Giáo dục và Đào tạo


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam
Ngày đăng: 11/07/2018

Lượt xem:


Xác định vai trò của quốc tế hóa (QTH) giáo dục ở nước ta hiện nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế; đánh giá thực trạng, nhận định các rào cản và khó khăn về mặt lý luận, khuôn khổ pháp lý và thực tiễn trong quá trình QTH giáo dục đại học; bước đầu tìm kiếm các giải pháp và đề xuất chính sách tháo gỡ những rào cản thể chế trong quá trình thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục (GD) Việt Nam, nhằm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trong Chương trình khoa học trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020, là nội dung buổi tọa đàm “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh quốc tế hóa GD đại học Việt Nam”, do trường Đại học Kinh tế TP.HCM phối hợp trường Đại học Cần Thơ tổ chức vào ngày 9/7/2018.
P.GS TS Lê Khương Ninh, Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Cần Thơ, đóng góp ý kiến tại Tọa đàm.

Quốc tế hóa GD góp phần để Việt Nam thành công trong quá trình hội nhập, giúp phát triển khoa học kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế-xã hội và đưa GD đại học Việt Nam đáp ứng yêu cầu và đạt trình độ chung của thế giới, thu hút sinh viên các nước đến Việt Nam học tập cũng như đưa sinh viên Việt Nam ra nước ngoài giao lưu, học hỏi…

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, P.Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết: “GD đại học Việt Nam chưa được thế giới quan tâm, và rất mờ nhạt ngay trong khu vực châu Á. Chúng ta có rất ít công trình khoa học được công bố quốc tế. Các nước chung quanh ta: Nhật đã QTH Giáo dục đại học từ thập niên 70, Hàn quốc từ thập niên 80, Trung quốc từ thập niên 90, chúng ta hiện nay mới tính đến QTH giáo dục. Các trường đại học VN chưa có chương trình đào tạo phù hợp với hội nhập quốc tế; chưa có chính sách sử dụng nhân sự nước ngoài. Hiện nay một số trường đại học trọng điểm thực hiện liên kết với các trường đại học nước ngoài để đào tạo, sinh viên học một thời gian tại VN, sau đó sang trường liên kết tiếp tục học và được trường đó cấp bằng. Tuy nhiên cách làm này chưa thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến VN học tập dù học phí và giá sinh hoạt của chúng ta rẻ hơn các nước trong khu vực.”

Theo các đại biểu, QTH GD đại học VN đang thiếu 01 nhạc trưởng nên các trường phải tự thân vận động, tìm lối ra. Trong đó rào cản lớn nhất là trình độ ngoại ngữ, cụ thể là Anh văn, của giảng viên và nhất là sinh viên, của nước ta rất yếu, không đủ khả năng đi giao lưu học tập ở nước ngoài. Tại trường đại học Cần Thơ, khi thực hiện chương trình đưa sinh viên ra nước ngoài giao lưu, nhiều khoa không tuyển đủ chỉ tiêu vì sinh viên không đạt yêu cầu về ngoại ngữ dù học chuyên ngành tốt. Trình độ tiếng Anh hạn chế nên không tạo được môi trường học tập quốc tế để thu hút sinh viên nước ngoài. P.GS TS Lê Khương Ninh, Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Cần Thơ, kiến nghị: “Tôi mong Chính phủ có chính sách về dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường để học sinh, sinh viên học là để sử dụng, không phải học để thi,… Ở nước ngoài, như Singapore, Philipines, Thái Lan, bước vào đại học, sinh viên đã có khả năng sử dụng tiếng Anh trôi chảy và học bằng giáo trình tiếng Anh. Ở Mỹ, học đại học, sinh viên phải biết sử dụng ít nhất 2 ngoại ngữ.”

 Một trở ngại lớn khác là chương trình đào tạo, theo các đại biểu: Tại các nước tiên tiến, chương trình đào tạo khuyến khích sự sáng tạo và trang bị cho người học kỹ năng nhận biết và xử lý các vấn đề. Ở VN chủ yếu dạy lý thuyết, khái niệm; chương trình không cập nhật, không theo kịp sự tiến bộ của thế giới. P.GS TS Lê Khương Ninh băn khoăn: “Chúng ta chưa thể thu hút sinh viên thế giới vì họ không hãnh diện khi cầm tấm bằng đại học của ta, họ không thể học chương trình chính trị, quân sự. Các phòng thí nghiệm của chúng ta chưa đạt chuẩn quốc tế để sinh viên thực tập và nghiên cứu khoa học. Về trao đổi giảng viên, Đại sứ quán Mỹ tại các nước đều giới thiệu học giả đến các trường đại học tham gia giảng dạy nhưng ở VN, dường như các trường đều ngần ngại, không dám tiếp nhận”.

TS Lê Thị Nguyệt Châu, Trưởng Khoa Luật, Đại học Cần Thơ, thẳng thắn: “Ngành Luật rất khó để QTH. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của VN, quốc tế họ rất quan ngại về phạm trù đạo đức. Khi tôi giới thiệu đề tài nghiên cứu khoa học của các thầy cô đến tạp chí khoa học quốc tế để công bố, ban biên tập luôn nhắc tôi phải kiểm định tính chính xác của nội dung cũng như xác minh công trình đó có sao chép dữ liệu của ai?”.

Dịp này Đại học Cần Thơ chia sẻ một số kinh nghiệm để đạt thành quả bước đầu trong công tác quan hệ quốc tế, PGS.TS Lê Việt Dũng, P.Hiệu trưởng trường, tự hào: “Nổi bật là truyền thống hội nhập của Đại học Cần Thơ. Chủ trương này được kế thừa và phát huy qua các nhiệm kỳ lãnh đạo kết hợp sự đồng lòng ủng hộ, đoàn kết của tất cả giảng viên, cán bộ, nhân viên. Các thầy cô hoàn thành chương trình học tập ở nước ngoài đều trở về, và mang theo những dự án, đề án có tầm quốc tế, những học bổng, để giúp trường phát triển. Ban Giám hiệu trường sẵn sàng chịu tốn kém để giúp trường vươn đến hội nhập và phát triển, như chi hơn 400 triệu đồng cho kiểm định chất lượng quốc tế các chương trình đào tạo tiên tiến; năm 2017 đã chi hàng trăm triệu đồng đưa 500 sinh viên ra nước ngoài giao lưu, học tập ngắn hạn. Trường cũng bố trí chỗ ở nội trú không lấy tiền đối với sinh viên nước ngoài đến Đại học Cần Thơ học tập”.

Các đại biểu kiến nghị và nêu nhiều giải pháp để tháo gỡ các rào cản, trong đó có việc các trường đại học phải có chiến lược QTH gắn với cấp quốc gia, đẩy mạnh chương trình trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên. Có chương trình đào tạo tiên tiến với sự giảng dạy của giảng viên nước ngoài, bằng tốt nghiệp đại học được quốc tế công nhận; có giải pháp dung hòa giữa thời gian giảng dạy và thời gian nghiên cứu khoa học của giảng viên. Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học  trọng điểm và được công bố quốc tế; có chính sách sử dụng nhân sự nước ngoài và đầu tư cơ sở vật chất cho các trường trọng điểm, nhất là các phòng thí nghiệm đẳng cấp quốc tế; các trường này sẽ hỗ trợ hoạt động chuyên môn các trường đại học khác. VN cần tiến tới  thực hiện QTH trong kiểm định và xếp hạng các trường đại học.


Đan Phượng


Các tin khác:
Tổ chức SCI hỗ trợ kỹ năng thành công cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Cần Thơ  (02/04/2024)
ĐH Cần Thơ phát động Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp tiềm năng” trong học sinh, sinh viên mở rộng 2024  (14/03/2024)
Trường Đại học Y Dược Cần Thơ kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2  (27/02/2024)
Sinh viên Cần Thơ - Những câu chuyện đẹp  (23/02/2024)
Công khai Quyết định ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của Trường phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao thành phố Cần Thơ  (02/02/2024)

923c9336-d819-4651-9a2d-849ce2e8b4a5

Tiêu đề bài viết: Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Đan Phượng.

Giá, phí - Lệ phí

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

CỔNG THÀNH PHẦN

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang