Sức khỏe cộng đồng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Báo động bệnh viêm não Nhật Bản
Ngày đăng: 18/07/2017

Lượt xem:


Từ đầu năm 2017 đến nay, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ đã tiếp nhận điều trị 32 ca bệnh viêm não do vi rút. Trong đó, chủ yếu là bệnh viêm não Nhật Bản và đã có 2 ca tử vong vì căn bệnh này.
Cháu Đạt đã thở máy hơn 1 tháng.

Tử vong cao, di chứng nhiều

Cháu Võ Thành Đạt, 13 tuổi, nhập viện ngày 30-5-2017 và phải thở máy ở Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc mới duy trì sự sống. Nhìn cháu nằm thiêm thiếp, không một phản ứng, dì ruột cháu rơm rớm nước mắt kể: "Đạt khỏe mạnh lắm. Ngoài giờ học, cháu thường giúp mẹ làm việc nhà, giặt đồ, nấu cơm… rất hiếu thảo nên cả nhà ai cũng thương. Trước khi nhập viện 4 ngày, cháu bị sốt, mẹ đưa đi BV huyện khám. Bác sĩ cho 2 ngày thuốc, uống không bớt, đi tái khám cho tiếp 2 ngày nữa. Đến đêm ngày thứ 4 của bệnh thì cháu đột ngột không nói được. Gia đình đưa đến BVNĐ TP Cần Thơ thì cháu bị co giật, rồi hôn mê, thở máy luôn đến nay. Bác sĩ nói cháu bị viêm não rất nặng. Từ hôm cháu nhập viện đến nay, cả nhà thay nhau túc trực ở BV. Mẹ cháu khóc hết nước mắt, cả nhà phải giấu bà ngoại vì bà bị cao huyết áp". Tuy có bảo hiểm y tế nhưng đến nay gia đình cũng đóng hơn 30 triệu đồng tiền viện phí. Cha mẹ Đạt nghèo, phải vay mượn khắp nơi.

Theo bác sĩ Hà Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, với những ca viêm não, các cán bộ y tế phải theo dõi sát và kịp thời điều trị ngay các triệu chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn, phù não… Triệu chứng ban đầu chỉ có các dấu hiệu rất dễ nhầm lần với nhiễm siêu vi như sốt, ho, hắt hơi, nhức đầu, nôn… nên gia đình tưởng là sốt thông thường chỉ mua thuốc hoặc đi khám bác sĩ tư. Tuy nhiên, đến ngày thứ 2 và 3, ca bệnh diễn tiến nhanh, chuyển sang co giật, tri giác lơ mơ, mắt nhìn không rõ, lớ giọng (nói không rõ), hôn mê, cổ cứng… diễn tiến càng nhanh thì càng nặng. Viêm não Nhật Bản do vi rút gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các bác sĩ chỉ theo dõi và điều trị triệu chứng. Nếu cứu sống thì để lại nhiều di chứng nặng nề về vận động (liệt tay, chân), thần kinh (não)… sống đời thực vật, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nhiều cán bộ y tế ở BV kể về trường hợp K., ở quận Ninh Kiều. Cậu bé có gương mặt đẹp như thiên thần. Khi cháu đang đi học, giáo viên báo gia đình cháu bị sốt. Gia đình nhanh chóng đến trường và đưa cháu đi BV. Cả năm trời điều trị ở TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ đã cứu sống K. nhưng K. vĩnh viễn bị di chứng não, nằm một chỗ, phải mở khí quản ở cổ để thở nên người chăm sóc cách vài phút là phải hút đàm nhớt. Gia đình trang bị 5 máy hút đàm. Dù gia đình chăm sóc tốt nhưng K. thường xuyên ra vào BV. Ở BV này cũng từng có cháu phải duy trì sự sống bằng máy thở suốt 4 năm nay. Cũng có trường hợp, cháu bé 5 tuổi bị viêm não. Sau khi được cứu sống, cháu sống đời thực vật, cha bỏ, mình mẹ chăm cháu. Gần 20 năm sau, cháu mất thì mẹ hết tài sản và sức cùng lực kiệt.

Có thể phòng ngừa

Theo bác sĩ Hà Anh Tuấn, khi các cháu có dấu hiệu nghi ngờ viêm não như trên, gia đình nên nhanh chóng đưa đến BV có chuyên khoa nhi. Nhập viện sớm, điều trị sớm ngăn ngừa các triệu chứng nặng thì cơ may được cứu sống và phục hồi cao hơn. Bệnh diễn tiến nhanh, lại dễ nhầm với các bệnh khác, nên phần lớn các cháu đến BV trong trường hợp muộn. Có trường hợp vào sốc, choáng… không thể cứu được. Hiện nay, BV không chuyển lên tuyến trên vì chuyển viện gây nguy hiểm thêm cho bệnh nhi. Chưa kể, bệnh này chỉ điều trị triệu chứng, phác đồ và trang bị điều trị cho bệnh này ở BVNĐ TP Cần Thơ và tuyến trên cũng tương đương. Sau khi bệnh nhi nhập viện, trẻ được làm các cận lâm sàng, chọc tủy để xét nghiệm. Sau 2 giờ là có kết quả chẩn đoán.

Cho tới nay, bệnh viêm não chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ tử vong và di chứng cao nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Bệnh lây truyền khi người bị  muỗi mang bệnh cắn. Bệnh không truyền từ người sang người. Cũng theo bác sĩ Hà Anh Tuấn, phần lớn 32 ca bệnh viêm não do vi rút đều không tiêm ngừa hoặc tiêm ngừa không đầy đủ. Từ đầu năm 2017 đến nay, đa số các trẻ mắc bệnh đều là trẻ lớn (từ 8-15 tuổi). Bệnh viêm não Nhật Bản có trong chương trình tiêm chủng quốc gia từ năm 2015. Ngoài ra, cũng có vắc - xin dịch vụ tiêm phòng cho bệnh này. Theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ bắt đầu tiêm khi 1 tuổi, gồm 3 mũi tiêm. Sau đó 3-4 năm tiêm nhắc lại cho đến khi trẻ 15 tuổi. Tuy nhiên, do mũi nhắc cách xa nên nhiều phụ huynh quên tiêm cho trẻ. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chủ động ghi nhật ký để tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc.


Nguồn: Báo Cần Thơ


208db035-365d-4eca-8d45-1ddc0f918ced

Tiêu đề bài viết: Báo động bệnh viêm não Nhật Bản. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

Giá, phí - Lệ phí

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

CỔNG THÀNH PHẦN

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang