Tự tìm lối đi
ÐBSCL có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km, cùng hệ sinh thái đa dạng từ nước ngọt đến nước mặn, đặc biệt là kho tàng văn hóa giàu bản sắc. Từ đó, du lịch ÐBSCL có thể phát triển nhiều loại hình: sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, Mice, văn hóa - lịch sử, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp… Trong đó, du lịch cộng đồng đang được quan tâm bởi không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa; mà còn giúp du khách tham gia nhiều trải nghiệm thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng ở ÐBSCL chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu.
Câu chuyện anh Phạm Duy Khanh xây dựng Du lịch cộng đồng Mười Ngọt tại Cà Mau là một ví dụ. Gia đình anh trải qua hơn 6 năm loay hoay mới tìm được lối đi và xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với đặc trưng là “ăn ong” ở rừng U Minh Hạ. Khai thác thế mạnh rừng tràm hơn 60ha và nghề gác kèo ong của người dân Ðất Mũi, anh Phạm Duy Khanh bước đầu thành công. “Khi làm du lịch, giá trị sản phẩm được nâng lên, giúp người dân địa phương giữ nghề, bám đất và giữ rừng. Hiện nay, tôi đang ấp ủ làm sao để vừa giữ được môi trường tự nhiên cho thủy sản của rừng phát triển, vừa nâng giá trị”, anh Phạm Duy Khanh cho biết thêm. Du lịch cộng đồng Mười Ngọt đang còn nhiều hạng mục, ý tưởng cần triển khai và vẫn còn gặp khó về giao thông, điện và nước sạch. Tương tự, mô hình du lịch cộng đồng của ông Nguyễn Văn Hôn ở Cà Mau cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế. Vốn là người nuôi hàu và sở hữu tàu cao tốc chạy tuyến Cà Mau đến một số tỉnh, thành nhưng do lượng khách giao thông thủy thu hẹp, ông Hôn chuyển hướng làm du lịch cộng đồng. Ông cho biết: “Tôi tìm cách để anh em tài công có thể vừa giữ nghề vừa khai thác được các tiềm năng của rừng và cuộc sống làng chài quê hương, nên mới liên kết xây dựng tuyến tham quan xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau”. Hình thành gần 8 năm, mô hình đã trải qua những khó khăn về nguồn vốn và cả thị trường khách.
Có thể nói, câu chuyện của những người làm du lịch cộng đồng ở nhiều tỉnh, thành ÐBSCL có điểm chung: tự tìm lối đi. Du lịch cộng đồng cồn Sơn của TP Cần Thơ cũng như vậy. Cách đây 6 năm, người dân tìm mô hình thích hợp để làm du lịch sao cho giữ môi trường, văn hóa bản địa và nâng cao giá trị nông sản. Ông Lý Văn Bon, hộ dân tham gia du lịch cộng đồng cồn Sơn, cho biết: “Bắt tay vào làm, từ từ chúng tôi tìm hiểu và học hỏi từ góp ý của du khách để biết cách xây dựng sản phẩm. Nhất là giờ đây chúng tôi đã hiểu giá trị của tính cộng đồng, hỗ trợ nhau làm kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường”. Nhờ vậy, du lịch cộng đồng cồn Sơn luôn sáng tạo những sản phẩm đậm nét văn hóa bản địa vùng sông nước Tây Nam Bộ, nhất là những sản phẩm liên quan đến cá như cá bay, cá bú bình, cá ăn cơm bằng muỗng... Ðồng thời kết nối với các đơn vị lữ hành. Ðể có được thành công đó, người dân đã vượt không ít khó khăn, trong đó có một thời gian phải phá vỡ liên kết cộng đồng do những hạn chế về nguồn lực, nhận thức giá trị của mô hình.
Tại Ðồng Tháp, thời gian đầu du lịch cộng đồng hình thành cũng từ người dân tự tìm định hướng riêng. Ông Huỳnh Trịnh Quốc Phong, chủ homestay Maison en Bambou Phong - Le Vent (phường Tân Khánh Ðông, TP Sa Ðéc), chia sẻ rằng, muốn giới thiệu văn hóa bản địa đến khách quốc tế và ông đã tự tìm tòi để xây dựng homestay đậm chất làng quê Nam Bộ ở làng hoa Sa Ðéc. Ông nói: “Tôi liên kết với các hộ trồng hoa xung quanh nhằm không tạo rào chắn, hình thành những mảnh vườn liên tiếp. Ðồng thời liên kết với nhiều hộ dân trồng rẫy để tùy theo mùa vụ mà du khách có thể thăm ruộng rẫy, hái hoa màu, bắt cá dưới ao... trải nghiệm cuộc sống đúng chất bản địa”. Ðể làm nên Homestay Maison en Bambou Phong - Le Vent nổi tiếng trong cộng đồng du khách nói tiếng Pháp, ông Quốc Phong cho biết đã tìm thị trường, tìm vốn đầu tư những sản phẩm phù hợp. Tiếp nối thành công của ông Phong, nhiều điểm du lịch cộng đồng tại Ðồng Tháp đã phát triển. Có thể nói hiện nay Ðồng Tháp có nhiều điểm du lịch cộng đồng nhất ở ÐBSCL với gần 80 điểm, tập trung ở Sa Ðéc, Lai Vung, Tháp Mười.
Cần những định hướng, giải pháp
Tại ÐBSCL, đa số mô hình du lịch cộng đồng do người dân tự chuyển đổi từ làm vườn, làm nông… sang hoạt động du lịch. Vì vậy các sản phẩm nhỏ lẻ, chủ yếu là nông sản và dịch vụ vẫn chưa thể chuyên nghiệp. Ðồng thời người dân cũng gặp không ít khó khăn về chính sách, nguồn vốn, nhân lực. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng du lịch xanh, du lịch trách nhiệm đang tác động mạnh đến thị hiếu của du khách và ngày càng có nhiều người tìm đến những trải nghiệm du lịch văn hóa, cộng đồng, thân thiện và trách nhiệm với môi trường. Những tour du lịch tìm về với thiên nhiên được tìm kiếm nhiều hơn, nhất là ở khu vực ÐBSCL. Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch cộng đồng phải có sự quan tâm và vào cuộc của các ngành, các cấp cùng cơ chế chính sách phù hợp thực tế. Mỗi tỉnh, thành cần dựa trên những nghiên cứu khoa học về văn hóa, cuộc sống cư dân bản địa… nhằm xây dựng các định hướng phát triển du lịch phù hợp các giá trị cốt lõi của cộng đồng. Ðể từ đó hướng dẫn người dân xây dựng sản phẩm sao cho phù hợp với lợi thế bản địa, đạt chuẩn dịch vụ và thị hiếu du khách.
Thực tế, nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL đang có những định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Tỉnh ủy Cà Mau về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xác định sản phẩm thế mạnh tập trung phát triển: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo... gắn với phát triển du lịch nông thôn qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Trong đó, du lịch cộng đồng đang được đẩy mạnh với nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm, kết nối quảng bá với các thị trường tiềm năng. Theo đó, 14 điểm đến du lịch cộng đồng của tỉnh đang được hỗ trợ nhiều về chính sách, nguồn vốn và tiếp cận lữ hành. Nổi bật là sản phẩm xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau trở thành một trong ba tuyến du lịch trọng điểm của Cà Mau.
Tại Ðồng Tháp, ngành Du lịch địa phương tạo mọi điều kiện và khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia làm du lịch cộng đồng; đồng thời xây dựng chiến lược phát triển loại hình này. Ðồng Tháp đã xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; khảo sát hoạt động du lịch nông nghiệp để đánh giá thực trạng và định hướng các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp, từ đó có chính sách hỗ trợ tương xứng. Riêng tại Sa Ðéc, UBND thành phố cũng chỉ đạo địa phương thành lập Hội quán làm du lịch để tìm những giải pháp và hướng dẫn bà con khai thác được thế mạnh, gắn phát triển làng hoa với du lịch. Sa Ðéc cũng có chính sách khuyến khích người dân xóa hàng rào để từng bước mở rộng làng hoa, đẩy mạnh hoạt động du lịch. Nhiều hộ dân ở làng hoa cũng được khuyến khích, tạo điều kiện làm du lịch với nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ vốn và kết nối quảng bá.
Tại Cần Thơ, ngành Du lịch thành phố đang phối hợp với các ngành hữu quan xây dựng xây dựng một số đề án: Phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại TP Cần Thơ, xây dựng mô hình làng hoa kiểng TP Cần Thơ phục vụ du lịch; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Phong Ðiền, Thốt Nốt, Bình Thủy; khảo sát và đánh giá thực trạng du lịch để hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Du lịch cộng đồng cần được quan tâm và đánh giá đúng thực trạng để những giải pháp phát triển phù hợp, nhất là tại vùng ÐBSCL - nơi đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Nguồn: Báo Cần Thơ