Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Thỏa thuận hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL mở ra cơ hội mới thu hút phát triển kinh tế - xã hội
Ngày đăng: 22/07/2023

Lượt xem:


Chiều ngày 21/7, tại Cần Thơ, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với UBND các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị công bố Kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tham dự hội nghị.
Quang cảnh hội nghị

Trong thời gian qua, các Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025 nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh; tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ xác định việc hợp tác phát triển với TP Hồ Chí Minh là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo động lực thúc đẩy phát triển, cũng như mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư giữa hai địa phương. Trước đó, vào ngày 11/3/2023, tại tỉnh Bến Tre, UBND TP Cần Thơ đã cùng với đại diện UBND các tỉnh ĐBSCL ký kết hợp tác với TP Hồ Chí Minh. Đây được xem là điều kiện thuận lợi, nền tảng tạo ra cơ hội hợp tác mới mang tầm sâu rộng giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Để liên kết sâu rộng hơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ mong muốn thời gian tới trong kế hoạch, TP Hồ Chí Minh quan tâm, hợp tác liên kết, phát triển Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc; đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn liền với sản phẩm du lịch truyền thống, tạo các sản phẩm du lịch đặc thù;… Đặc biệt, với việc ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vục y tế, công thương diễn ra sáng nay, hy vọng người dân vùng ĐBSCL sẽ tiếp cận được các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại của ngành Y học hàng đầu mà TP Hồ Chí Minh đang có. Theo ông Trần Việt Trường, Hội nghị kết nối giao thương giữa TP Hồ Chí Minh với TP Cần Thơ sẽ phát triển các chuỗi thương mại dịch vụ, logictis hiện đại; kết nối phát triển công nghiệp giữa các doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh; hỗ trợ tạo điều kiện các sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL vào các kênh phân phối tại TP Hồ Chí Minh; đồng thời phối hợp nghiên cứu dự án Đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, sớm đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này trong thời gian sớm nhất.

Những tháng cuối năm 2023, theo kế hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương. Giai đoạn 2024 - 2025 sẽ tập trung thực hiện 5 lĩnh vực: phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động.

Trong đó, về phát triển hạ tầng giao thông, TP Hồ Chí Minh Phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận; triển khai dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ; nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển TP Hồ Chí Minh - ĐBSCL; tăng cường kết nối đường thủy TP Hồ Chí Minh - ĐBSCL.

Về phát triển du lịch, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn năm 2021 - 2025. Tổ chức các diễn đàn liên kết phát triển du lịch, các chương trình du lịch liên kết, hội nghị quảng bá sản phẩm du lịch kết nối; xây dựng và công bố trang thông tin điện tử về du lịch, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Về giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động, TP Hồ Chí Minh triển khai Đề án hợp tác chuyển giao kinh nghiệm khám chữa bệnh, điều trị chuyên sâu, hội chẩn từ xa, nâng cao năng lực y tế cơ sở; Đề án kết nối các trường đại học, các viện, các trung tâm; đào tạo nhân lực cho vùng và thực hiện chương trình kết nối, chia sẻ thông tin, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm…

Bên cạnh Hội nghị công bố Kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Y tế - Sở Công Thương - Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh phối hợp với các Sở ngành, địa phương các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tổ chức chuỗi các sự kiện bên lề Hội nghị, gồm: Hội nghị ký kết Thỏa thuận hợp tác ngành y tế của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn 2023 - 2025; Hội nghị kết nối giao thương giữa TP Hồ Chí Minh với TP Cần Thơ; chương trình tọa đàm về Dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có nhiều kiến nghị, đề xuất cân bằng lại nguồn nhân lực sẵn có cũng như phát triển kinh tế - xã hội đúng đặc thù từng địa phương. Thông qua đề xuất của lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ, kế hoạch sẽ được triển khai bằng cách xây dựng tổ điều phối gồm lãnh đạo các địa phương và 5 tổ chuyên ngành ở các lĩnh vực thỏa thuận. Các tỉnh, thành phố sẽ cùng xây dựng quy chế, kế hoạch và TP Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm, cố gắng trong tháng 8 tới sẽ triển khai một nền tảng để theo dõi toàn bộ nội dung chương trình hợp tác, cập nhật diễn biến và thông báo kết quả, trao đổi ý kiến ngay trên nền tảng đó.

Ông Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh đầu tư vào ĐBSCL và ngược lại. Về phía TP Hồ Chí Minh sẽ có cơ chế mời gọi các nhà đầu tư và khi các địa phương đã thiết lập liên kết với nhà đầu tư cụ thể; trong trường hợp nếu cần hỗ trợ thêm, thông tin yêu cầu từ các nhà đầu tư sẽ được chuyển đến các tổ chuyên ngành để nhận được sự hỗ trợ.

Lãnh đạo các tỉnh, thành thảo luận bên lề hội nghị

Trên tinh thần cầu thị, hợp tác, tạo điều kiện để cùng phát triển, Hội nghị công bố Kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng. Hội nghị còn là điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

 


Kim Xuyến


7880b940-58b5-4335-9b58-20f3bcad0a85

Tiêu đề bài viết: Thỏa thuận hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL mở ra cơ hội mới thu hút phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Kim Xuyến.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang