
Tham dự hội nghị có ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Trịnh Minh Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ; ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố; ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy; ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, các trường đại học, doanh nghiệp và đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn. Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến đến 9 điểm cầu tại các quận, huyện trong thành phố.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy - đã triển khai Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 14/4/2025 của Ban Chỉ đạo thành phố về thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số”. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 83-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, nhằm phổ cập tri thức số, kỹ năng số cho toàn dân.
Quang cảnh các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã được nghe chuyên đề do ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - trình bày, nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa chiến lược của Phong trào “Bình dân học vụ số” trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - cũng giới thiệu Khung kiến thức, kỹ năng số và Nền tảng “Bình dân học vụ số” do thành phố xây dựng và vận hành.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên khẳng định: Phong trào “Bình dân học vụ số” là một nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng số cho mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người lao động, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số và người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Để phong trào triển khai hiệu quả và lan tỏa rộng khắp, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp trọng tâm đó là:
Huy động sức mạnh toàn dân: Cả hệ thống chính trị, các cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân cần vào cuộc mạnh mẽ, đưa phong trào trở thành một cuộc vận động toàn dân học tập kỹ năng số.
Phát huy các nguồn lực: Tận dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tăng cường tuyên truyền: Đa dạng hóa hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số và kỹ năng số.
Tổ chức học tập linh hoạt: Phát triển các nền tảng học tập trực tuyến, tổ chức lớp học trực tiếp phù hợp với từng nhóm đối tượng, đồng thời đẩy mạnh vai trò của các Tổ công nghệ số cộng đồng.
Hỗ trợ các nhóm yếu thế: Đặc biệt quan tâm đến người cao tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số qua các mô hình như “Gia đình số”, “Chợ số - Nông thôn số”, “Tổ công nghệ số cộng đồng”...
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.
Theo kế hoạch, trong năm 2025, thành phố Cần Thơ đặt mục tiêu có 996.000 người trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt trình độ phổ cập kỹ năng số trên nền tảng VNeID. Đến năm 2026, 100% người dân trưởng thành trên địa bàn thành phố sẽ có kiến thức cơ bản về chuyển đổi số và kỹ năng ứng dụng công nghệ trong đời sống.
Phong trào “Bình dân học vụ số” được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ để hình thành một cộng đồng số phát triển bền vững, góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành đô thị thông minh, hiện đại, văn minh và tiên phong trong chuyển đổi số tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phương Thảo