Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Đồng chí Lê Phước Thọ, nhà lãnh đạo tài năng, một nhân cách lớn
Ngày đăng: 07/07/2023

Lượt xem:


"SINH - LÃO - BỊNH - TỬ là quy luật đời người, không ai vượt qua được. Tuy nhiên, để thanh thản ra đi thì mình phải sống ngay thẳng, sống có ích cho đến tận ngày cuối cùng, không hổ thẹn với lương tâm và tâm nguyện của cha mẹ, dòng tộc, quê hương..." - đó là những dòng thủ bút của đồng chí Lê Phước Thọ in trong quyển hồi ký "Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước". Đồng chí đã thanh thản ra đi ở tuổi 96, để lại một nhân cách lớn, cùng những đóng góp quan trọng cho đất nước, quê hương...
Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết và đồng chí Lê Phước Thọ trong buổi giới thiệu quyển sách "Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước" vào năm 2020. Ảnh: Duy Khôi

Đồng chí Lê Phước Thọ, tên thường dùng là Sáu Hậu, sinh năm 1927 tại xã Tân Lộc, huyện Cà Mau, tỉnh Minh Hải, nay là xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đồng chí tham gia cách mạng từ tháng 8-1945, được kết nạp Đảng vào ngày 10-2-1949. Gần trọn cuộc đời gắn bó với miền Tây Nam Bộ, từng là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND nhiều tỉnh trong khu vực, trước khi được Trung ương phân công làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Lê Phước Thọ có nhiều cống hiến to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và kiến thiết đất nước. Dù ở cương vị nào, dù lúc đương nhiệm hay đã về hưu, đồng chí luôn là tấm gương mẫu mực, gần gũi, chí tình, nhân hậu, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo tài năng.

Trải 96 tuổi đời, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác, đồng chí Lê Phước Thọ luôn được Đảng tin tưởng, nhân dân yêu mến, vì sự trọn lòng với đất nước, quê hương. Trong hồi ký "Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước", đồng chí đã bày tỏ nghĩa nặng tình sâu với quê hương Cà Mau - Bạc Liêu thời tuổi thơ, với vùng đất miền Tây Nam Bộ đã giúp ông trưởng thành. Từng dòng tâm sự của ông qua hơn 400 trang sách đều mong cho đất nước đẹp giàu, ấm no, tiến bộ, sánh vai cùng bạn bè năm châu.

Năm 1986, khi đồng chí ra Hà Nội nhận công tác, mẹ và vợ con ở Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn, phải bươn chải đủ nghề đề mưu sinh. Đồng chí Lê Phước Thọ nhấn mạnh: "Nhắc lại để thấy đất nước mình đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn, đòi hỏi sự đồng lòng, san sẻ, nỗ lực phấn đấu trong từng hộ gia đình". Đồng chí Lê Phước Thọ cũng tâm sự: "Tôi rất nặng nghĩa, nặng tình với quê hương xứ sở một thời gian khổ. Mừng vui khi quê hương đã có nhiều thay đổi".

* * *

Tháng 3-1976, tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất TP Cần Thơ trực thuộc Khu 9, tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. 10 năm (1976-1986) gắn bó với Hậu Giang trên cương vị là lãnh đạo địa phương, từ Phó Bí thư Thường trực rồi Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vượt qua muôn vàn khó khăn sau ngày thống nhất đất nước, giúp Hậu Giang đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Trong cuốn "Lê Phước Thọ - Một nhân cách, một tấm gương", đồng chí Trần Quốc Trung, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, đã nhắc đến 4 dấu son mà đồng chí Lê Phước Thọ cùng Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã ghi dấu ấn đậm nét. Đầu tiên là phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, vì mục tiêu chung là xây dựng tỉnh Hậu Giang giàu mạnh. Thứ hai là nhanh chóng giải quyết tốt, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong những năm đầu giải phóng. Thứ ba, đồng chí đã cùng Đảng bộ tỉnh sớm xác định nông nghiệp là "nhiệm vụ trung tâm hàng đầu", nhờ đó từ điểm xuất phát rất nhiều khó khăn sau chiến tranh, cơ giới hóa chưa cao, trình độ canh tác thấp, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nông nghiệp Hậu Giang chuyển biến rõ nét trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất và sản lượng. Đơn cử, nếu giai đoạn 1975-1976, diện tích canh tác của Hậu Giang chỉ có 380.000ha, năng suất từ 1-3 tấn/ha, tổng sản lượng lúa là 990.795 tấn; thì đến năm 1986, diện tích canh tác trên 425.000ha, năng suất 8-10 tấn/ha (2 vụ), tổng sản lượng lúa đạt 1,6 triệu tấn. Thứ tư, trước hành động xâm lược và chính sách diệt chủng của Pol Pot - Ieng Sary, đồng chí cùng Tỉnh ủy Hậu Giang xác định rõ vai trò hậu phương, có nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Sau khi Campuchia hoàn toàn giải phóng vào đầu năm 1979, đồng chí và Tỉnh ủy xác định "giúp bạn là tự giúp mình", cử đoàn chuyên gia qua nước bạn giúp khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Đồng chí Lê Phước Thọ rất quan tâm đến chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn. Giai đoạn 1976-1986, bên cạnh tập trung xóa bỏ tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm đồi trụy do chế độ cũ để lại, thì việc xây dựng văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa được đồng chí và Tỉnh ủy rất quan tâm. Mỗi năm, Hậu Giang đều đặt ra các chuyên đề riêng về phát triển văn hóa, giáo dục. Xin đơn cử một câu chuyện được đồng chí Lê Phước Thọ kể trong hồi ký: Với việc xây dựng Sân vận động Cần Thơ vào năm 1981 có sức chứa 45.000 người, lớn nhất Việt Nam khi đó, nhiều người đặt vấn đề "Hậu Giang còn nghèo, nguồn vốn hạn hẹp sao lại xây sân vận động lớn vậy?", đồng chí Lê Phước Thọ trả lời rằng, khi xây sân vận động, ông có suy nghĩ đến tương lai, phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân khi kinh tế dần ổn định. Vả lại, Hậu Giang không hoàn toàn sử dụng ngân sách mà chủ yếu vận động xã hội hóa. Câu chuyện này cho thấy tầm nhìn chiến lược, bền vững và lâu dài của đồng chí Lê Phước Thọ.

* * *

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Phước Thọ được Trung ương điều động làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Trong giai đoạn này, đồng chí được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng giao nhiệm vụ làm Trưởng Tiểu ban xây dựng Đề án "Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp".

Với cương vị này, đồng chí có nhiều trăn trở: Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn có phạm vi rộng lớn, đa dạng mà kinh nghiệm từ tỉnh Hậu Giang chỉ trong phạm vi nhỏ. Đại hội VI của Đảng ta đã có đường lối đổi mới và chỉ rõ "xây dựng kinh tế là trung tâm", là thuận lợi cơ bản, nhưng thực tế vẫn còn tư tưởng "đổi mới và bảo thủ" đan xen phức tạp. Cơ sở vật chất phục vụ nông nghiệp còn hạn chế, sản xuất tự túc, tự cấp, độc canh cây lúa... Mô hình nông trường quốc doanh, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất còn mang nặng cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Đội ngũ cán bộ nông nghiệp vừa thiếu vừa yếu... "Với những vấn đề trên, tôi suy nghĩ rất nhiều là: nhân dân nhiều vùng trong cả nước đang thiếu lương thực, bị đói trên diện rộng, ta làm như thế nào để sản lượng lương thực vừa đủ ăn lại có dự trữ quốc gia, đồng thời có sản lượng lúa hàng hóa xuất khẩu gạo bằng và hơn Thái Lan", đồng chí Lê Phước Thọ kể lại trong "Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước".

Từ những trăn trở đó, sau khi khảo sát 4 vùng kinh tế khác nhau của cả nước trong 9 tháng, đồng chí Lê Phước Thọ cùng Tiểu ban đề án đã dự thảo đề cương Nghị quyết về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Sau đó, dự thảo Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (sau này gọi là Khoán 10) ra đời, được soạn thảo rất công phu, đổi mới, sáng tạo, giải quyết đúng đắn 3 mối quan hệ lợi ích Nhà nước - tập thể - kinh tế hộ. Ngày 5-4-1988, Nghị quyết về Khoán 10 được Bộ Chính trị thông qua, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký. Khoán 10 là văn kiện quan trọng, thể hiện những đổi mới sâu sắc trong chính sách kinh tế "tam nông". Nghị quyết xác định rõ vai trò tự chủ hộ nông dân và giải phóng sức sản xuất, tổ chức lại sản xuất, phát huy kinh tế nông nghiệp từ các thành phần kinh tế, từng bước xóa bỏ nông nghiệp tự túc, tự cấp, chuyển sang sản xuất hàng hóa. Nghị quyết cũng xử lý căn bản vấn đề quan hệ sản xuất, quyền sở hữu, tư liệu sản xuất, nhất là đất đai. Với Khoán 10, đồng chí Lê Phước Thọ để lại dấu ấn sâu sắc.

Năm 1991, từ Ban Nông nghiệp Trung ương, đồng chí Lê Phước Thọ được phân công về giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Lúc này, Đảng ta bước vào giai đoạn “tự đổi mới, tự chỉnh đốn” trong toàn Đảng, trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Ngay sau nhận nhiệm vụ, đồng chí Lê Phước Thọ cùng Ban Tổ chức Trung ương xác định 4 nhiệm vụ chủ yếu: Làm đề án xây dựng Nghị quyết "Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng" thông qua Bộ Chính trị, trình Hội nghị Trung ương 3 Khóa VII quyết định; tổng kết công tác xây dựng Đảng từ năm 1975-1995; xây dựng tiêu chuẩn tổ chức cơ sở đảng và đảng viên "Trong sạch, vững mạnh"; xây dựng đề án bồi dưỡng, đào tạo và quy hoạch cán bộ các cấp, trọng tâm cán bộ cấp chiến lược. Đây là những nhiệm vụ mới và khó, nhưng trong nhiệm kỳ 1991-1996, đồng chí Lê Phước Thọ cùng tập thể Ban Tổ chức Trung ương đã hoàn thành rất tốt, để lại những di sản quý báu trong Đảng ta đến hôm nay.

Với vai trò Trưởng Tiểu Ban Đề án về "Đổi mới và chỉnh đốn Đảng", đồng chí đã tổ chức nghiên cứu thực tiễn, lấy ý kiến các cấp ủy địa phương, cơ sở, cơ quan nghiên cứu ở Trung ương và một số cán bộ lão thành. Ngoài Đề án chung, Tiểu Ban còn soạn thảo 4 đề án riêng: công tác chính trị tư tưởng; công tác cán bộ; công tác tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; phương thức lãnh đạo của Đảng. Hội nghị Trung ương 3 Khóa VII diễn ra từ ngày 18 đến 29-6-1992 đã ra Nghị quyết "Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng". Nghị quyết được tổ chức học tập, triển khai và tạo sự chuyển biến rõ nét trong Đảng và đảng viên. Kể về quá trình soạn thảo nghị quyết này, đồng chí Lê Phước Thọ nhắn nhủ: "Tôi tâm đắc và có lời nhắn nhủ đến thế hệ hôm nay đang được nhân dân giao phó "cầm cân, nảy mực", nắm vận mệnh đất nước, qua câu nói vẫn vẹn nguyên giá trị của cha ông: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Đối với một đất nước, muốn phát triển giàu mạnh vững bền thì yếu tố con người vô cùng cần thiết".

* * *

Trong cuốn "Lê Phước Thọ - Một nhân cách, một tấm gương", nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã chia sẻ rằng, là nhà lãnh đạo hàng đầu chuyên trách về công tác tổ chức cán bộ của Đảng, đồng chí Lê Phước Thọ rất chặt chẽ và nghiêm khắc trong việc bảo vệ những vấn đề thuộc về nguyên tắc tổ chức của Đảng. Đồng thời, vốn là một cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh và dày dặn kinh nghiệm, nên trong xử lý công việc, đánh giá và nhận xét cán bộ, đồng chí vận dụng nhuần nhuyễn, thấu tình đạt lý. Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết nhớ mãi khi ông còn là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, về một buổi làm việc với đồng chí Lê Phước Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: "Anh không đao to búa lớn, cũng không khen, chỉ hoan nghênh, động viên một số việc đã làm được. Đặc biệt là anh chỉ ra, phân tích rõ những khuyết điểm, yếu kém và cách khắc phục, Qua những buổi làm việc như vậy, tôi học hỏi được nhiều, thấy mình lớn lên, tự tin hơn".

Đó là tài năng của nhà lãnh đạo, là nhân cách mẫu mực của người đảng viên, cũng là bản tính của người miền Tây sông nước, mà dấu chân đã "in đậm trên quê hương, đất nước".

-----------------

Bài viết có sử dụng tư liệu:

Lê Phước Thọ, "Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước", NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, 2020;

Thành ủy Cần Thơ, "Lê Phước Thọ, Một nhân cách, một tấm gương", 2021.

 

                 Đồng chí Lê Phước Thọ - người cán bộ cách mạng lão thành quý mến

BÙI QUANG HUY

(Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, VIII, IX, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh và Cà Mau, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ)

Bạn bè, đồng chí và nhân dân thường gọi đồng chí Lê Phước Thọ là anh Sáu Hậu. Đó là tên gọi gần gũi với cá tính, quan điểm cách mạng và mối thâm tình anh Sáu cư xử với mọi người xung quanh.

Tôi nhỏ hơn anh Sáu một con giáp và vinh dự được biết anh sau ngày 30-4-1975, khi anh đang là Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang ngày nay). Tôi khi ấy là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh ngày nay).

Những năm 1980, ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang, Cửu Long nói riêng còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975) nơi đây chưa kịp khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, lại phải đối phó với chiến tranh biên giới Tây Nam. Các đồng chí lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ cấp bách của Trung ương và Chính phủ, thỉnh thoảng gặp nhau trao đổi những kinh nghiệm, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương và Chính phủ như đồng chí Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Vũ Đình Liệu... ngày thứ bảy, chủ nhật thường về tỉnh Hậu Giang mời các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh ĐBSCL đến Tỉnh ủy Hậu Giang - vốn là trung tâm của vùng - trao đổi công việc và dùng một bữa cơm thân mật do Tỉnh ủy Hậu Giang chiêu đãi.

Đồng chí Lê Phước Thọ. Ảnh: Duy Khôi

Nhiều lần tôi vinh dự được cùng đi với đồng chí Nguyễn Đáng, Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long, với tư cách như một trợ lý của Bí thư, nên tôi được cơ hội có những lần gặp gỡ quý báu, không bao giờ quên. Tôi được học hỏi rất nhiều ở các đồng chí lãnh đạo mà trước đây trong kháng chiến chống Mỹ, tôi hoạt động ở chiến trường tỉnh Trà Vinh, không có dịp gặp và quen biết các đồng chí. Những lần gặp gỡ như thế, tôi nhận thấy đồng chí Lê Phước Thọ với trách nhiệm là người chủ nhà, vừa là bạn bè thân thiết, đồng chí với nhau, nên rất nhiệt tình, cởi mở, khiêm tốn, hết lòng với công việc và đồng chí.

Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, đất nước ta đứng trước những thử thách mới, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, tác động không nhỏ đến ta. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới, thì đồng chí Lê Phước Thọ được Bộ Chính trị điều về Trung ương phụ trách Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương và đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, được Trung ương phân công Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, khi ấy tôi được Đảng phân công phụ trách Thường trực Tỉnh ủy Cửu Long, sau đó được phân công phụ trách Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, nên tôi mới có dịp trực tiếp làm việc với đồng chí Lê Phước Thọ.

Những lần tôi đến xin ý kiến về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đồng chí Lê Phước Thọ rất thận trọng, lắng nghe ý kiến cụ thể tình hình ở địa phương, rồi mới phát biểu chỉ đạo. Đồng chí quan tâm những biện pháp để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng chí hết sức lưu ý nông dân ở ĐBSCL là những người rất cách mạng, có công lớn trong hai cuộc kháng chiến. Đồng chí nhắc nhở chúng tôi trong lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối không được chủ quan, đơn giản, làm mất lòng tin của nông dân với Đảng, với cách mạng. Thực hiện chủ trương của Đảng về hợp tác hóa nông nghiệp, phải từng bước, thận trọng, chắc chắn, lôi cuốn phong trào nông dân, sản xuất nông nghiệp phải phát triển.

Khi bàn vấn đề tổ chức và cán bộ, đồng chí nhắc nhở phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy kết quả công tác, phong trào cách mạng mà đánh giá cán bộ. Riêng Trà Vinh phải quan tâm đào tạo, quy hoạch cán bộ dân tộc. Nói dân chủ, đoàn kết, bình đẳng thì phải quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc. Đây là kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng, trong kháng chiến cũng vậy mà bây giờ cũng vậy. Cán bộ là gốc của mọi công việc, có cán bộ tốt thì phong trào cách mạng mới tốt, vùng có đông đồng bào dân tộc phải có cán bộ lãnh đạo là người dân tộc.

Đến sau những năm 2000, khi tôi được Ban Chấp hành Trung ương phân công về công tác ở tỉnh Cà Mau, sau đó về Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tôi có dịp đi công tác ở các tỉnh, nhất là những tỉnh mà đồng chí Lê Phước Thọ từng là cán bộ chủ chốt như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang thì tôi càng nhận thấy sâu sắc hơn uy tín, tình cảm mà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các tỉnh dành cho đồng chí Lê Phước Thọ.

Năm 2019, khi đồng chí Lê Phước Thọ trao đổi và mời tôi tham gia viết cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí, tôi có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn. Đồng chí là một người rất đặc biệt, xuất thân từ giai cấp bần cố nông; trình độ văn hóa phổ thông, học tại địa phương; trực tiếp chịu sự đàn áp, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến và đế quốc; nên giác ngộ, tham gia cách mạng từ thuở thiếu thời, vào Đảng Cộng sản Việt Nam rất sớm, liên tục hoạt động cách mạng, kinh qua làm Bí thư cấp ủy cơ sở xã rồi đảm trách công tác ở huyện, tỉnh và Trung ương. Đồng chí có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn cách mạng, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh; trực tiếp cùng toàn dân Việt Nam đánh đuổi giặc Pháp, Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng chí góp phần cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đổi mới quản lý kinh tế, nhất là nông nghiệp. Khi phụ trách Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng (từ năm 1991-1996), đồng chí cùng các ban, ngành Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về “Đổi mới - chỉnh đốn Đảng”, góp phần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước cho đến ngày nay.


Nguồn: Báo Cần Thơ


05d7269d-0ba8-4356-b527-b9383bd20722

Tiêu đề bài viết: Đồng chí Lê Phước Thọ, nhà lãnh đạo tài năng, một nhân cách lớn . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang