Tin hoạt động của Lãnh đạo Thành phố


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Hướng đến các giải pháp phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 27/03/2024

Lượt xem:


Sáng 27/3, tại Trường Đại học Cần Thơ, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tham dự Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo còn có sự tham gia của ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Bộ TN&MT); ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT); đại diện 7 địa phương chịu hạn, mặn nghiêm trọng là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu cũng như các doanh nghiệp cung cấp nước sạch tại ĐBSCL.

Hội thảo là diễn đàn để các Bộ ngành, chuyên gia, địa phương và doanh nghiệp cùng thảo luận, chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm trong thích ứng với hạn, mặn ở ĐBSCL để hướng tới phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ.

Theo số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 12/2023 tới nay, trên toàn bộ ĐBSCL gần như không mưa. Tổng lượng mưa thời gian này thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%. Trong điều kiện mưa gần như không có, trời nắng kéo dài, tổng lượng dòng chảy từ sông Mê Kông về bị thiếu hụt khiến ĐBSCL trải qua mùa hạn, mặn khốc liệt.

Số liệu của Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho thấy, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Ngay từ nửa cuối tháng 11/2023, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các sông theo đỉnh triều trong ngày. Từ tháng 12 đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra, trong đó đỉnh điểm là tháng 3. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8- 13/3 với ranh mặn 4‰ vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn.

Tính đến nay, mức độ xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với năm 2016 - một trong những năm hạn, mặn kỷ lục ở ĐBSCL. Riêng tại tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn ở mức xấp xỉ ranh mặn sâu nhất năm 2016, xâm nhập mặn trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016.

“Tính từ cuối năm 2015 đến nay, cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn, trong đó đã có 11/13 tỉnh,thành công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn và đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL. Mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở địa phương như: Xây dựng hệ thống kênh rạch dẫn nước ở ĐBSCL; Các công trình ngăn mặn lớn tại ĐBSCL gồm hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp; Hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre, cống đập Ba Lai; và, Hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển ĐBSCL, tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường. Việc nâng cao nhận thức, thiết kế và triển khai chương trình hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề ứng phó với tình trạng hạn mặn cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đang rất cấp bách. Bên cạnh các biện pháp chung ở cấp vùng, mỗi địa phương trong khu vực cần thực hiện những biện pháp riêng phù hợp với điều kiện của mình”, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định Hội thảo được tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng, thiết thực và mang tính thời sự. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, để chủ động phòng, chống và thích ứng với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, TP Cần Thơ đã triển khai một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, làm tốt công tác dự báo, truyền thông để thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ đến chính quyền các cấp và người dân về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn. Tổ chức vận hành các công trình thủy lợi lợi hợp lý. Xây dựng các kịch bản về ứng phó và thích ứng với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế của từng quận, huyện.

Song song đó, tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng. Chủ động và thường xuyên làm tốt công tác thủy lợi. Từng bước điều chỉnh sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng bày tỏ hy vọng kết quả của Hội thảo sẽ giúp có thêm các giải pháp kịp thời, đúng mức, phù hợp với từng địa phương vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.  


Kim Xuyến


c02eee20-9bea-4ec4-ab2c-9ffb552323b0

Tiêu đề bài viết: Hướng đến các giải pháp phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Kim Xuyến.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang