Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Công an thành phố, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Cần Thơ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, UBND quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục chỉ đạo thực hiện, phối hợp thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 21/CT- TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 01/7/2020 của UBND thành phố; đồng thời, nghiên cứu, thực hiện các đề xuất, kiến nghị, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và có giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.
Trước đó, Bộ Công an đã tiến hành sơ kết năm thứ tư thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ Công an cho biết qua 04 năm thực hiện Chỉ thị 21/CT-TTg, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Riêng năm thứ tư, toàn quốc phát hiện 8.192 vụ án, liên quan đến 5.513 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tài sản bị chiếm đoạt trị giá 16.260 tỷ đồng; so với năm thứ ba, tăng 3.671 vụ = 80%, tăng 1.906 đối tượng = 52,84%. Tội phạm lừa đảo truyền thống xảy ra 3.457 vụ, chiếm tỷ lệ 42,2%; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, xảy ra 4.735 vụ, chiếm tỷ lệ 57,8%, nổi lên là tình trạng các đối tượng người Việt Nam ra nước ngoài (chủ yếu là Campuchia, Lào, Philippins,...), cấu kết với các đối tượng người nước ngoài lừa đảo với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có vụ số tiền bị chiếm đoạt đặc biệt lớn; trong lĩnh vực kinh tế, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 500 vụ, 379 bị can, giảm 12% số vụ so với thời gian liền kề.
Dự báo tình hình thời gian tới, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi và đẩy mạnh sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ; cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đất nước thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số), giao dịch trực tuyến ngày càng chiếm tỷ lệ cao, người dân sử dụng không gian mạng ngày càng phổ biến, trong khi năng lực tiếp cận kinh tế số của nước ta còn hạn chế, các yếu tố nền tảng, như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ còn thấp; cùng với đó là hoạt động giao thương kinh tế quốc tế sẽ ngày càng đẩy mạnh, công dân Việt Nam ra nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, đầu tư, kinh doanh, làm việc... sẽ ngày càng tăng, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, hoạt động xuyên quốc gia, có sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước... đòi hỏi các cấp, các ngành đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị để có giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trong Báo cáo của Bộ Công an.
Tấn Thuận