Tin hoạt động của Lãnh đạo Thành phố


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Hoàn thiện chính sách xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam
Ngày đăng: 18/03/2024

Lượt xem:


Ngày 18/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) phối hợp UBND thành phố Cần Thơ đồng chủ trì tổ chức Hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Trần Văn Nam khẳng định sẽ xây dựng nghị định về quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản để bảo vệ giá trị của nông sản Việt Nam.

Tham dự có ông Trần Văn Nam, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT; ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; đại diện lãnh đạo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, Sở NN & PTNT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; đại diện các ngành hàng (lúa gạo, rau quả, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản), các hiệp hội (lương thực, cà phê - ca cao, hồ tiêu và cây gia vị, cao su)... Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của trên 100 đại biểu đến từ các trường đại học, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản; một số chuyên gia về tư vấn xây dựng thương hiệu…

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp đạt 53,01 tỷ USD; 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ đô la Mỹ trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ đô la Mỹ và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản.

Mặc dù đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lôgô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thương hiệu nông sản Việt Nam vẫn bị xâm phạm ở nước ngoài như: ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột...

Cũng theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, thời gian thương hiệu nông sản Việt đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản Việt Nam. Thương hiệu nông sản Việt cũng đã tác động tích cực đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương, nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ danh tiếng, giá trị của các sản phẩm được bảo hộ. Số lượng sản phẩm nông sản Việt được bảo hộ tại thị trường quốc tế tăng; các thương hiệu nông sản được bảo hộ đã bước đầu tác động tích cực đến giá trị của sản phẩm.

Bên cạnh đó, khung thể chế pháp lý bảo hộ thương hiệu khá đồng bộ và ngày càng hoàn thiện với Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật. Việt Nam cũng đã là thành viên của Thỏa ước và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể bảo hộ nhãn hiệu ở hơn 100 nước thành viên một cách thuận lợi và hiệu quả. 

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam hiện hiện nay vẫn còn gặp một số hạn chế, bất cập. Đó là thiếu định hướng chiến lược tổng thể ở cấp quốc gia trong xây dựng thương hiệu nông sản; quản trị phát triển thương hiệu nông sản còn yếu, thiếu chủ thể có năng lực để quản lý và khai thác thương hiệu hiệu quả; chiến lược tiếp cận thị trường gắn với xây dựng thương hiệu, chất lượng, quy hoạch vùng sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; quản lý thương hiệu còn bất cập; các công cụ để xây dựng thương hiệu chưa hiệu quả; hệ thống thông tin và kết nối thị trường còn hạn chế…

Hiện nay Việt Nam chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu nông sản. Thông qua công tác tuyên truyền và các chương trình hiện nay ở các Bộ, ngành và địa phương, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động trong đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu nông sản, nhưng việc phát triển các thương hiệu mạnh (ở cả 3 nhóm sản phẩm quốc gia, vùng và địa phương) đều còn hạn chế. Chính vì vậy, việc xây dựng một cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho nông sản đảm bảo phù hợp hợp với các chủ trương, chính sách, cơ sở pháp lý liên quan là rất cần thiết.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng việc xây dựng thương hiệu nông sản cần có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành và địa phương trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Ngoài ra cần có cơ chế pháp lý để quản lý nhãn hiệu, thương hiệu nông sản nhằm bảo vệ giá trị sản phẩm của Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý và thống nhất phải xây dựng một nghị định về quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản để bảo vệ giá trị của nông sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Nam đề nghị Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cùng với Vụ Pháp chế của Bộ nghiên cứu vấn đề này để làm cơ sở đề xuất chính thức với Chính phủ xây dựng nghị định nói trên. “Chúng ta xây dựng nghị định này phải theo chuỗi giá trị nhãn hiệu nông sản. Ở đây cuối cùng bản chất vẫn là nhãn hiệu, mà bản chất của nhãn hiệu đó là tiêu chuẩn, quy chuẩn và truy xuất nguồn gốc”, Thứ trưởng Trần Văn Nam nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Nam, để ra đời được nghị định này cũng phải đến năm 2025 mới có để trình Chính phủ. Trong thời gian này, ông đề nghị các hiệp hội chọn ra ngành hàng chủ lực làm trước, với quan điểm nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu doanh nghiệp phải hài hòa, không làm triệt tiêu nhau.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thời gian qua UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, tập trung chọn mạo giống nông nghiệp, nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, tạo các chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm các loại hàng hóa nông sản.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo.

Song song đó, tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho tập thể, cá nhân. Ngoài ra, thành phố còn triển khai phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ các giống lúa OM của Viện lúa ĐBSCL; xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2022 -2025; xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình quản trị tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Nguyễn Ngọc Hè cũng cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu nông sản của thành phố như: Sản xuất nông sản của thành phố quy mô còn nhỏ lẻ, chiếm tỷ trọng khá lớn nên việc hỗ trợ và xây dựng, phát triển thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn; người sản xuất chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản; công tác quản lý và chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho nông sản vẫn còn nhiều hạn chế; các cơ quan liên quan phối hợp chưa chặt chẽ trong việc xây dựng các chuỗi giá trị nông sản...

Phó Chủ tịch UBND thành phố kỳ vọng kết quả tại hội thảo tham vấn lần này sẽ giúp ngành NN & PTNT đưa ra được các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng mức cho các địa phương và các doanh nghiệp, giúp tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản trong thời gian tới


Thanh Xuân


23a36136-929d-47af-8498-a41ce85292a0

Tiêu đề bài viết: Hoàn thiện chính sách xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thanh Xuân.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang