Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Đôi vợ chồng làm tàu hủ sạch
Ngày đăng: 25/07/2018

Lượt xem:


Với suy nghĩ mộc mạc: “Sản phẩm làm ra mình ăn được mới đem bán cho người ta”, vợ chồng chị Huỳnh Thị Ngọc Hồng và anh Hà Văn Cung ở khu vực Thới Thuận A, phường Thới An, quận Ô Môn vẫn kiên trì với việc làm tàu hủ sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Sau gần 2 năm, Cơ sở sản xuất tàu hủ - chả chay Ngọc Hồng của anh chị được nhiều người biết đến với những sản phẩm “vừa ngon, vừa lành”…
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hơn 20 năm phụ giúp và học nghề tại cơ sở làm tàu hủ của người chị ở TP Long Xuyên, năm 2016, vợ chồng chị Huỳnh Thị Ngọc Hồng và anh Hà Văn Cung về lại Ô Môn lập nghiệp. Sẵn có kinh nghiệm cùng với sự động viên và hỗ trợ của người thân, anh chị quyết định mở cơ sở làm tàu hủ, chả chay với mong muốn cung cấp cho thị trường những thực phẩm sạch, không hóa chất độc hại. Mình làm cho những người ăn chay người ta ăn không độc hại, đảm bảo sức khỏe. Sản xuất ra mình ăn được mới đem bán cho người ta, chứ sản xuất ra bán mà mình không ăn được thì không nên làm, vậy thôi… Mới đầu ra khó khăn lắm, cũng nản nhưng mà nhiều khi suy nghĩ lại vì lợi ích mọi người, thì thấy vui mà làm tiếp” - Chị Huỳnh Thị Ngọc Hồng chia sẻ.

Để làm ra thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, trung bình mất 6 tiếng để làm tàu hủ miếng và 3 tiếng để làm chả chay. Nếu như trước đây mọi việc đều phải làm thủ công thì bây giờ xay đậu và sấy chả đã có máy móc; nấu đậu thì bằng lò hơi thay cho bếp củi nên cũng đảm bảo vệ sinh, tránh khói bụi làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm… Điểm khác biệt của tàu hủ sạch là được sản xuất theo phương pháp truyền thống, sử dụng phụ gia là “nước muối nhĩ” thay vì thạch cao và hóa chất. Anh Hà Văn Cung cho biết thêm: Cái này làm theo truyền thống ông bà từ xưa giờ, dùng nước muối nhĩ để nêm, ăn để không có bệnh tật sau này Mình làm cái gì cũng vậy, làm cho sạch sẽ miếng tàu hủ mới an toàn được, mình ăn không được thì làm sao người ta ăn được…

Theo anh Hà Văn Cung, làm tàu hủ sạch lợi nhuận ít hơn nhưng vẫn đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình, có phần nhàn hạ hơn so với làm ruộng. Trung bình mỗi ngày cơ sở của anh chị sản xuất từ 500 đến 600 miếng tàu hủ, 100 đòn chả chay; với giá bán 15.000 đồng một chục tàu hủ miếng, từ 4.000 đến 10.000 đồngmột đòn chả chay tùy lớn nhỏ, trừ đi chi phí sản xuất anh chị có thu nhập trên dưới 7 triệu đồng một tháng. Đặc biệt, vào những ngày Rằm - Mùng một, số lượng hàng cung ứng cho thị trường tăng gấp 10 lần so với ngày thường, không chỉ giúp ổn định kinh tế gia đình, cơ sở sản xuất của anh Cung, chị Hồng còn tạo công ăn việc làm cho những lao động nhàn rỗi ở địa phương. Bà Phan Thị Liềm – người dân ở khu vực Thới Thuận A, phường Thới An, quận Ô Môn nói: Làm nhiều nhất vào mấy tháng rằm, nhất là tháng 7. Bây giờ thì làm ít vậy chớ tháng 7 có khi làm suốt tháng luôn. Ở đây nói chung ai cũng dùng tàu hủ này, thấy nó ngon mà để lâu cũng được, mình ăn vẫn  đảm bảo sức khỏe… bởi vì làm bằng chất muối nhĩ này không độc hại”.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thới An cũng cho biết:Cơ sở của chị Hồng này, qua lấy mẫu kiểm tra thì Phòng Kinh tế kết luận là tàu hủ, chả chay đạt tiêu chuẩn, khâu vệ sinh, đảm bảo chất lượng… Lợi nhuận của mô hình làm tàu hủ cũng đảm bảo cuộc sống gia đình”.

Công việc làm tàu hủ sạch có vất vả, lợi nhuận không nhiều, nhưng anh Cung, chị Hồng vẫn kiên trì thực hiện với tâm niệm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Chúng ta trân trọng và mong muốn càng ngày sẽ có nhiều suy nghĩ và việc làm tốt đẹp như thế để người tiêu dùng không còn nỗi lo về thực phẩm bẩn đang lan tràn như hiện nay.


Trọng Nghĩa


b329c752-bec1-4b70-9d78-68cc4beac488

Tiêu đề bài viết: Đôi vợ chồng làm tàu hủ sạch. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Trọng Nghĩa .

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang