Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
HTX Hiếu Bình tiên phong trong sử dụng máy cấy lúa
Ngày đăng: 30/07/2018

Lượt xem:


Canh tác lúa thông minh là cả một gói giải pháp kỹ thuật, từ làm đất, gieo sạ, bón phân, quản lý dịch hại, đến chăm sóc, thu hoạch,… nhằm giúp nông dân giảm chi phí đầu vào sản xuất mà vẫn đạt, thậm chí vượt năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong đó, giảm lượng lúa giống khi gieo sạ sẽ có tác động dây chuyền đến toàn bộ gói kỹ thuật sản xuất lúa. HTX Nông nghiệp Hiếu Bình ở ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ được xem là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng máy cấy lúa góp phần giúp nông dân tiết kiệm được chi phí và giảm lượng lúa giống khi gieo sạ.

Vụ Đông Xuân 2016-2017 là vụ lúa đầu tiên mà HTX Nông nghiệp Hiếu Bình sử dụng máy cấy lúa để xuống giống 12ha trong tổng số 170ha của đơn vị. Việc ứng dụng máy cấy trong khâu gieo sạ là bước tiến mới, không chỉ tiết kiệm được chi phí, giải phóng sức lao động, mà còn đảm bảo cho việc xuống giống nhanh chóng. Mỗi máy có thể cấy 5 ha/ngày, áp dụng phù hợp cho các cánh đồng lớn và các HTX.

Theo tính toán, nếu cấy bằng máy chỉ cần từ 40-50kg giống/ha, trong khi đó, theo tập quán của nông dân, để xuống giống bằng phương pháp sạ tay, đối với một ha bà con phải sử dụng từ 150-200kg lúa giống. Như vậy, áp dụng phương pháp cấy máy sẽ giảm được hơn 2/3 lượng lúa giống, tiết giảm được một khoản chi phí ngay đầu vụ. Ông Nguyễn Cao Khải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiếu Bình cho biết: Thứ nhất là tôi được tham quan, học hỏi ở nhiều mô hình. Thứ hai là tôi thấy cấy máy là một kỹ thuật mới. Thứ ba nữa là lồng ghép với biến đổi khí hậu, thì thời tiết ngày càng bất lợi, kết hợp với được tham quan mô hình máy cấy, thấy nó đặc biệt tiết kiệm giống, mà tiết kiệm giống là khâu quan trọng, dẫn đến tiết kiệm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tăng lợi nhuận cho nhà nông, nên tôi áp dụng ngay vào HTX của mình.

Không chỉ vậy, áp dụng phương pháp cấy máy, mật độ giữa các bụi lúa cách nhau 25cm, tạo độ thông thoáng giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh, hạn chế được sâu bệnh, dịch hại tấn công. Theo anh Nguyễn Văn Chương ở ấp H1, xã Thạnh An – xã viên HTX Nông nghiệp Hiếu Bình: “Cấy máy thì việc khử lẫn dễ dàng hơn, nở chồi và bụi đạt hơn so với cấy tay hay sạ tay, mình bón phân, xịt thuốc cũng dễ dàng hơn. Cấy máy thì nó theo hàng, mình đi trong hàng thì đỡ đạp lúa, còn bón phân thì thấy lúa tốt hơn cấy tay, năng suất đạt hơn cấy tay tại vì nó đều hơn”.

Được biết, vụ Đông Xuân 2017-2018 là vụ lúa thứ hai mà HTX Hiếu Bình sử dụng máy cấy cho đơn vị mình, với diện tích được cấy máy là 6ha. Nhờ giảm lượng giống gieo sạ, chi phí đầu tư vụ lúa Đông Xuân 2016-2017 và Đông Xuân 2017-2018 cũng giảm theo, đặc biệt là giảm phân đạm và thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường, tăng chất lượng lúa gạo, năng suất cao hơn. Cụ thể là lượng phân đạm giảm khoảng 20kg/ha/vụ; còn số lần phun thuốc trừ sâu thì giảm 2 lần so với trước. Từ đó, giúp nông dân giảm chi phí từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ, nhưng năng suất vẫn đạt hơn 11 tấn/ha, lợi nhuận trên 49 triệu đồng/ha/vụ.

Thấy được những tín hiệu tích cực từ máy cấy lúa mang lại, hiện nay, một số HTX nông nghiệp trên địa bàn cũng có kế hoạch sử dụng máy cấy cho đơn vị mình. Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Vạn ở thị trấn Thạnh An cho biết thêm: “Lực lượng lao động trẻ khi học xong họ ít về làm ruộng, cho nên bây giờ mình chuyển sang cơ giới. Bởi vì về sau số lượng người trực tiếp làm nông nghiệp thì ngày càng ít đi và sẽ không đủ sức làm một diện tích rất rộng, trong khi máy cấy thì đáp ứng được nhu cầu đó”.

Ông Liêu Thanh - Phó trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Thạnh cũng cho biết: Mật độ cấy của máy như vậy là đảm bảo năng suất. Bởi vì cấy thưa 25cm như vậy ánh nắng mặt trời sẽ chiếu vô tối đa từ đầu vụ đến cuối vụ nên năng suất tăng lên ít nhất cũng 30%. Đây là mô hình mà chúng tôi muốn nhân rộng cho bà con sau này.

Việc đưa máy cấy lúa vào khâu gieo sạ đã từng bước cơ giới hóa một cách toàn diện trong canh tác lúa, góp phần giảm lượng giống gieo sạ, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân. Đây rõ ràng là một mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Tuy nhiên, chi phí đầu tư máy cấy lúa hiện khá cao, khoảng 700 triệu đồng mỗi máy; cộng với tiền công cấy máy còn cao, 560 ngàn đồng mỗi công, trong khi với cùng diện tích đó nếu thuê nhân công sạ tay thì số tiền này chỉ là 45 ngàn đồng.

Với chi phí đắt đỏ đó, việc sử dụng máy cấy lúa hiện nay chỉ thích hợp cho những người sản xuất lúa giống. Còn nếu canh tác lúa hàng hóa thông thường thì việc sử dụng máy cấy là không hiệu quả. Đây rõ ràng là một bài toán nan giải để máy cấy lúa có thể ứng dụng đại trà trong tương lai.


Quốc Trấn


ac8d94c4-b507-4088-a5a6-8a9b750a7455

Tiêu đề bài viết: HTX Hiếu Bình tiên phong trong sử dụng máy cấy lúa. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Quốc Trấn.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang