Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phía Nam
Ngày đăng: 03/07/2023

Lượt xem:


Ngày 3/7, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023-2025 khu vực Nam bộ.
Chủ tọa Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025, Tổ trưởng Tổ công tác về Chương trình mục tiêu Quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi; bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội  đồng chủ trì Hội nghị. Về phía lãnh đạo thành phố Cần Thơ, tham dự có: Ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ: ông Trần Việt Trường Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.

Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: Việc phê duyệt và triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi là quyết sách lịch sử của Đảng và Nhà nước ta, lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình mục tiêu Quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021-2025), Chương trình đã được bố trí gần 115 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước với phần vốn vay tín dụng dự kiến gần 20 nghìn tỷ đồng - chiếm tỷ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia để thực hiện 10 dự án có tính tổng quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc. Các nội dung thành phần của Chương trình đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào dân tộc thiểu số như đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết: Khu vực Nam bộ gồm 13 tỉnh với 308 xã, chiếm khoảng 9% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước, tuy nhiên chỉ có 8 tỉnh có xã, thôn đặc biệt khó khăn, chiếm khoảng 3,6% tổng số xã đặc biệt khó khăn và 2,7% thôn đặc biệt khó khăn của cả nước với 55 xã và 356 thôn. Giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn đã phân bổ của Chương trình cho khu vực các tỉnh Nam bộ là hơn 2,277 tỷ đồng, chiếm hơn 5,4% tổng nguồn lực của cả Chương trình.

Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, trên cơ sở nguồn lực của Chương trình và sự nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành và triển khai Chương trình, đến nay nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay Nam bộ đang đối mặt với nhiều thách thức tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng ngập mặn, đồng thời ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động của Chương trình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm là những khó khăn, vướng mắc lớn, mang tính nền tảng, đặc thù tác động đến tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn I (2021-2025) tại các địa phương; nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình cho giai đoạn 2024, 2025 để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình cho cả giai đoạn; kiến nghị về cơ chế, chính sách và đặc biệt là những đề nghị điều chỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu và cả nội dung của các dự án, tiểu dự án cho giai đoạn 2024-2025 của các địa phương.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu chào mừng các đại biểu về dự Hội nghị tại Cần Thơ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố Cần Thơ có 38.028 người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 3,04% tổng dân số toàn thành phố. Thời gian qua, thành phố Cần Thơ luôn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời giải quyết, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và kích động gây chia rẽ dân tộc, chống Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí thành phố thường xuyên có chuyên mục định hướng dư luận xã hội và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được thành phố quan tâm đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ và duy trì các loại hình văn hóa như: múa lâm thôn, nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer, múa lân sư rồng của người Hoa.

Chính nhờ sự tập trung, chăm lo và sự phấn đấu vươn lên nên đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chỉ còn 1,14% tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 0,38%.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu dự Hội nghị trao đổi nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội nghị.

Dịp này, Ban Tổ chức tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030, nhằm thảo luận việc lồng ghép mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2030 cũng như nội dung, cơ chế triển khai Chương trình giai đoạn 2026-2030.


Phương Thảo


583421f2-d4c6-42ae-8798-cdfdfaab1d46

Tiêu đề bài viết: Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phía Nam. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Phương Thảo.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang