Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Giáo dục và đào tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có bước tiến bứt phá
Ngày đăng: 28/02/2023

Lượt xem:


Sáng 27/2, tại TP Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 13 tỉnh, thành và các trường đại học, Sở GD&ĐT vùng ĐBSCL. Tham dự về phía TP Cần Thơ có ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ; ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Quang cảnh hội nghị

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm tới việc phát triển vùng, đề ra đường lối, chủ trương và giải pháp phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng trong sự phát triển chung của đất nước. Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết để phát triển 6 vùng; trong đó Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có ý nghĩa hết sức to lớn trong khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL với vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Chính vì vậy, Hội nghị này được tổ chức nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển GD&ĐT của vùng, qua đó góp phần quan trọng để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Đó là đến năm 2030, 75% các cơ sở giáo dục mầm non, 70% các cơ sở giáo dục bậc tiểu học, 80% các cơ sở giáo dục bậc trung học cơ sở và 90% các cở sở giáo dục bậc trung học phổ thông đạt chuẩn; phát triển mạng lưới trường đại học và mở rộng các trường cao đẳng, dạy nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên đầu tư, phát triển các trường đại học, cao đẳng chất lượng cao, đa ngành, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp; chú trọng các ngành khoa học về y tế, kỹ thuật, công nghệ và kinh tế số; phát triển TP Cần Thơ thành trung tâm giáo dục - đào tạo cấp quốc gia và vùng…

Theo Bộ GD&ĐT, hệ thống giáo dục đào tạo của vùng ĐBSCL tiếp tục ổn định và phát triển về quy mô mạng lưới trường, lớp, số học sinh/sinh viên từ mầm non đến đại học, được rà soát, sắp xếp theo hướng phù hợp với nhu cầu xã hội về ngành nghề và đa dạng về loại hình. Các ngành học, bậc học được giữ vững và phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng. Chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) được đảm bảo, quan tâm bên cạnh việc đầu tư cho giáo dục chất lượng cao. Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và nâng cao sau từng năm.

Điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục tiệm cận với mức trung bình chung của cả nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, vùng ĐBSCL vẫn có một số chỉ số về GD&ĐT đạt mức trung bình và trên trung bình so với cả nước. Số lượng các cơ sở giáo dục được kiểm định ngày càng tăng. Từ việc chỉ có trường Đại học Cần Thơ vào những năm đầu thế kỷ 21, hiện nay 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường đại học. Tại các tỉnh còn lại đều có phân hiệu của các trường đại học hoặc có chủ trương đầu tư. 

Kết quả cho thấy, các tỉnh/thành phố triển khai thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách phát triển GD&ĐT do Trung ương quy định. Ngành giáo dục luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh, huyện đến cơ sở; cụ thể hóa để triển khai thực hiện phù hợp với thực tế địa phương và thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển GD&ĐT giai đoạn 2011 - 2020.

Quy mô mạng lưới trường, lớp được rà soát, sắp xếp ngày càng hợp lý, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút được nhiều nhà đầu tư thành lập trường đại học tại các tỉnh trong khu vực với 6/17 trường và 2/4 phân hiệu. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường, bảo đảm cơ bản cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019 cao hơn chỉ tiêu năm 2025 của Chính phủ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm nâng cao chất lượng cơ bản đáp ứng về yêu cầu công việc.

Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục có bước chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn được duy trì và có chuyển biến, thu hẹp dần khoảng cách với các địa phương trong cả nước và khu vực ĐBSCL. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển GD&ĐT giai đoạn 2011 - 2020 về tiếp cận giáo dục; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cấp học, bậc học tại địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới. Nhiều chỉ số tăng mạnh so với giai đoạn trước, tiệm cận và đạt trên mức trung bình chung của toàn quốc, thể hiện nỗ lực khắc phục những hạn chế, khó khăn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục của vùng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: việc huy động trẻ đến trường còn thấp; tỷ lệ huy động học sinh các cấp học phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước; số trường ở các cấp học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia cũng còn thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước; mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên chưa phủ kín ở các địa bàn; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tuy được quan tâm đầu tư nhưng chỉ mới đáp ứng yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tỷ lệ phòng học xuống cấp còn cao; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp; vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cơ sở giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông…

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu

Tại Hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, trong những năm qua, mạng lưới trường lớp từ mầm non đến đại học ở TP Cần Thơ được sắp xếp phù hợp và phát triển cả về quy mô, ngành nghề, đa dạng về loại hình giáo dục, đào tạo. Việc đầu tư ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp GD&ĐT ngày càng tăng; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được đầu tư hoàn chỉnh theo hướng đạt chuẩn, tiên tiến; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 76,06%; công tác bồi dưỡng, đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp học, bậc học đạt cơ bản, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; phổ cập giáo dục ở các cấp học đạt được nhiều kết quả tích cực…

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trong thời gian tới, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, TP Cần Thơ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả để thu hút nhiều nhất nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; mở rộng mạng lưới, phát triển giáo dục các cấp học, bậc học theo hướng đa dạng hóa loại hình đạt chuẩn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; tiếp tục bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân thành phố và vùng ĐBSCL; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT; tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong nước, từng bước tiếp cận các chuẩn kiểm định chất lượng khu vực và thế giới; mở rộng quan hệ, tích cực hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực; tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; rà soát nhu cầu xã hội để điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo sát với thực tiễn nguồn nhân lực trong vùng và đáp ứng nhu cầu học tập cho người học, các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương, đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài và phát triển khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố và vùng ĐBSCL.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung bàn luận và đưa ra các giải pháp hiệu quả xoay quanh một số vấn đề như: quy hoạch vấn mạng lưới trường, lớp học và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; vấn đề bảo đảm đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông mới; vấn đề về chế độ, chính sách cho người học và người dạy; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh trong vùng;…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận tại hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá GD&ĐT vùng ĐBSCL trong 10 năm qua đã có bước tiến bứt phá với nhiều kết quả quan trọng. Xét về chất lượng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của vùng ĐBSCL xếp thứ 2/6 vùng của cả nước dù gặp nhiều khó khăn, cho thấy giáo dục vùng không còn là vùng trũng giáo dục nữa mà đã vươn lên bằng với mức bình quân chung của cả nước, trong đó có một số mặt vượt trội hơn.

Bộ trưởng lưu ý việc cấp bách trước nhất là kiên cố hóa trường lớp, đầu tư trang thiết bị, phòng học bộ môn. Về vấn đề quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường học cần xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng thể, phương án phù hợp với khu vực địa hình sông nước như ĐBSCL. Khi xây dựng trường học, cần xem xét chọn những mẫu trường học phù hợp với địa hình, điều kiện tự nhiên, hướng đến mô hình trường học gần gũi với thiên nhiên.

Đối với ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định phải đặt mục tiêu nâng cao mặt bằng dân trí là một yêu cầu đặc thù. Việc nâng cao dân trí được xem là việc quan trọng, sau đó mới xét đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao song song với phát triển hệ thống các trường đại học và tăng tỷ lệ học đại học. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương tập trung phối hợp với Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành để đề xuất chính sách đầu tư, có các giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế và bày tỏ tin tưởng toàn vùng ĐBSCL sẽ đưa GD&ĐT cùng phát triển với tốc độ tốt hơn trong thời gian tới.


Kim Xuyến


f88bc091-cc9d-49a3-95b0-cff4ef315e31

Tiêu đề bài viết: Giáo dục và đào tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có bước tiến bứt phá . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Kim Xuyến.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang