộc), kết mạc mắt đỏ lên, sốt cao tăng nhiều về chiều và đêm, khó hạ sốt bằng paracetamol và các thuốc hạ sốt thông thường, nên nghĩ đến SXH. Khi sốt từ ngày thứ 3 trở đi (72 giờ trở đi), xét nghiệm mới chẩn đoán chính xác SXH.

Không nên chủ quan

Theo các bác sĩ, nếu trẻ chỉ sốt, ăn, bú được thì cho toa thuốc uống, theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ có dấu hiệu: ói, tiểu ít, đau bụng, chảy máu cam, chảy máu chân răng, lừ đừ, li bì… phải quay lại bệnh viện khám ngay. Một số gia đình chủ quan, giao con cho ông bà chăm, thậm chí cho con đi học, khi trẻ trở nặng mới phát hiện ra, rất nguy hiểm. Phụ huynh nên theo dõi, chăm sóc con kỹ.

Trẻ SXH là trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi), trẻ có bệnh lý mãn tính đi kèm như tim bẩm sinh, béo phì, xuất huyết giảm tiểu cầu, tiểu đường, hội chứng thận hư… không nên điều trị ngoại trú mà cần nhập viện điều trị. Như trường hợp em Trần Gia Bảo, 12 tuổi, ở xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Mẹ bệnh nhi cho biết: Thấy con sốt cao, gia đình mua thuốc uống 2 ngày không bớt, đến ngày sốt thứ 3, gia đình đưa cháu đi khám, xét nghiệm, chẩn đoán sốt phát ban và cho thuốc uống. Đến ngày thứ 5, xét nghiệm lại thì chẩn đoán SXH, bác sĩ yêu cầu nhập viện để điều trị kịp thời.

Trong quá trình điều trị, cũng có những trường hợp gia đình không muốn nhập viện hoặc trì hoãn nhập viện với những lý do: chưa chuẩn bị đồ, không đủ tiền, không có người nuôi, cháu còn khỏe sao phải nhập viện... Bác sĩ Bùi Hùng Việt cho biết: “Các bác sĩ nhận thấy những dấu hiệu có nguy cơ bệnh nặng nên mới đề nghị nhập viện. Trong thực tế, có những cháu chỉ sốt, chơi bình thường nhưng đột ngột trở nặng. Thậm chí có cháu đang vô sốc, vẫn đi lại được... Bệnh SXH thường chỉ diễn tiến trong 7 ngày nên hết sức chú ý, chỉ cần chút lơ là, không theo sát, khi trở nặng thì không còn điều trị kịp”. Bác sĩ Bùi Hùng Việt khuyến cáo: Một số dấu hiệu tiên lượng nặng bệnh SXH như trẻ vào sốc mà vẫn còn sốt, tiểu cầu giảm nhiều, gan to nhiều, sốc sớm (thường ngày thứ 4, thứ 5 mới sốc)… cần được cán bộ, nhân viên y tế theo dõi sát.

 

 

 


Nguồn: baocantho.com.vn


1a1398bc-a0bb-42fe-917d-261a196f0e3a

Tiêu đề bài viết: Cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: baocantho.com.vn .

Giá, phí - Lệ phí

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

CỔNG THÀNH PHẦN

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang