Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Những lão nông hiến tạng cứu người
Ngày đăng: 24/10/2019

Lượt xem:


Ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ không ai còn lạ lẫm với những lão nông đôn hậu, suốt cả cuộc đời gắn liền với công việc làm thiện nguyện. Không chỉ cống hiến cho xã hội lúc còn khỏe, các ông còn muốn giúp đỡ mọi người kể cả khi đã mất. Mới đây có gần 20 người vừa làm thủ tục tình nguyện hiến tạng cho y học. Hành động, nghĩa cử cao đẹp đó đã góp phần làm thay đổi nhận thức của nhiều người và tăng số người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời…
Từ phải qua các ông: Đỗ Văn Quản, Đặng Văn Giỏi, Ông Văn Thích là 3 trong tổng số gần 20 người ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đăng ký hiến tạng cho y học

Nhiều năm qua, các ông Đỗ Văn Quản, Trần Văn Tiết, Đặng Văn Giỏi, Nguyễn Văn Tác và nhiều người khác cùng ngụ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ tích cực đóng góp cho các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội tại địa phương. Vận động nhiều nhà hảo tâm đóng góp trang bị bốn chiếc xe chuyển bệnh miễn phí bất kể ngày đêm; xây dựng trên 20 căn nhà tình thương cho người nghèo; giúp đỡ tiền, quà để hàng chục học sinh không bỏ học giữa chừng; xây dựng hàng chục cây cầu, hàng trăm km đường giao thông nông thôn...

Hành động sống đẹp của những lão nông không chỉ có thế!

Ông Đỗ Văn Quản – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ có nguyện vọng hiến tạng cho y học từ mấy năm nay. Sau thời gian vận động, thuyết phục gia đình đồng thuận, ông Quản đã làm hồ sơ đăng ký hiến tạng tại bệnh viện Chợ Rẫy – TP Hồ Chí Minh. Ông Quản còn chia sẻ thêm, không chỉ mỗi mình ông có suy nghĩ và đi làm công việc này. “Ở xã tôi, hiến tạng có thẻ được 11 trường hợp, còn sau này có thêm 5-6 hồ sơ đăng ký, tổng cộng khoảng 17 người. Bây giờ có mấy em cháu phát động thêm thì thành ra phong trào ở đây khá mạnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nhiều hơn nữa chứ  không phải bấy nhiêu!”

Có được kết quả đó không phải dễ dàng, nhất là ở một vùng quê như Trung Hưng. Nhận thức của người dân về việc hiến tạng sau khi qua đời còn nhiều hạn chế, không phải ai cũng có thể bước qua ranh giới và định kiến để làm được điều này. Đa phần khi chết, người ta luôn mong được toàn vẹn, không muốn ai động vào thân thể của mình, không muốn chia sẻ phần thân thể của mình với suy nghĩ “trần sao âm vậy”. Nhưng nhận thức được ý nghĩa việc làm của mình là đem lại cơ hội sống cho những người khác, nhiều người dân ở Trung Hưng quyết định đăng ký hiến tạng, người nhỏ nhất cũng trên 35 tuổi, người cao tuổi nhất đã ngoài 70. Chia sẻ về quyết định hiến tạng để cứu người, ông Ông Văn Thích ở ấp Thạnh Lợi, xã Trung Hưng kể: “Mình tự nguyện làm chứ không ai xúi giục hết.

Tôi nói: Thôi giờ cái xác tôi hiến cho khoa học.

Con cái hỏi: Hiến để làm gì?

Tôi bảo: Để cứu người!

Con tôi nói: Cứu người vậy thì tốt!

Thấy mình làm vậy vợ con đều đồng ý và mừng lắm!”

Bên cạnh những gia đình ủng hộ người hiến tạng, còn rất nhiều sự phản đối của vợ, chồng, con cháu… và cả định kiến xã hội làm trở ngại việc thực hiện ý nguyện của người hiến tạng. Tuy vậy, họ vẫn kiên trì giải thích, thuyết phục bằng nhiều câu chuyện nhân văn về hiến ghép tạng và tin rằng “mưa dầm thấm lâu”, dần dần sẽ thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Ông Trần Văn Tiết ở ấp Thạnh Hưng 1, xã Trung Hưng, năm nay đã 72 tuổi, cũng vừa đăng ký hiến tạng chia sẻ: “Hổm rày tôi có bàn với ông Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã này để thành lập đội tình nguyện đi tuyên truyền, vận động bà con hiến tạng. Phải có gia đình, thân nhân, con cháu đồng thuận ký vào cam kết mới được!”

Chính nhờ tấm lòng, hiểu biết và quyết tâm sẽ chuyển giao được những món quà đầy tình người này đến nhiều bệnh nhân, vừa hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng, ông Đặng Văn Giỏi ở ấp Thạnh Qưới 1, xã Trung Hưng trải lòng: “Thí dụ đứa nhỏ khoảng chừng 8-9 tuổi mà bệnh thận. Trong khi đó quả thận của mình còn tốt có thể giúp đỡ cứu cháu. Biết đâu sau này đứa nhỏ lớn lên là nhân tài của đất nước, góp phần phát triển kinh tế, làm cho đất nước giàu lên, cường thịnh hơn. Đó là việc nên làm!”

Nghe mấy lão nông nói chuyện mà thương. Cả đời làm việc thiện, ngay cả đến tuổi xế chiều vẫn muốn được giúp đỡ mọi người. Thế mới cảm nhận sâu sắc câu nói: “Mặt trời lặn không có nghĩa là mất, người ra đi gieo mầm sống cho đời”…


Trọng Nghĩa


Các tin khác:
Thanh niên đam mê sản xuất lúa hữu cơ  (24/05/2019)
“Bếp ăn tình thương” ấm lòng học sinh  (22/05/2019)
Khởi nghiệp với hoa hồng  (07/05/2019)
Mô hình trồng khóm MD2  (03/05/2019)
Cà phê chồn sinh học của nữ sinh Cần Thơ  (24/04/2019)

020797d8-e132-4eb5-9bfc-8953a701295d

Tiêu đề bài viết: Những lão nông hiến tạng cứu người. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Trọng Nghĩa.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang