Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Một cách sống...
Ngày đăng: 24/03/2016

Lượt xem:


Đi ngang cây cầu đúc, thấy chân cầu, mặt cầu có mấy chỗ bị bong tróc, vài nơi sụp, bể khá lớn, ông Tư vội về nhà chuẩn bị dụng cụ, xi măng rồi kêu thêm một vài người ra giặm vá lại mặt cầu… Ông là Trần Văn Thạch (thường gọi Tư Nở), Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Trường Phú, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai.
Ông Trần Văn Thạch (bìa phải) luôn tiên phong trong các công trình sửa đường, làm cầu ở địa phương.

Ở tuổi 65, ông Tư Nở dáng người hơi gầy. Từ ruộng vườn đến bắc cầu, làm đường, cất nhà tình thương, việc gì ông cũng làm rất gọn gàng, chắc chắn. Ông cười, chia sẻ: “Tôi nông dân rặt, những việc lao động làm riết quen tay. Mới đây, Ban nhân dân ấp đã thống nhất sẽ giặm vá, sửa chữa đoạn đường bị xuống cấp, đồng thời phát động bà con phát quang cây cỏ, bụi rậm… Vài bữa nữa, khi chuẩn bị xong mọi thứ, chúng tôi sẽ tiến hành”. Ông còn tính, dịp Tết này sẽ vận động 400kg gạo để giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn. Ông góp 100 kg, một nhà hảo tâm cho 200 kg, chỉ còn 100 kg nữa là đủ.

Tuyến đường dọc kinh Xẻo Quao dài 1.280 mét được đổ bê tông phẳng phiu, cao ráo. Anh Nguyễn Văn Đức, người dân sống trên tuyến đường này, cho biết: “Con đường được như vầy là có sự đóng góp rất lớn của chú Tư”. Đường này trước là đường đất “nắng bụi, mưa sình”, mỗi năm ông Tư Nở đều vận động mọi người đóng góp kinh phí đổ đá 1-2, đá bụi... Khi con đường được đầu tư nâng cấp theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông Tư luôn có mặt trong các buổi họp dân, vận động kinh phí, giám sát công trình... Đường được đổ bê tông cao ráo nhưng mùa mưa, mùa nước nổi thường bị đóng rong rêu, dễ xảy ra té ngã do trơn trợt. Ông Tư lại tổ chức rải vôi bột để rêu bong tróc, vận động bà con quét dọn sạch sẽ, đảm bảo an toàn. Lúc cầu Xẻo Quao được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu bê tông thay cho cầu cây, ông lại góp tiền, góp sức và vận động bà con cùng đổ bê tông đường dẫn cầu để việc đi lại thêm thuận tiện. 

Công trình cầu, đường ở các ấp: Trường Phú, Trường Hưng, Trường Thuận đều có dấu ấn của ông Tư Nở. Ông vận động bà con ở các ấp cùng đóng góp kinh phí, công sức làm lại những cây cầu mới rộng hơn, chắc chắn hơn, thay thế cho những cây cầu nhỏ hẹp, hư hỏng. Dần dà, những cây cầu có chiều dài 20 mét trở lên được Nhà nước đầu tư bắc mới bằng bê tông. Những cây cầu nhỏ hơn, ông Tư tổ chức làm từ từ bằng cách xây trụ, đà bằng bê tông trước, nhịp cầu vẫn bằng ván, khi có điều kiện sẽ thay ván bằng bê tông. Để làm cầu, cất nhà tình thương, ông Tư lặn lội các nơi tìm mua cây bạch đàn, vận động mạnh thường quân hỗ trợ thêm vật liệu xây dựng...

Hằng năm, vào dịp rằm tháng giêng, rằm tháng 7 và Tết Nguyên đán, ông Tư vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ gạo, quà, tặng cho các hộ nghèo, hộ khó khăn. Tính đến nay, ông đã vận động trên 17 tấn gạo. Ông còn vận động các đoàn thể đóng góp, hỗ trợ cho những hộ đau ốm, hoạn nạn, khó khăn đột xuất; mua bảo hiểm y tế cho những trường hợp đặc biệt... Ông Tư còn là địa chỉ cung cấp thuốc Nam miễn phí cho những người mắc bệnh thông thường và mãn tính như cảm mạo, viêm xoang, tiểu đường, viêm khớp... Nhờ quen biết, hằng tháng, những tổ từ thiện cung cấp thuốc Nam ở An Giang chở thuốc đến tận nhà giao cho ông.

Ngoài các hoạt động xã hội, từ thiện, ông Tư còn làm tốt việc thu các nguồn quỹ, các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa... góp phần đưa ấp Trường Phú trở thành ấp văn hóa tiêu biểu của xã Trường Thắng.

Bên cạnh chăm lo cho 4 công ruộng, rảnh rỗi ông Tư lại làm chậu trồng hoa kiểng. Trừ nguồn thu từ đồng ruộng để dành lo cho gia đình, tất cả các thu nhập khác ông Tư đều làm từ thiện và lo việc xã hội. Ông tâm tình: “Làm một cái chậu kiểng lớn cả tháng mới xong, kiếm lời được hơn 100.000 đồng, cộng với tiền phụ cấp Trưởng Ban công tác mặt trận 1,1 triệu đồng, tiền phụ cấp cộng tác viên dân số 150.000 đồng, tôi đều dùng làm cầu, đường, giúp hộ nghèo... Mới rồi, lãnh 2,3 triệu đồng tiền thưởng “Gia đình văn hóa” tiêu biểu TP Cần Thơ năm 2014, tôi cũng để dành làm từ thiện”.

Ông Tư quê ở An Giang, sau khi cưới vợ thì định cư ở Thới Lai mấy chục năm qua. Ngày trước, cuộc sống còn nhiều khó khăn, ông Tư làm việc không quản ngày đêm: ngày làm ruộng, rẫy, chở đất mướn, đổ chậu kiểng, đêm giăng lưới, cắm câu... Vợ ông ngoài việc nội trợ, chăm sóc con cái cũng làm thêm các loại bánh mứt để bán. Hai vợ chồng vun vén tổ ấm, nuôi 3 người con ăn học, có nghề nghiệp rồi dựng vợ gả chồng. Hiện vợ chồng ông Tư sống với gia đình con trai là y sĩ, hai con gái cũng có cuộc sống riêng ổn định.

Khi kinh tế gia đình đã vững, ông Tư chuyên tâm tham gia các công tác xã hội. Từ Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Cộng tác viên Dân số đến thành viên tổ hòa giải… ông Tư luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và tiên phong trong các phong trào. Ông được tặng rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Tiêu biểu là Đảng bộ xã Trường Thắng khen tặng gương điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2014, “Gia đình văn hóa” tiêu biểu huyện Thới Lai năm 2012, “Gia đình văn hóa” tiêu biểu TP Cần Thơ năm 2014, Kỷ niệm chương Hội người cao tuổi của Trung ương...

Ông Tư tâm sự: “Tôi luôn tâm niệm và làm theo lời dạy của Bác: Muốn cho cách mạng thành công, nói cho dân hiểu, dân thông, dân làm. Xây dựng xóm ấp, quê hương cũng vậy thôi, mình phải gương mẫu, đi đầu thì nói bà con mới nghe”.  


Nguồn: Báo Cần Thơ


0e8a0530-54bc-4927-bd05-97e1b3812399

Tiêu đề bài viết: Một cách sống.... Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang