
Trong giai đoạn 2021–2025, thành phố Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác CCHC, đặc biệt là mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Theo đánh giá của Cổng Dịch vụ công quốc gia, mức độ hài lòng liên tục tăng qua các năm: năm 2022 đạt 81,98%, năm 2023 đạt 93,08%, năm 2024 đạt 97,68% và năm 2025 đạt 94,67%.
Song song đó, thành phố cũng tiến hành khảo sát độc lập hằng năm với tổng cộng 19.863 phiếu từ năm 2021 đến 2025, kết quả cho thấy tỷ lệ hài lòng duy trì ở mức cao, dao động từ 93,02% đến 95,44%.
Thành phố Cần Thơ đã triển khai hệ thống đánh giá mức độ hài lòng qua Zalo, cho phép người dân, doanh nghiệp phản hồi sau khi hoàn tất TTHC. Dữ liệu này được dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức liên quan. Ngoài ra, thành phố đã bố trí hơn 25,4 tỷ đồng cho hoạt động CCHC giai đoạn 2021–2025, đồng thời phân công nhân sự chuyên trách, trong đó Sở Nội vụ là cơ quan đầu mối thực hiện.
Liên quan đến các chỉ số thành phần năm 2024, như: Chỉ số SIPAS của thành phố Cần Thơ xếp thứ 34/63 tỉnh, thành (giảm 11 bậc so với năm trước), xếp cuối trong nhóm 6 thành phố trực thuộc Trung ương và thứ 5/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đối với Chỉ số PAPI: Kết quả có tăng nhẹ so với năm 2023, tuy nhiên thành phố Cần Thơ vẫn xếp thứ 59/61 tỉnh, thành phố (do 2 địa phương không tham gia). Trong 8 chỉ số thành phần, có 3 chỉ số tăng điểm và 5 chỉ số giảm điểm. Với Chỉ số PCI: Xếp thứ 11 so với cả nước (tăng 3 bậc so với năm 2023), đứng thứ 3/6 thành phố trực thuộc Trung ương và thứ 4/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong nhóm 6 thành phố trực thuộc trung ương, điểm PCI của thành phố Cần Thơ đứng vị trí thứ 3/6 sau thành phố Hải Phòng và thành phố Huế. Đây là năm thứ hai liên tiếp thành phố tăng điểm, tăng hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển chỉ ra một số tồn tại cần sớm khắc phục, như: Tỷ lệ hồ sơ và thanh toán trực tuyến còn thấp; Tình trạng trễ hạn trong giải quyết TTHC vẫn xảy ra; Hạ tầng công nghệ thông tinvà trang thiết bị chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến tiến độ công việc; Nhân lực phục vụ chuyển đổi số ở các cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu; Năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp còn hạn chế; Cơ chế phân bổ, quản lý tài chính chưa gắn với sản phẩm, dịch vụ đầu ra.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu kết luận hội nghị
Để khắc phục những tồn tại và hướng đến mục tiêu cải thiện toàn diện chỉ số CCHC trong năm 2025 và giai đoạn 2026–2030, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, về chỉ đạo, điều hành: Xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị quan trọng; Phát huy vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; Đẩy mạnh tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất.
Về cải cách thể chế: Rà soát, xử lý văn bản không phù hợp; Tăng cường phổ biến pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật; Đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền về TTHC đến người dân. Về cải cách thủ tục hành chính: Đơn giản hóa quy trình, hạn chế tối đa tình trạng trễ hạn.; Tập trung vào lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh. Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính. Về cải cách tổ chức bộ máy: Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
Về cải cách chế độ công vụ: Thực hiện nghiêm Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Tăng cường kỷ luật, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; Tiếp tục triển khai Đề án văn hóa công vụ. Về cải cách tài chính công: Thực hiện cơ chế tự chủ hiệu quả, tiết kiệm; Tập trung giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ; Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập.
Về phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số: Tăng cường tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản VNeID trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh, phát triển dữ liệu dùng chung và áp dụng ISO điện tử. Về cải thiện các chỉ số liên quan: Rà soát, đề xuất giải pháp cụ thể để cải thiện các chỉ số như: PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI; Giao Sở Nội vụ tham mưu xây dựng kế hoạch CCHC giai đoạn 2026–2030; Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo và người dân để nâng cao tương tác và hiệu quả quản trị.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã trao tặng bằng khen cho 10 tập thể và 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đẩy mạnh CCHC nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021–2025.
Ánh Nguyên