Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
“Phát triển mạng lưới logistics của thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”
Ngày đăng: 21/02/2019

Lượt xem:


Đó là chủ đề của Hội thảo Khoa học do UBND TP Cần Thơ phối hợp trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức tại Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ, Sở KH-CN TP Cần Thơ ngày 20-2-2019. Tại hội thảo, từ những phân tích khoa học, công trình nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước, cho thấy những yếu tố cần thiết và lợi thế để Cần Thơ trở thành Trung tâm logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu khai mạc hội thảo

Với 13 tỉnh-thành, ĐBSCL có tổng diện tích tự nhiên 4,08 triệu ha, dân số trên 18 triệu người. Tổng thu ngân sách vùng giai đoạn 2016-2018 đạt hơn 243.200 tỷ đồng, đóng góp 18% GDP cả nước. Tốc độ phát triển của vùng khiến nhu cầu vận tải sản lượng nông thủy sản rất lớn. Thị trường logistics của vùng nói chung, Cần Thơ nói riêng, rất tiềm năng nhưng hệ thống logistics rất yếu, rời rạc. Theo nghiên cứu: Hàng năm nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của vùng khoảng 17 đến 18 triệu tấn/năm, nhưng 70% hàng hóa xuất khẩu phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP HCM và cảng Cái Mép, khiến chi phí vận tải doanh nghiệp (DN) phải gánh cao hơn từ 10 đến 40% tùy từng chuyến. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ, cho biết: “Do ĐBSCL chưa có chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hoàn chỉnh nên hàng hóa của Công ty phải vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh hoặc Đồng Nai làm thủ tục xuất khẩu. Điều này không chỉ phát sinh chi phí, thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan mà còn làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa”. Do vậy việc phát triển ngành dịch vụ logistics tại ĐBSCL là nhu cầu cấp bách. Qua nghiên cứu, nếu khu vực có đầy đủ dịch vụ này, mỗi tấn hàng hóa vận chuyển đường bộ sẽ giảm được khoảng 30.000 đồng, đường thủy thì khoảng 15.000 đồng.

Các chuyên gia thống nhất xây dựng Trung tâm logistics hạng II cấp Vùng tại TP Cần Thơ là phù hợp, từ đó góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững và ổn định của cả vùng, giúp giảm thiểu chi phí đầu vào, tăng giá trị gia tăng của hàng hóa đối với các mặt hàng chủ lực của vùng và phù hợp chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài việc là địa phương duy nhất trong vùng điều tiết Ngân sách về Trung ương, tổng mức hàng hóa bán lẻ, doanh thu dịch vụ, tổng kim ngạch xuất khẩu của Cần Thơ hàng năm liên tục tăng. Cần Thơ được đánh giá đứng đầu về giá trị thương mại, là đầu tàu kinh tế của vùng. Bên cạnh, với vị trí trung tâm, Cần Thơ là cửa ngõ giao lưu quan trọng về giao thông thủy-bộ trong vùng cũng như kết nối với TP HCM và một số nước láng giềng, có Cảng Hàng không quốc tế, có hệ thống giao thông thuận lợi, có cảng biển và hệ thống cảng thủy nội địa phù hợp các quy hoạch, đảm bảo tính kết nối giữa các địa phương.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu Đề tài Phát triển mạng lưới Logistics của thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của trường đại học quốc tế Hồng Bàng, do NGND. PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường, làm trưởng nhóm, đã trình bày kết quả đánh giá hiện trạng logistics của Cần Thơ và khu vực, chỉ ra những bất cập, xác định các nguyên nhân, điểm nghẽn cần giải quyết. Từ đó, đề xuất về Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm logistics, xây dựng mạng lưới logistics cho thành phố trên cơ sở dự báo lưu lượng hàng hóa qua thành phố bằng đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không. Xác định các địa điểm đặt Trung tâm logistics và khu logistics phụ để có chi phí cực tiểu và thời gian giao nhận hàng ngắn nhất.

Bên cạnh lợi thế, để xây dựng thành phố thành trung tâm logistics của vùng, theo các đại biểu, Cần Thơ cần khắc phục đồng bộ những hạn chế như: các luồng sông dẫn vào các cụm cảng thường xuyên bị bồi lắng phù sa, do vậy cần xem lại tính khả thi và định hướng của dự án nạo vét luồng Định An vì có khả năng Kênh tắt Quan Chánh Bố của Bộ Giao thông Vận tải mở rộng luồng cho tàu 20.000 tấn vào Cảng Cái Cui không thể thực hiện tiếp do sạc lở hai bên bờ. Tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ do Trung ương quản lý tại địa bàn thành phố cho đồng bộ nhằm tăng khả năng vận chuyển hàng hóa của DN bằng xe container, giảm chi phí cho DN. Nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ thông qua việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển logistics. Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển thêm hệ thống các kho ngoại quan tại các cảng đầu mối theo hướng hiện đại hóa, giúp hàng hóa thông quan thuận tiện, giảm chi phí xuất khẩu. Các trường đại học, cao đẳng cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực để quản lý, vận hành, khai thác thị trường logistics kết hợp đầu tư các phương tiện, kỹ thuật hiện đại nhằm phát triển hệ thống logistics vươn ra thế giới.


Đan Phượng


0e863430-53f0-45c2-a4ca-ceb1fd396708

Tiêu đề bài viết: “Phát triển mạng lưới logistics của thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Đan Phượng.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang