Tin tức du lịch


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Duyên dáng áo bà ba
Ngày đăng: 19/04/2019

Lượt xem:


Chiếc áo bà ba làm nên nét riêng của người Nam bộ. Áo bà ba từ thời khẩn hoang mở đất đến chiến tranh khói lửa và trở thành một trang phục thịnh hành như ngày nay là cả một hành trình. Dù trong bối cảnh nào, áo bà ba luôn làm nên nét duyên dáng, nền nã, mới nhìn đã thương.
Phụ nữ đẹp đằm thắm trong chiếc áo bà ba.

Trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 8 - năm 2019, đêm dạ hội “Đẹp mãi áo bà ba” đã làm nức lòng du khách. Gần 100 người mẫu với hàng trăm chiếc áo bà ba tung bay trên sân khấu, nền nã và bản sắc. Ban Tổ chức đêm dạ hội đã khéo léo kể lại hành trình của chiếc áo bà ba. Mặc áo bà ba màu đất, rộng rãi với cây phảng hay cây dầm vác trên vai làm nên hình ảnh người khẩn hoang phương Nam. Rồi áo bà ba sẫm màu, khăn rằn của các chị, các mẹ vượt sông, qua cầu, len rừng trong thời chiến gợi nhớ một thời “gian lao mà anh dũng”.

Và hôm nay, áo bà ba rực rỡ màu sắc, đa dạng phong cách: cổ lá trầu, cổ thuyền, chít eo, phom rộng… khiến người xem thích thú. Áo bà ba không còn là chiếc áo của người dân quê, của thời quá khứ mà giờ nghiễm nhiên trở thành một trang phục được các người mẫu tự tin trình diễn trên sân khấu. Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Công ty Tây Đô Model - đơn vị thực hiện chương trình, cho biết: Đây là chương trình mà ông đặt nhiều tâm huyết. Các người mẫu tham gia có người từng đoạt giải cao ở các cuộc thi nhan sắc, có người là học sinh, sinh viên, thậm chí có rất nhiều bé trai, bé gái chừng 7-8 tuổi… Họ đều khoác áo bà ba và kể câu chuyện áo bà ba. “Điều đó để minh chứng cho tính phổ biến và khả dụng của chiếc áo truyền thống Nam bộ”, ông Phú nói. Đặc biệt, song song với phần trình diễn của thí sinh là lời bình về ý nghĩa của áo bà ba qua thời gian, giúp người xem hiểu hơn về chiếc áo mang đậm bản sắc văn hóa người dân Nam bộ.

“Áo bà ba được du nhập vào khoảng cuối thế kỷ XIX, Bà-ba là người Hoa lai người Mã-lai, ở Malaysia, ở Singapore. Vải đen được nhập cảng, khá tốt, người Nam bộ thích mặc kiểu áo của người Bà-ba (nên gọi áo Bà-ba), với vải đen, lần hồi thành quen”. Nhà văn Sơn Nam nêu nguồn gốc áo bà ba trong cuốn “Nghi thức và Lễ bái của người Việt Nam” (NXB Trẻ, 1997, trang 10-11).

Tại Lễ hội năm nay, Vũ đoàn Hồng Anh (TP Cần Thơ) cũng có gian hàng trưng bày và cho thuê áo bà ba để phục vụ khách tham quan. Rất nhiều bạn trẻ đã hào hứng ướm thử chiếc áo quê hương để chụp ảnh, trẩy hội như kiểu tìm về “hương xưa”. Em Nguyễn Hoàng Trâm Anh, ngụ quận Ninh Kiều, nói: “Đây là lần đầu tiên em mặc áo bà ba, thấy lạ nhưng đẹp lắm!”. Ngoài ra, để thể hiện bản sắc phương Nam, phụ nữ và cả nam giới, ở các gian hàng trình diễn và bán bánh, hầu hết đều chọn trang phục áo bà bà. Chiếc áo quê hương nhờ vậy mà được tôn vinh rất nhiều.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2019, cho biết: Dạ hội “Đẹp mãi áo bà ba” nhằm mục đích tôn vinh chiếc áo làm nên bản sắc người Nam bộ. Qua đó, ban tổ chức kỳ vọng sự kiện này sẽ được mở rộng quy mô, tổ chức định kỳ để vẻ đẹp chiếc áo bà ba được lan tỏa. Như cách làm TP Hồ Chí Minh đã làm được với chiếc áo dài qua sự kiện Lễ hội Áo dài.

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của chiếc áo bà ba. Có người cho rằng là sự cách tân của những kiểu áo có ở miền Bắc nước ta từ trước. Lại có người cho rằng, đó là sự cải biên từ trang phục của người Chăm, người Hoa… Cũng có người đồng tình với giả thuyết áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XIX, được nhà bác học Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Penang (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt… Nhưng có thể khẳng định rằng, dù ra đời từ đâu và lúc nào, thì hiện tại áo bà ba đã là một trang phục riêng và mang bản sắc của người Nam bộ, không pha lẫn. Tài hoa và thẩm mỹ của người phương Nam đã sáng tạo nên một kiểu trang phục riêng cho mình. Để bây giờ, chiếc áo bà ba sao gọi là cổ lá trầu, sao là cổ trái tim; sao là trôn lá hẹ, sao gọi là tay ráp lăng… là cả một câu chuyện văn hóa kể hoài không hết.

Từ đêm dạ hội “Đẹp mãi áo bà ba”, kỳ vọng về một Lễ hội Áo bà ba đậm bản sắc phương Nam sẽ được hiện thực hóa trong tương lai. Khi đó, không chỉ là người mẫu trình diễn mà những người thợ may khéo léo đường kim mối chỉ làm nên áo bà ba cũng được vinh danh xứng đáng.


Nguồn: Báo Cần Thơ


275f8dd8-339c-49db-bbfe-6941d27eee59

Tiêu đề bài viết: Duyên dáng áo bà ba . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français