Theo Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 4 tháng đầu năm 2021, việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các lĩnh vực Lao động, Người có công và Xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ có nhiều tiến triển thuận lợi và khởi sắc. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa xã hội nước ta; đến đời sống người dân, nhất là đối với người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và Người có công; thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp bị đứt gãy; các doanh nghiệp gặp khó khăn và tốn kém chi phí để thực hiện sản xuất đảm bảo về phòng, chống dịch COVID-19, số lao động thất nghiệp gia tăng, một số lao động phải nghỉ việc không hưởng lương hoặc phải giãn cách, giảm thời gian làm việc dẫn đến thu nhập giảm sút.…
Trước bối cảnh đó, các cấp ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã trợ cấp thường xuyên cho 504.141 lượt đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí hơn 220,675 tỷ đồng; trợ cấp thường xuyên cho trên 71.000 lượt đối tượng Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí trên 118 tỷ đồng. Nhằm thực hiện Nghị quyết của Thành ủy Cần Thơ đến cuối năm 2021 duy trì tỷ lệ hộ nghèo thành phố 0,29%; Kế hoạch của UBND thành phố ban hành về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội đã phối hợp với nhiều sở, ngành trên địa bàn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, đến cuối năm 2021 có 254 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn 0,21% tương đương 782 hộ, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Để hỗ trợ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19, Sở đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, khôi phục thị trường lao động TP Cần Thơ. Phối hợp các địa phương rà soát tổng hợp danh sách người trong độ tuổi lao động, phân loại theo ngành nghề, trình độ và nhu cầu việc làm để đào tạo nghề và giới thiệu việc làm theo nhu cầu tuyển dụng, đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết: Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 – 2025;… Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Tuy nhiên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, nổi bật là nhiệm vụ về đào tạo lao động và giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ đề nghị lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và tất cả công chức, viên chức, người lao động toàn ngành từ thành phố đến cấp cơ sở cần quan tâm tổ chức các hoạt động tri ân, thăm hỏi, tặng quà Người có công với cách mạng và thân nhân các gia đình nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022); làm tốt các các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”… Tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng; tổ chức chi trả trợ cấp người có công theo phương thức tiện lợi và phù hợp với nguyện vọng của người được hưởng.
Để công tác Lao động, Người có công và Xã hội trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả trong thời gian tới, ông Dương Tấn Hiển yêu cầu các cấp ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, các ngành nghề trọng điểm thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp để tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp trong nước và đưa đi làm việc nước ngoài. Trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện; thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Pháp lệnh Ưu đãi Người có công, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và tổ chức cai nghiện ma túy… bảo đảm tiến độ, đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp để phục hồi, củng cố và vận hành thị trường lao động phù hợp với tiến trình phục hồi nền kinh tế trên địa bàn thành phố; hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc; khôi phục nhanh, duy trì và đảm bảo nguồn cung lao động cho phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; các mô hình hợp tác, liên kết giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thu hút lao động nghèo vào làm việc ổn định trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, tăng cường truyền thông để huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên, chủ động thoát nghèo của người nghèo.
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ ông Dương Tấn Hiển trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không có ai bị bỏ lại phía sau” vào ngày 30/3/2021
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và đặc biệt là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Cần Thơ mà Quốc hội vừa thông qua. Tuy nhiên, dự báo về tình hình chung sẽ có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, dịch bệnh COVID-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các nguồn lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ Lao động, Người có công và Xã hội trên địa bàn thành phố. Đồng thời, sẽ làm phát sinh nhiều công việc mới, đòi hỏi phải có phương thức làm việc mới nhanh hơn, chính xác hơn và có hiệu quả cao hơn.
Trên cơ sở đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố hướng tới việc phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung - cầu, đảm bảo huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, dịch chuyển lao động, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động. Đồng thời, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Nguyên Trang