Thực hiện tuyên truyền cho người dân về các đoạn tuyến đường bộ thường xuyên bị ngập nước để người dân chủ động sắp xếp thời gian tham gia giao thông, hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông. Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời, đồng thời có phương án tổ chức, phân luồng giao thông cho phù hợp với mạng lưới đường bộ trên địa bàn (thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết các tuyến đường cấm).
Duy tu sửa chữa hệ thống cầu, đường đảm bảo mặt đường êm thuận, không để xuất hiện các vị trí hằn lún sâu, ổ gà và căng dây, cắm biển cảnh báo, dây cảnh báo, đèn chớp cảnh báo tại vị trí các tuyến đường cặp bờ kênh, mương, hồ, ao ngập sâu nguy hiểm khi triều cường dâng cao (không nhận biết phần mặt đường xe chạy với các khu vực nêu trên), gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Kiểm tra toàn bộ hệ thống thoát nước, hố thu, cửa xả để có phương án nạo vét, khơi thông nhằm tăng cường khả năng thoát nước nhanh khi triều cường rút. Kiểm tra các nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường xe chạy để có giải pháp cố định an toàn khi áp lực nước dâng cao gây bong bật, tạo thành các hố sâu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Tổ chức rà soát các trụ điện chiếu sáng trang trí, chiếu sáng công cộng và đèn tín hiệu giao thông trên đường bộ, cột điện không để tình trạng rò điện khi nước ngập, gây nguy hiểm tính mạng cho người tham gia giao thông.
Kiểm tra bờ bao, cống, cửa van ngăn triều đảm bảo an toàn công trình và chuẩn bị vật tư để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu theo phương châm “04 tại chỗ” không để tình trạng bể, tràn bờ bao hoặc sự cố cửa van gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành cống ngăn triều triển khai phương án vận hành hệ thống cống hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống lũ và triều cường.
Tổ chức kiểm tra hoạt động các bến khách ngang sông trên địa bàn, cương quyết đình chỉ hoạt động các phương tiện chở khách ngang sông không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Thanh thải các chướng ngại vật, đăng, đáy cá, giải tỏa các công trình ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông tại các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn được phân cấp quản lý.
Đối với công trình đang thi công nâng cấp, mở rộng, đề nghị các Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công đảm bảo thoát nước và vệ sinh môi trường, bố trí biển báo, rào chắn, căng dây, đèn cảnh báo khu vực thi công nhằm đảm bảo cho phương tiện lưu thông an toàn. Trong thời gian các đợt triều cường dâng cao, phối hợp lực lượng chức năng điều tiết, đảm bảo giao thông khu vực bị ngập (nếu có).
Theo Công văn DBLU-03/9h00/CTHO ngày 20 tháng 9 năm 2024 của Đài khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ, dự báo mực nước đỉnh triều trên các sông rạch thành phố Cần Thơ còn tiếp tục lên cao và khả năng sẽ đạt đỉnh trong các ngày 20 - 22 tháng 9 (ngày 18 - 20 tháng Tám Âm lịch). Độ sâu ngập lụt lớn nhất: tại Cái Răng, Ô Môn và Thốt Nốt: 0,15m; Ninh Kiều: 0,25m và Bình Thủy: 0,25 - 0,40m. Đây là đợt triều cường có đỉnh triều lên mức cao; thời tiết chuyển xấu, do ảnh hưởng của rìa xa hoàn lưu áp thấp nhiệt đới nên mưa nhiều trong những ngày triều cường đạt đỉnh. Cần chú ý đề phòng trong thời gian triều lên kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập úng trên diện rộng tại các khu vực trũng thấp, vùng nội đô ven sông của thành phố. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường ở mức cấp độ 2.
Lê Tuyến