Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế
Ngày đăng: 24/11/2022

Lượt xem:


Trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2022, chiều 24/11, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo "Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế".
Tọa đàm Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế

Hội thảo với mục tiêu tìm ra giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu bền vững theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến, xử lý được bài toán được mùa mất giá và tạo lợi thế vùng trồng diện tích lớn để nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, thời gian qua, Cần Thơ và nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tận dụng những lợi thế để đưa ra chính sách xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhiều vùng nguyên liệu đã dần hình thành. Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu chưa được tổ chức và quản trị tốt, hạ tầng chưa đảm bảo, thiếu thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, hàng hóa liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu. Việc hình thành và phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn là rất cần thiết có ý nghĩa đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong bối cảnh Hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp hiện nay.

Theo Báo cáo kinh tế thường niên về Đồng bằng sông Cửu Long của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến là vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào, trụ cột kinh tế chính đến từ ngành nông nghiệp. Nhưng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những thách thức lớn bởi biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm, thiếu hụt lao động do di cư, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, Logistics còn manh mún… trong khi đó các ngành công nghiệp chủ lực là công nghiệp chế biến phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu.

Cũng theo ông Hồng, việc xây dựng vùng nguyên liệu sản phẩm nông sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, các nhà vận chuyển, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ là một hướng đi mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong sáu nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2022.

Trung tâm bao gồm sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản mang tính dẫn dắt, định hướng công nghệ, thúc đẩy sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng, định vị thương hiệu, quảng bá, tiếp thị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, khai thác những lợi thế từ nền kinh tế số, mạng xã hội và phương tiện truyền thông khác, tích hợp đa phương thức vận tải...để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ” sẽ được hình thành.

Trung tâm có chức năng nghiên cứu, phát triển, hội tụ các giải pháp công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và chuyển giao cho các đơn vị sản xuất ở các phân khu, là một công trình biểu tượng khoa học công nghệ của Đồng bằng sông Cửu Long, gồm nhà máy, doanh nghiệp chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, hoạt động theo cơ chế thông minh hóa, làm ra những sản phẩm tinh chế nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành lúa gạo, rau quả, thủy sản.

Tham luận tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu và các Hiệp hội Lương thực, thực phẩm các tỉnh thành đều khẳng định, xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết vùng đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là việc hình thành nên những vùng nguyên liệu lớn đáp ứng được những yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua việc hình thành những vùng nguyên liệu như đã đề cập còn những rào cản nhất định, cần phải được tháo gỡ để nâng cao hơn nữa giá trị hàng hóa nông sản. Cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu bền vững đạt chuẩn, các diễn giả còn tập trung đề cập đến vai trò của Logistics trong chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Trần Trí Dũng, Phó Viện trưởng Viện Quản trị Logistics toàn cầu thì Logictics có nhiều chức năng chứ không đơn thuần chỉ là vận chuyển, dự trữ hay xếp dỡ hàng hóa, trong đó công tác quản trị và dự báo nhu cầu về năng lực cung ứng phải đặt lên hàng đầu. Ngoài ra khi có được vùng nguyên liệu bền vững thì vấn đề liên kết vùng, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cũng rất quan trọng.

Với những giải pháp mà các doanh nghiệp, chuyên gia đưa ra tại hội thảo cùng với việc hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ, thời gian tới Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xây dựng được những vùng nguyên liệu nông sản đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế.


Phương Thảo


169a6c75-c5ac-4fb8-920e-dd42fb5659b6

Tiêu đề bài viết: Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Phương Thảo.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang