Khoa học và Công nghệ


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Kết nối nghiên cứu khoa học và công nghệ với đời sống
Ngày đăng: 21/12/2018

Lượt xem:


Ngày 20-12-2018, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ” nhằm góp phần phát triển kinh tế bền vững. Hội thảo thu hút đại biểu đến từ các viện, trường đại học và các chuyên viên, doanh nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.Hồ Chí Minh.

Để đạt mục tiêu đưa Việt Nam phát triển thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hoá đòi hỏi phải phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lượng sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học, thông qua việc thúc đẩy chuyển giao nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ (KH-CN) cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu, nhưng chỉ khoảng 12-15% kết quả  nghiên cứu này được ứng dụng vào thực tế, chuyển giao. Riêng ở ĐBSCL, theo đánh giá của Bộ KH-CN, giai đoạn 2016-2018, 13 tỉnh, thành trong vùng đã triển khai 631 đề tài, dự án; trong đó có 9 nhiệm vụ khoa học tự nhiên; 158 nhiệm vụ khoa học xã hội và nhân văn; 282 nhiệm vụ khoa học nông nghiệp; 94 nhiệm vụ khoa học kỹ thuật và công nghệ; 88 nhiệm vụ khoa học Y Dược. Mặt khác, dù có những nghiên cứu khoa học được chuyển giao, đưa vào ứng dụng nhưng tính thương mại hoá chưa cao, khả năng nhân rộng của các đơn vị tiếp nhận kết quả nghiên cứu còn nhiều hạn chế.

Các đại biểu đã phân tích những khó khăn, vướng mắc trong chuyển giao, thương mại hoá các công trình nghiên cứu KH-CN, trong đó có tình trạng: Các DN hiện nay chủ yếu là nhỏ và vừa, qui mô và quy trình sản xuất tương đối đơn giản. Nhiều DN dạng cha truyền con nối, chỉ quen với thủ công, quản lý giản đơn. DN rất thiếu vốn, khả năng tiếp cận nguồn vốn rất hạn chế, khả năng quản lý yếu hoặc thiếu kinh nghiệm tiếp thị: từ khâu nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, định giá, tìm kênh tiêu thụ đến xúc tiến thương mại; thiếu những sức ép đòi hỏi DN tiến hành đổi mới công nghệ một cách mạnh mẽ, hoạt động đổi mới công nghệ chủ yếu là mua máy móc từ nước ngoài và rất ít quan tâm đến nghiên cứu. Nhiều DN chưa có tầm nhìn xa, mang tính chiến lược, chưa có những kế hoạch đổi mới công nghệ dài hạn nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Vì vậy, nhìn chung, DN khó có điều kiện và nhu cầu hợp tác với nhà khoa học. Ngoài ra hạn chế còn do liên quan tới bảo mật của DN. Do phải giữ bí quyết kinh doanh, do chưa thực sự tin tưởng đối tác, và do tính kém hiệu lực của hệ thống luật pháp trong việc bảo vệ lợi ích của DN…Về phía các viện, trường cũng có nhiều rào cản như: Tình trạng bao cấp kéo dài và đầu tư dàn trải đối với KH-CN nên không tạo động lực thật sự để các nhà khoa học hướng các hoạt động nghiên cứu sáng tạo đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm KH-CN yếu kém về chất lượng. Nhiều cơ sở nghiên cứu chỉ có sản phẩm trong phòng thí nghiệm hoặc dừng lại ở ý tưởng, chưa có thiết kế cụ thể để triển khai rộng rãi. Thời gian nghiên cứu thường kéo dài 1-2 năm trong khi DN đòi hỏi có sản phẩm trong thời gian ngắn. Đặc biệt, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các nhà khoa học khi hợp tác với DN trở thành “vấn đề” và đang là rào cản của sự hợp tác này… Bên cạnh đó là thiếu sự đảm bảo từ phía Nhà nước để quan hệ hợp tác về KH-CN diễn ra thuận lợi. Cụ thể: thiếu các quy định pháp quy và việc thực thi các quy định về hợp đồng liên kết KH-CN, sở hữu trí tuệ, xử lý các vi phạm. Và mức độ ưu tiên cho hỗ trợ liên kết giữa viện, trường với DN ở các chính quyền địa phương chưa cao.

Để khắc phục, ngoài việc tìm giải pháp khắc phục những hạn chế trên, các đại biểu kiến nghị: Nhà nước cần khuyến khích hơn nữa đối với DN quan tâm đến cơ chế đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ (hiện nay DN được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH-CN). Cần tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học như: Diễn đàn kết nối nhà khoa học với DN, Techmart, TechDemo, triển lãm công nghệ; tạo môi trường pháp lý và tài chính cho các DN mua công nghệ nội sinh sẽ được miễn thuế thu nhập, và hỗ trợ 30% tổng kinh phí nhận chuyển giao công nghệ nội sinh. Đảm bảo quyền lợi của các bên khi chuyển giao công nghệ, không vi phạm những thông lệ quốc tế… Bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH-CN và Khởi nghiệp Việt Nam, cho rằng: “Cần cho phép viên chức khoa học, giảng viên các trường đại học làm việc cho các DN tư nhân. Cần lấy tiêu chí ứng dụng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xét duyệt, nghiệm thu các công trình KH-CN có sử dụng ngân sách Nhà nước. Đào tạo lại cho các nhân viên của DN. Đưa các sinh viên thực tập nghiệp vụ tại các DN”.

Ông Nguyễn Văn Phú, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH-CN, TP.Hồ Chí Minh (SIHUB) chia sẻ kinh nghiệm thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học tại TP.Hồ Chí Minh, trong đó ngoài tổ chức các Chương trình triển lãm công nghệ, điểm nhấn là các buổi DemoDay: các chủ dự án trình bày dự án của mình với các nhà đầu tư, sau đó ban giám khảo chọn 5 đề án xuất sắc, chủ các dự án này được tham gia chương trình đào tạo hoàn thiện cơ cấu tài chính và mô hình kinh doanh, đánh giá thị trường, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm; phát triển ý tưởng sản phẩm gắn với thị trường; Xây dựng đội ngũ tinh gọn và quy trình huy động vốn phù hợp. Ngoài ra SIHUB hợp tác cùng các đối tác tổ chức chương trình Mentor 1-1 cho các chủ dự án để xác định chiến lược phát triển những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường…Ông Phú khẳng định: “Cục Sở hữu trí tuệ phải quan tâm, phải có công cụ pháp lý để bảo vệ chất xám – quyền sở hữu sản phẩm của nhà khoa học, nhà sáng chế. Mặt khác, để chuyển giao KH-CN tốt, các đề tài nghiên cứu phải phục vụ đời sống một cách thiết thực, được thị trường chấp nhận. Các công nghệ phải có tính chất đổi mới sáng tạo, đem lại giá trị cao cho cuộc sống, được thị trường chấp nhận, đem lại hiệu quả kinh doanh cho DN”.

Tại hội thảo, kiến nghị phổ biến của các DN là mong Nhà nước hỗ trợ các điều kiện, nhất là tài chính, để thực hiện kết nối với các nhà khoa học, thực hiện chuyển giao KH-CN để ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh… Dịp này Ban tổ chức đã cung cấp thông tin về kinh nghiệm trong đánh giá, định giá và giám định công nghệ; việc đàm phán để mua bán công nghệ. Đặc biệt là Luật Sở hữu sản phẩm trí tuệ, giúp chủ sở hữu công nghệ tránh những rủi ro khi bị tổ chức hoặc cá nhân sao chép sản phẩm hoặc công trình, bao gồm các hình thức: đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế; cùng các biện pháp bảo vệ khác như: biện pháp bí mật thương mại, nhãn hiệu hàng hoá, bản quyền tác giả và hợp đồng hạn chế sử dụng (áp dụng cho cơ sở dữ liệu và vật liệu).

 

 


Đan Phượng


e17612f9-2cee-468f-94dd-88f07d3f66e3

Tiêu đề bài viết: Kết nối nghiên cứu khoa học và công nghệ với đời sống. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Đan Phượng.

Giá, phí - Lệ phí

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

CỔNG THÀNH PHẦN

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang