Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Trên 800 tuyến đường và công trình công cộng được đặt tên
Ngày đăng: 28/08/2020

Lượt xem:


Ngày 28/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 1500.

Theo bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án 1500 (Đề án đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020), Hội đồng tư vấn thành phố đã phối hợp tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành 16 Nghị quyết về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng theo thẩm quyền, đặt tên 159 tuyến đường và 14 công trình công cộng, đổi tên 2 tuyến đường và 2 công trình công cộng; nâng tổng số tuyến đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố được đặt tên theo 4 loại tên: địa danh, mỹ từ, sự kiện, danh nhân hiện nay là 293 đường và 510 công trình công cộng.

Đồng thời, qua rà soát, hiện trên địa bàn thành phố còn khoảng 350 tuyến đường chưa đủ điều kiện đặt tên, đổi tên. Theo bà Thúy, đa số các tuyến đường này thuộc các dự án khu dân cư, khu đô thị mới, do chủ đầu tư dự án chưa xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch đô thị, chưa bàn giao đưa vào sử dụng ổn định; một số tuyến đường đã có tên tạm gọi quen thuộc gắn bó với lịch sử - văn hóa địa phương, ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ nên UBND quận, huyện chưa đề xuất đổi tên.

Phong phú ngân hàng tên đường và công trình công cộng

Cũng theo bà Thúy, thời gian qua cơ sở dữ liệu ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ được thiết lập trên môi trường mạng internet, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc quảng bá, tra cứu và phối hợp tham mưu thực hiện công tác đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố.

“Đến nay, cơ sở dữ liệu ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố có tổng cộng 691 tên, gồm: 380 danh nhân, 144 danh nhân địa phương, 44 nhân vật lịch sử, 70 địa danh, 15 mỹ từ, 38 sự kiện. Trong đó, đã sử dụng 253 tên, gồm: 140 danh nhân, 79 danh nhân địa phương, 02 nhân vật lịch sử, 19 địa danh, 03 mỹ từ, 10 sự kiện; còn lại, chưa sử dụng 438 tên, gồm: 240 danh nhân chung, 65 danh nhân địa phương, 42 nhân vật lịch sử, 51 địa danh, 12 mỹ từ, 28 sự kiện”, bà Thúy thông tin thêm.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Trần Văn Nam - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ - nêu quan điểm trong quá trình phát triển ngân hàng tên đường và địa danh công cộng nên mở rộng phạm vi địa lý và chiều dài lịch sử, không bó hẹp ở phạm vi vùng miền. Theo Tiến sĩ Nam, thành phố Cần Thơ hiện nay là thành phố của đồng bằng, nếu gói gọn nhân vật của địa phương thì tính giáo dục sẽ không thể hiện rõ.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, nên mở rộng phạm vi địa lý và chiều dài lịch sử trong việc phát triển ngân hàng tên đường và địa danh công cộng.

Trong khi đó, theo soạn giả Nhâm Hùng, hiện nay cơ cấu, mặt bằng tên đường phố ở Cần Thơ còn mất cân đối giữa 4 nhóm: địa danh, mỹ từ, sự kiện, danh nhân; việc đặt tên đường ở các quận, huyện xa nội thành còn chậm; nhiều tuyến đường được đặt tên nhưng công chúng chưa hiểu hết nội dung, ý nghĩa, nhất là những tên đường mới. Theo ông Hùng, việc đặt, đổi tên đường phố vừa là khoa học cũng vừa là nghệ thuật. “Nếu nói địa danh như tấm bia lịch sử thì tên đường phố có thể ví như tấm gương sáng, đẹp để mọi người săm soi, học tập, ghi nhớ và tự hào. Bởi ta tiến hành đặt, đổi tên đường không chỉ cho hiện tại mà cả mai sau. Trong khi đó, thành phố Cần Thơ được mệnh danh Tây Đô, trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang ra sức mời gọi các nhà đầu tư, du khách trong ngoài nước; đang hướng tới “đô thị văn minh, sinh thái mang bản sắc sông nước miệt vườn”. Do vậy, công tác đặt tên đường cũng phải vươn lên xứng tầm, ngày càng hoàn thiện hơn”, ông Hùng nói.

Sớm hoàn thiện Quy chế đặt đổi tên đường và công trình công cộng

Tại hội nghị, soạn giả Nhâm Hùng hiến kế nên đặt mới hoặc tái đặt tên hay đổi lại tên các sự kiện, mỹ từ, danh nhân có tầm vóc lịch sử quốc gia, dân tộc; quan tâm xem xét đặt tên các nhân vật lịch sử có công mở đất Nam Bộ như: Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Hoàng; mạnh dạn đặt tên các nhân vật lịch sử đặc biệt như: Đinh Sâm, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp đầu tiên ở Cần Thơ (1868) đã được sách “Cần Thơ xưa”, “Địa Chỉ Cần Thơ”, “Địa Chí Đồng Tháp” ghi nhận. Bên cạnh đó, cần bổ sung vào dữ liệu ngân hàng tên đường Cần Thơ qua lịch sử, văn hóa mở đất các nội dung: Địa danh dân gian, sự kiện, mỹ từ và nhân vật văn hóa để cân đối với nguồn danh nhân, sự kiện lịch sử cách mạng kháng chiến. Ngoài ra, trong Hội đồng tư vấn, ngoài cơ cấu ngành chức năng, đoàn thể rất cần có thêm các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa để đảm bảo về phương pháp, chính xác, chặt chẽ về nội dung…

Ông Đinh Trung Trực, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ, đề xuất cần có bản đồ tên đường để người dân thuận tiện trong việc tra cứu, đồng thời đây cũng là cơ sở để việc đặt, đổi tên đường giữa các quận, huyện không trùng lắp nhau...

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND thành phố - cho rằng việc đặt, đổi tên đường và công trình công cộng ngoài việc phục vụ phát triển đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống trong mọi hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc của người dân thành phố.

Ông Hiển đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổ tư vấn ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu, sớm tham mưu trình UBND thành phố Quyết định ban hành Quy chế về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng và các chương trình, kế hoạch sắp tới cho phù hợp. Cùng với đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn thành viên Hội đồng tư vấn thành phố, Tổ thư ký của Hội đồng tư vấn thành phố và Tổ tư vấn quận, huyện; phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên và hiệu quả hoạt động của các tổ chức này. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật, bổ sung tên vào cơ sở dữ liệu ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố; trong đó, ưu tiên chọn địa danh nổi tiếng, sự kiện lịch sử - văn hóa, danh nhân tiêu biểu của địa phương.

Tại hội nghị, UBND thành phố đã tặng bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 1500.


Thanh Xuân


ae745dfe-9974-47ff-9e53-8444cebe5894

Tiêu đề bài viết: Trên 800 tuyến đường và công trình công cộng được đặt tên. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thanh Xuân.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang