Thông tin hoạt động của Sở ngành


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Định hướng, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025
Ngày đăng: 30/06/2021

Lượt xem:


Sáng 29/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu thành phố Cần Thơ có ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cùng lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các Sở, ngành liên quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu thành phố Cần Thơ

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày tóm tắt dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 có mục tiêu chung là khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030 có 100% các bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 100% đơn vị hành chính cấp xã có Nhà văn hóa; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bảo tàng, thư viện cấp tỉnh; có ít nhất 5 di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 95 - 100% di tích quốc gia đặc biệt và 65-70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; 65 - 70% số di sản trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị…

Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 gồm các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; phát triển một số lĩnh vực văn hóa (nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, thư viện); phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh; phát huy vai trò truyền thông đại chúng, truyền thông mới và văn hóa số; chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học công nghệ về văn hóa - nghệ thuật…

Về Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, dự thảo nêu ra các nhiệm vụ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện, cụ thể: tổng kết, đánh giá, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch.

Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ các nhiệm vụ mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã điểm một số nội dung nổi bật của ngành du lịch thời gian qua và yêu cầu xây dựng các giải pháp sau khi đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong chương trình hành động và cơ cấu, tính toán cân bằng lại thị trường du lịch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Chương trình hành động cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa vào du lịch. Trách nhiệm của ngành du lịch là hình thành bộ dữ liệu; qua đó, các doanh nghiệp sẽ khai thác, kết nối tạo ra sản phẩm số hóa trong ngành du lịch.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị phải luôn đổi mới sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch quyết định chất lượng du lịch nên mỗi tỉnh, thành có một sản phẩm du lịch đặc sắc thì sẽ hình thành mạng lưới, hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đặc sắc. Đồng thời, phải thực hiện tốt phương châm làm tốt công tác quy hoạch từ đó kêu gọi đầu tư về vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng du lịch…

Tại Hội nghị này, một số địa phương đã nêu lên những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch trong đại dịch COVID-19 và đề xuất những giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp phục hồi, khôi phục lại ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Kết thúc hội nghị, thay mặt Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông tổng kết các ý kiến góp ý thống nhất quan điểm về việc chọn lựa các sản phẩm du lịch đặc sắc; các giải pháp, chính sách quản lý và phát triển du lịch; xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch phục hồi sau dịch COVID-19; định hướng phát triển thị trường nội địa, liên vùng, liên ngành; đề xuất các chương trình thí điểm phát triển thị trường quốc tế; đa dạng hóa hình thức quảng bá… làm cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện dự thảo, ban hành, triển khai thực hiện Chiến lược và Chương trình.


Kim Xuyến


1fad153e-d7b5-42e7-94df-7488d2209035

Tiêu đề bài viết: Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Định hướng, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Kim Xuyến.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang