Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Phát huy tinh thần yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Ngày đăng: 15/01/2018

Lượt xem:


Đối với dân tộc Việt Nam, tinh thần yêu nước là một nhân tố quan trọng hình thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh của lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc không ngừng phát triển suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta. Giai đoạn hiện nay, càng cần phát huy tinh thần yêu nước thành sức mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh họa

Sức mạnh của tinh thần yêu nước Việt Nam

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, trong bối cảnh thường xuyên phải đấu tranh chống lại những kẻ xâm lược ỷ cậy sức mạnh về quân sự, kinh tế, thì tinh thần yêu nước luôn là nhân tố quan trọng kết thành sức mạnh vô địch - đại đoàn kết - để dân tộc Việt Nam giành chiến thắng. Tinh thần yêu nước thể hiện hùng hồn trong bài thơ Nam quốc sơn hà; vang vọng nghìn năm qua tiếng hô vang “Đánh! Đánh!” ở Hội nghị Diên Hồng; thấm đẫm trong Bình Ngô đại cáo; kiêu hãnh trong lời kêu gọi “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”,...

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người phát hiện, tổng kết sức mạnh của tinh thần yêu nước, và từ đó đã khơi dậy tinh thần yêu nước của dân tộc ta lên một tầm cao mới trong thời đại ngày nay. Người khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(1).

Một tư tưởng quan trọng có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, mà một trong những nhân tố tạo ra nó chính là tinh thần yêu nước. Trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vì mục tiêu độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định tinh thần yêu nước chính là điểm chung, là “chìa khóa vàng” để mở ra khối đại đoàn kết toàn dân.

Ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, một trong những nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là: “Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”(2). Thực hiện chủ trương đó, Người đã trực tiếp viết thư, tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân để kêu gọi, khơi dậy tinh thần yêu nước. Người tâm tình với các cụ phụ lão: “Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không” (Thư gửi các cụ phụ lão, ngày 21-9-1945); khuyên nhủ các em nhỏ: “Các em phải thương yêu nước ta” (Thư gửi thiếu nhi Việt Nam đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 22-9-1945); báo tin độc lập cho một Việt kiều (tháng 9-1945), Người kêu gọi: “Tôi vẫn nghe ông là người yêu nước thương nòi, vậy dịp này rất thuận tiện cho ông tỏ lòng trung thành với Tổ quốc”; trong thư gửi cảm ơn các giám mục và đồng bào công giáo Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Người nhấn mạnh: “…các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính tín đồ của đức Giêsu”; Người tỏ lòng vị tha với những người trót lầm đường, lạc lối: “Ai cũng có lòng yêu nước, chẳng qua có lúc vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn. Nói lẽ phải họ tự nghe” (3)... Và những bài học làm người đầu tiên Người muốn trao truyền lại, đó là: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”; “Dân ta phải biết sử ta”.

Trong kháng chiến, Người quả quyết: “Đành biết rằng từ đây đi đến cuộc toàn thắng, chúng ta còn phải kinh qua nhiều nỗi khó khăn. Nhưng chúng ta giàu lòng yêu nước, thì chúng ta quyết cứu được nước”(4). Trong kiến quốc, Người tin tưởng sắt đá, rằng nếu “sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất. Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi, Kiến quốc nhất định thành công”(5).

Suốt sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng; yêu nước không chỉ ở nhận thức, mà còn phải thể hiện ở hành động. Bác yêu cầu: “phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”(6). Trước khi đi xa, trong Di chúc, Người mong mỏi: “...đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở đồng thuận từ tinh thần yêu nước và kết quả tất yếu là: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” và “Thành công, thành công, đại thành công”. Tinh thần yêu nước nồng nàn trở thành sức mạnh to lớn đập tan dã tâm xâm lược của mọi kẻ thù hung bạo, mạnh hơn về khí tài quân sự, quân số, tiềm lực kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập”(7).

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định tinh thần yêu nước là một nhân tố quan trọng tạo thành động lực phát triển đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh tinh thần yêu nước là một trong những giá trị, thuận lợi cơ bản của Việt Nam: “Chúng ta có nhiều thuận lợi cơ bản:... nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, có truyền thống đoàn kết và nhân ái”(8). Văn kiện Đại hội XII của Đảng yêu cầu: “Nhận thức đúng và xử lý tốt các nhân tố tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập: kết hợp hài hòa các lợi ích; phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy nhân tố con người; vai trò của khoa học - công nghệ;...”(9). Đồng thời Đảng tiếp tục khẳng định tinh thần yêu nước là nội dung quan trọng trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết: “đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước”(10).

Phát huy tinh thần yêu nước trong giai đoạn hiện nay

Sau 30 năm đổi mới Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay, xét trong phạm vi liên quan đến tinh thần yêu nước, có thể nêu một số vấn đề nổi cộm: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, người làm kinh doanh, một số tổ chức, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp đã vì “lợi nhỏ” mà quên “nghĩa lớn”, vì chủ nghĩa cá nhân và “nhóm lợi ích” mà chà đạp lên lợi ích quốc gia, đồng bào, đồng chí, thậm chí là sinh mạng con người; sự quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh chính trị còn bất cập do năng lực, phẩm chất của chính một bộ phận chịu trách nhiệm thực thi pháp luật; chất lượng cuộc sống gặp nhiều nguy cơ - kết quả từ sự nhẫn tâm của một bộ phận cộng đồng và sự vô cảm hay bất lực, thậm chí có trường hợp có cả sự đồng lõa, của nhà chức trách; sức cạnh tranh của nền kinh tế kém; tâm lý sính ngoại vẫn khá phổ biến trong người tiêu dùng;... Do đó, đã đến lúc cần kêu gọi mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước trở thành những làn sóng mới, tạo ưu thế cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu, kêu gọi đồng thuận xã hội xây dựng nền kinh tế mạnh gắn với xây dựng đất nước hùng cường.

Sức mạnh của lòng yêu nước, nếu được nhân lên trong giai đoạn hiện nay, sẽ giúp thực lực quốc gia Việt Nam mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Về chính trị, yêu nước giúp toàn dân xây dựng khối đại đoàn kết để phát triển đất nước; sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn, thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài... Về kinh tế, yêu nước gắn với yêu đồng bào là phấn đấu phát triển kinh tế vì lợi ích cộng đồng, quốc gia; ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng là thúc đẩy nền sản xuất trong nước phát triển... Về văn hóa, đó là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; là sống nghĩa tình với nhau, xứng với hai chữ “đồng bào”; thâu thái một cách chủ động và lành mạnh các giá trị văn hóa của nhân loại,... Về đối ngoại, tinh thần yêu nước góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế...

Để phát huy tinh thần yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong giai đoạn hiện nay, cần phải tập trung thực hiện một số nội dung:

Một là, tích cực quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển tinh thần yêu nước của người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế; cần xác định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh tinh thần yêu nước; cụ thể hóa thành các chính sách, phong trào phát triển tinh thần yêu nước đem lại hiệu quả cụ thể, thiết thực. Việc tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước; phát triển các phong trào thi đua yêu nước luôn được Đảng yêu cầu qua các kỳ Đại hội Đảng; tiếp tục được phát triển trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước yêu cầu: xây dựng lòng yêu nước, với mục tiêu “đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước” và nhiệm vụ “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách”.

Tuy nhiên, nên chăng cũng đã đến lúc cần có một Nghị quyết của Đảng về phát huy tinh thần yêu nước của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - một nghị quyết có ý nghĩa và tầm quan trọng như Lời kêu gọi thi đua ái quốc mà gần 70 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra. Cần xây dựng tinh thần yêu nước trở thành một nhân tố quan trọng trong sức mạnh quốc gia nhằm thu hút sự hợp tác, đầu tư, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc phát huy tinh thần yêu nước cũng cần được coi là nhiệm vụ của từng cấp ủy, chính quyền các đơn vị, địa phương. Yêu nước trở thành động cơ trước hết để gắn kết toàn thể dân tộc Việt Nam. Yêu nước đồng nghĩa yêu đồng bào, và ở mức cao hơn, gắn bó với bảo vệ chế độ chính trị, sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc. Cần thực hiện hiệu quả tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng tinh thần yêu nước nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bởi ở trong mô hình nhà nước này, tinh thần yêu nước có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Nhà nước cần bảo đảm phát triển mọi lợi ích chính đáng của nhân dân, để nhân dân có cơ hội thể hiện lòng yêu nước; đồng thời có những chế tài nghiêm trị những hành vi hại nước, hại dân. Nhà nước, với các công cụ pháp lý hiệu quả, bảo đảm đường lối, chính sách về phát triển đất nước, nhất là trong kinh tế, được thực hiện hiệu quả, minh bạch, kỷ cương; tạo điều kiện để bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc...

Nhà nước cần bảo đảm mọi điều kiện để phát triển tinh thần yêu nước thực sự trở thành một sức mạnh quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng; bảo đảm các giá trị của tinh thần yêu nước khi đi vào các lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ trở thành các giá trị quốc gia, gồm cả các giá trị về văn hóa, đối ngoại, có thể chuyển hóa thành các giá trị về kinh tế, quốc phòng - an ninh.

Ba là, công tác tư tưởng của Đảng, Nhà nước cần thúc đẩy, lan tỏa giá trị của tinh thần yêu nước trong toàn xã hội. Cần có sự tổng kết thực tiễn để đề ra lý luận về phát triển chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như các giai đoạn tiếp theo. Công tác tư tưởng cần thấu triệt trong nhân dân các nội dung: yêu nước, trước hết là yêu đồng bào, cái gì có lợi cho nhân dân thì phải ra sức làm; mỗi người dân Việt Nam đều phải phát huy tinh thần yêu nước của bản thân, thúc đẩy tinh thần yêu nước của cộng đồng. Đối với doanh nghiệp, đó không chỉ là những hành động, như nộp nghĩa vụ thuế, làm công tác từ thiện,... mà còn phải là đặt lợi ích của người tiêu dùng làm mục tiêu phát triển; đồng thời, đặt mình trong guồng máy chung của nền kinh tế đất nước, tạo thương hiệu quốc gia, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, thử thách, vận hội với đất nước. Đối với nhân dân, đó là tình làng nghĩa xóm, lối sống nhân nghĩa, ưu tiên sử dụng các sản phẩm trong nước... Đối với đội ngũ cán bộ, công chức đó là ý thức trách nhiệm với công việc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc...

Để làm được điều này, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện công tác tư tưởng thời kỳ hội nhập quốc tế. Công tác tư tưởng không chỉ dừng lại ở kêu gọi lòng yêu nước, mà quan trọng là phải hướng dẫn lòng yêu nước, chỉ dẫn các hành vi yêu nước đúng đắn, thông qua tuyên truyền, bồi dưỡng, phát triển các nhân tố mới, điển hình.

Bốn là, xây dựng tinh thần yêu nước là nội dung quan trọng của sự nghiệp giáo dục. Cần quán triệt thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, trong đó có mục tiêu “Giáo dục con người Việt Nam... yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. Trong đổi mới giáo dục, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thì nội dung quan trọng cần thường xuyên được thực hiện là giáo dục tinh thần yêu nước để nhân lực, nhân tài được đào tạo ra sẽ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Cần giáo dục con người Việt Nam từ thuở nhỏ đã thấm nhuần 5 điều Bác Hồ dạy, mà trước tiên là “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” để từ đó mới có ý chí học tập, lao động, xây dựng các phẩm chất tốt đẹp khác nhằm phục vụ đồng bào, Tổ quốc; giáo dục tinh thần yêu nước cũng phải xuyên suốt và thấm đẫm trong tất cả giai đoạn của cuộc đời con người. Giáo dục tinh thần yêu nước là trách nhiệm của nền giáo dục, của toàn xã hội, là nội dung quan trọng trong xã hội học tập.

Năm là, phát triển các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ lao động, sản xuất, học tập, chiến đấu, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân,... đến ưu tiên sử dụng hàng hóa được sản xuất trong nước, các việc thiện nguyện, các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường... Yêu nước là giữ gìn hình ảnh đất nước trong con mắt bạn bè quốc tế; xây dựng và phát huy tự hào dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Cần lấy tinh thần yêu nước là điểm chung trước hết để xây nên khối đại đoàn kết dân tộc. Yêu nước cần được xác định là “nghĩa lớn”, để vượt qua các “lợi nhỏ” của cá nhân và nhóm xã hội.

Thông qua các hoạt động thực tiễn hiệu quả, mà nền tảng được xây dựng bởi lòng yêu nước, phát huy tinh thần yêu nước trong giai đoạn hiện nay trở thành một nhân tố của sức mạnh quốc gia thời kỳ hội nhập quốc tế. Khi trở thành sức mạnh quốc gia thì tinh thần yêu nước đem đến những giá trị vô cùng to lớn, có thể thành lợi thế so sánh trên trường quốc tế, giống như cha ông ta đã làm được trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc./.

--------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, t.7 tr. 38

(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 7, 471

(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 219, 513

(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 38 - 39, 164 - 165

(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 70 - 71

(9), (10)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 76, 158 – 159


Nguồn: Đỗ Minh Hùng - ThS, Tạp chí Cộng sản (www.tapchicongsan.org.vn); Ảnh: Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (philosophy.vass.gov.vn)


81cbcb95-0307-48e6-b47e-2a0790b63c79

Tiêu đề bài viết: Phát huy tinh thần yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Đỗ Minh Hùng - ThS, Tạp chí Cộng sản (www.tapchicongsan.org.vn); Ảnh: Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (philosophy.vass.gov.vn).

Giá, phí - Lệ phí

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

CỔNG THÀNH PHẦN

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang