Thông tin hoạt động của Sở ngành


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Bảo vệ sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long trước hạn mặn
Ngày đăng: 21/02/2020

Lượt xem:


Ngày 20-2, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức Hội thảo - tọa đàm “Giải pháp ứng phó hạn, mặn cho cây trồng và vật nuôi vùng ĐBSCL”.

Theo báo cáo, tình trạng xâm nhập mặn trong mùa nắng năm nay tại ĐBSCL đang diễn ra vô cùng gay gắt. Nước mặn đã lấn sâu hơn 100km vào đất liền nhiều tỉnh, khiến hàng chục ngàn hécta lúa chưa ngậm đòng chết rụi, hàng trăm ngàn hécta cây ăn trái, hoa màu héo rũ, ước tính khoảng 180.000 hộ dân thiếu nước ngọt.

Tại hội thảo, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp và môi trường đã đề ra nhiều giải pháp giúp người nông dân đồng bằng ổn định được sản xuất. GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - giảng viên cao cấp, Trường ĐH Cần Thơ - cho rằng: Để giúp cây trồng có nước ngọt, nhà vườn theo dõi thủy triều, vào thời điểm con nước kém (khoảng mùng 9-10 và 24-25 âm lịch/tháng), canh lúc nước ròng để lấy nước ngọt dự trữ tưới cho cây, vì lúc này nước biển xuống thấp nhất. Líp vườn ở những vùng đất nhiễm mặn phải rộng và trồng cách xa bờ mương để ít thiệt hại khi mương vườn bị mặn. Ngay cả việc trồng giống cây ăn trái chịu mặn giỏi cũng không nên đưa nước mặn vào mương vườn, vì nước thấm vô hai bên bờ líp mao dẫn lên mặt líp, nước bốc hơi mặn sắc lại làm độ mặn trong đất tăng lên gấp nhiều lần gây hại cây trồng và làm đất bị mặn nhiều năm sau đó… Để cây trồng hấp thụ được dưỡng chất, nông dân bón các loại phân thích hợp, phun chất điều hòa sinh trưởng thực vật…

Đối với vụ lúa hè thu, nông dân cần thực hiện nghiêm khuyến cáo của địa phương về thời điểm xuống giống, giúp cây lúa phát triển tốt nhất. Sử dụng các giống lúa chịu mặn như OM5451, OM6677, GKG1. Thực hiện các kỹ thuật canh tác, bón phân phù hợp, trong đó áp dụng kỹ thuật “sạ nước” để hạn chế tác hại của nắng nóng gây luộc giống hay quéo mộng.

PGS.TS Lê Vĩnh Thúc - Bộ môn khoa học cây trồng, Trường ĐH Cần Thơ - nêu giải pháp giảm ảnh hưởng của mặn như rửa mặn, hạn chế bốc thoát hơi nước, sử dụng các khoáng để bón như canxi, kali. Đặc biệt, áp dụng kỹ thuật của Israel dùng nước mặn có nồng độ mặn thấp cho cây trồng. Tuy nhiên khi sử dụng nước mặn tưới cây phải lưu ý thời gian và cách tưới để không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Đối với chăn nuôi, nếu sử dụng nước có độ mặn vượt ngưỡng chịu đựng của vật nuôi trong thời gian dài, có thể gây ngộ độc và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng về thận. Sức đề kháng vật nuôi giảm, khiến các vi sinh vật có hại xâm nhập gây ra các bệnh nguy hiểm như dịch tả, cúm… Để hạn chế tác hại, ngoài việc dự trữ nước ngọt, cần bảo tồn và tận dụng hệ sinh thái rừng ngập mặn để chăn nuôi. Lựa chọn những giống nuôi phù hợp, thích ứng hạn mặn như gà, vịt, dê, cừu, bò, thỏ, động vật hoang dã. Thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp như thỏ - tôm và cỏ; Dê - cây cỏ chịu mặn và cây ăn trái…

Theo GS.TS Nguyễn Văn Thu, ĐH Cần Thơ: “Mô hình chăn nuôi ở Việt Nam, heo chiếm từ 65-70%, gia cầm từ 20-25%, trong khi gia súc ăn cỏ chỉ chiếm 6-8%. Chăn nuôi heo thường có những biến động về giá tiêu thụ khiến người chăn nuôi thua lỗ, chưa kể có những dịch bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế. Theo nhiều nhà khoa học, để chăn nuôi phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh và xuất khẩu, ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải thay đổi cơ cấu các loài gia súc. Đặc biệt phải tìm ra ưu thế thực sự của ngành về thức ăn, con giống và sức khỏe gia súc, gia cầm, để sản xuất thực phẩm an toàn, đa dạng về nguồn protein động vật và có giá thành cạnh tranh trong nước và xuất khẩu. Chú ý nâng cao tỉ lệ chăn nuôi gia cầm và gia súc ăn cỏ. Ứng phó với tình trạng hạn mặn này cũng là dịp để ngành chăn nuôi sớm có giải pháp biến nguy thành cơ…”.


Đan Phượng


bc23dee0-32dd-4fef-8026-2b9ddedf70ea

Tiêu đề bài viết: Bảo vệ sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long trước hạn mặn. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Đan Phượng.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang