Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nâng niu Cần Thơ phố
Ngày đăng: 24/01/2017

Lượt xem:


Những người bạn mê chuyện xưa cũ Cần Thơ vẫn hay kể về nghề làm nem nướng Cái Răng, về ông già Cồn Khương am tường gốc tích xứ sở… Ai có ngờ hoặc, bạn chắc nịch: "Cần Thơ phố nói!". Trong câu chuyện của bạn, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến đạo diễn Ðỗ Khuê, người nâng niu "Cần Thơ phố".
Đạo diễn Đỗ Khuê tác nghiệp thực hiện chương trình "Cần Thơ phố". Ảnh: Duy Khôi

Căn nhà nhỏ nằm sát nhà cổ Vườn Lan chiều cuối năm. Đóm lửa bập bùng trong bếp lò, nghệ nhân làm bánh phồng tôm duy nhất của dòng họ Dương tỉ mẩn hấp từng vỉ bánh, nụ cười bén duyên lãng đãng cùng làn khói nghi ngút. Đạo diễn Đỗ Khuê chăm chú ghi hình từng động tác, cẩn thận và trân trọng. Xong cảnh quay, lấy chiếc khăn rằn vắt hờ trên vai lau mồ hôi, ông gật gù: "Đẹp!". Xong việc ghi hình, đạo diễn Đỗ Khuê lại hỏi nghệ nhân các công đoạn làm bánh, lịch sử nghề gia truyền và những khó khăn giữ nghề. Ông hỏi cặn kẽ đến mức nếu không biết, cứ tưởng ông đang học nghề. Riêng với tôi, tôi cảm nhận trong những câu hỏi đó có tình yêu của một đạo diễn dành cho văn hóa Cần Thơ.

Trong quán cà phê ven chợ Bình Thủy, ngắm nhìn cảnh bà con ngược xuôi mua sắm, đạo diễn Đỗ Khuê trầm tư: "Mới đó mà "Cần Thơ phố" đã hơn 5 năm lên sóng". Hơn 5 năm với khoảng 270 kỳ phát sóng, cũng là ngần ấy câu chuyện mà ông gọi là "Cần Thơ, những câu chuyện nhỏ" như tiêu đề của chương trình. Đó là những nét chấm phá về Cần Thơ xưa và nay: một nghệ nhân quyết giữ nghề sau bao thăng trầm cuộc sống, những người bạn trẻ sống đẹp, hay những thú chơi dân dã mà thanh tao của người Cần Thơ. Những mảng ghép nhỏ đã làm nên một Cần Thơ hồn hậu và bản sắc. Từ "những câu chuyện nhỏ" trong "Cần Thơ phố" mà người xem thấy bóng dáng và tâm hồn mình ở đó. Có suy nghĩ của người trẻ, hồi ức của người già và cho những người Cần Thơ xa xứ bỗng bồn chồn khi nghe tiếng rao trưa, bắt gặp chái bếp quê nhà trong "Cần Thơ phố".

Mỗi ký sự chỉ chừng 7-8 phút, nhưng người xem thấy đủ bởi những câu chuyện, tư liệu mà đạo diễn Đỗ Khuê góp nhặt, chuyển tải. Có phim ông cần cộng sự quay phim, ông viết lời bình kiêm đạo diễn, nhưng cũng có phim ông đảm nhận tất cả các khâu, cốt sao cho những thông điệp được gửi trao trọn vẹn. Hỏi ông thấy được gì qua hơn 5 năm của "Cần Thơ phố", đạo diễn Đỗ Khuê chia sẻ: Chắc chắn là hình ảnh người Cần Thơ bình dị, lương thiện, làm nên cái hồn của đô thị ven sông. "Có nhân vật nói với tôi rằng, công việc của họ cứ diễn ra hằng ngày, đời này qua đời khác và luôn nghĩ nghề của họ hay quá"- đạo diễn Đỗ Khuê kể.

Sau màn ảnh, đạo diễn Đỗ Khuê lặn lội đến mọi ngả đường, vùng đất của Cần Thơ suốt 5 năm qua và được trao những tình thân trân quý. Một người mẹ nuôi có biệt tài làm bánh hỏi mặt võng ở Nhơn Ái, một anh bạn già "rặt nông dân" ở Vàm Xáng hay bà chị bán cơm tấm ở bến Ninh Kiều. Đi làm phim cũng là đi tìm thêm những nghĩa tình Cần Thơ mới. Bởi vậy, vườn nhà tới mùa cam mật, sẵn có tép bạc nấu nồi bánh canh… họ tìm đến tận nhà để gởi ông "ăn lấy thảo". Cái tên "Ông Khuê Cần Thơ phố" giờ thành quen, như người thân trong nhà của nhiều người.

62 tuổi, 42 năm gắn bó với mảnh đất Cần Thơ, bấy nhiêu thời gian đó đủ để đạo diễn Đỗ Khuê yêu và hiểu xứ sở này, dù ông sinh ra ở xứ Quảng. Ông chia sẻ những điều kỳ thú về hẻm Tài Xỉu, hẻm Hai Địa, Trường Nam Cần Thơ xưa… bằng sự am tường như người Cần Thơ cố cựu. Cuộc đời ông đến với nghề đạo diễn bằng những khúc quanh, học lâm nghiệp ở Đà Lạt rồi vào Đài Truyền hình Cần Thơ làm đồ họa, họa sĩ phim hoạt hình, tiếp đến là mảng phim tài liệu, phim truyền hình. Ông vẫn thích nói về văn hóa, ẩm thực Nam bộ. Những bộ phim tài liệu mà đến giờ ông vẫn nhớ như "Gốm Cây Mai", "Múa lốp Nam bộ"… đủ để ông gắn bó với công việc truyền hình. Mấy năm sau khi nghỉ công việc ở nhà đài để thỏa chí tang bồng, thiên di đây đó, ông mở công ty truyền thông với tên gọi Phù Sa. Hạt phù sa của văn hóa đồng bằng, văn hóa Cần Thơ vẫn len chảy trong mỗi tác phẩm của Đỗ Khuê.

Năm hết Tết đến, trên gương mặt dày dặn phong sương, vẫn chiếc khăn rằn khi vắt vai, khi đội đầu, Đỗ Khuê vẫn miệt mài đi tìm nét đẹp của Cần Thơ. Ông mong muốn "Cần Thơ phố" nói chuyện xưa, chuyện nay nhưng phong cách phải "trẻ hơn", người viết cũng phải "trẻ hơn", để người trẻ thích thú với những gì người cao niên gởi gắm. Vậy là ông cứ đi mãi để "trẻ người" ra. "Ông Khuê Cần Thơ phố" vẫn lân la đâu đó, giữa nhịp sống Tây Đô.


Nguồn: Báo Cần Thơ


bf6b749b-a077-4d83-ac49-1a891b18034c

Tiêu đề bài viết: Nâng niu Cần Thơ phố. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang