Năm 2025, thành phố Cần Thơ có 1.788 thanh niên (1.350 bộ đội xuất ngũ, 438 công an xuất ngũ) có hộ khẩu tại Cần Thơ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. Tổng kinh phí thực hiện là 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Mỗi thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an đáp ứng điều kiện: Có nhu cầu học nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ khi hoàn thành nghĩa vụ; Chưa được hưởng hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách khác sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được cấp Thẻ đào tạo nghề để tham gia các khóa đào tạo trình độ sơ cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn 30.000 đồng/ngày thực học và tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học (nếu ở xa từ 15km trở lên). Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của Thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ 3 tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế; Trong thời gian đào tạo nghề, nếu Thanh niên thôi học (không tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp) thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập biên bản hoặc ban hành quyết định thôi học và được quyết toán chi phí hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ tiền ăn kể từ ngày khai giảng đến ngày thanh niên đó thôi học.
Cùng với việc đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm sau đào tạo. UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính cùng các sở, ngành, quận, huyện phối hợp triển khai hiệu quả kế hoạch này. Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị đầu mối tổng hợp, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện. Việc triển khai hiệu quả kế hoạch này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với thanh niên sau nghĩa vụ, mà còn góp phần phát triển nguồn nhân lực, ổn định xã hội và xây dựng thành phố Cần Thơ ngày càng phát triển.
Ánh Nguyên