Khoa học và Công nghệ


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Đầu tư hợp lý, đáp ứng sát sườn thực tiễn sản xuất
Ngày đăng: 31/07/2018

Lượt xem:


Sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đã và đang đối mặt với nhiều thách thức: biến đổi khí hậu, suy thoái đất đai, ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cao để giải quyết các vấn đề nói trên là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để chủ trương này đi vào thực tiễn, Nhà nước, doanh nghiệp lẫn nông dân cần có sự đầu tư, hỗ trợ hợp lý và đúng đối tượng mới có thể tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường và mang lại lợi nhuận cao nhất.

Bất cập

Thời gian qua, phát triển nông nghiệp (NN) công nghệ cao (CNC) được Chính phủ hỗ trợ, khuyến khích thông qua các chính sách: tài trợ toàn bộ chi phí cho các dự án nghiên cứu CNC; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng CNC trong NN và hình thành các doanh nghiệp, khu, vùng NN CNC; doanh nghiệp hoạt động trong khu NN ứng dụng CNC hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu...)... Mặt khác, Việt Nam có thể thừa hưởng thành tựu, công nghệ mới từ nền NN CNC của thế giới như: công nghệ số, công nghệ sinh học, robot, vật liệu mới, năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, thực tế phát triển NN CNC ở nước ta vẫn tồn tại nhiều bất cập. Đến nay, cả nước có 11 khu NN CNC và nhiều vùng sản xuất ứng dụng CNC (cà phê, thanh long, rau, quả, bò sữa, thịt heo, tôm…); 28 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp NN ứng dụng CNC, chiếm chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp NN.

Trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ

Ông Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết: “Giai đoạn 2006-2010, hàm lượng ứng dụng CNC trong sản phẩm công nghiệp chế biến của nước ta là 10,1% và công nghệ thấp là 67,1%. Tỷ lệ này ở Thái Lan là 22,7% và 16,1% , Trung Quốc là 29,9% và 33,3%... Đây là những con số báo động, ảnh hưởng rất lớn đến cạnh tranh của nông sản Việt ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Đó là chưa kể, việc ứng dụng CNC vào thực tế sản xuất NN nước ta còn vấp phải nhiều vấn đề như: tín dụng phục vụ phát triển NN CNC còn nhiều thủ tục phức tạp, yêu cầu thế chấp cứng nhắc, đối tượng hưởng lợi kém linh hoạt; thị trường khoa học công nghệ chưa được vận hành; thực thi quyền sở hữu trí tuệ kém; nguồn lực phục vụ phát triển hạ tầng CNC còn yếu…”.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ NN CNC chưa được nông dân, doanh nghiệp mặn mà đầu tư là do “đầu ra” của sản phẩm chưa được thông suốt, lợi nhuận mang lại chưa thỏa đáng. Theo ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau, chủ trương ứng dụng CNC trong NN là hoàn toàn đúng đắn. Nông dân, doanh nghiệp nước ta cũng rất nhạy bén để nắm bắt các công nghệ này và cho ra các sản phẩm chất lượng, an toàn với chi phí thấp. Tuy nhiên, khi có được sản phẩm tốt rồi thì làm sao để tiêu thụ được sản phẩm và đem lại lợi ích xứng đáng cho những nỗ lực bỏ ra là mấu chốt của vấn đề cần phải được giải quyết thấu đáo để phát triển nền NN CNC tại Việt Nam.

Nắm bắt nhu cầu từ thị trường

Tại Hội thảo “Nhu cầu và giải pháp: Các ứng dụng CNC cho NN ĐBSCL Việt Nam” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần nắm bắt nhu cầu từ phía doanh nghiệp và nông dân để có sự hỗ trợ phù hợp, thiết thực nhưng đừng can thiệp quá sâu vào công việc của họ. “Hiện tại, chúng ta có chính sách đầu tư hệ thống tưới tiêu nước tiết kiệm theo hướng Nhà nước đầu tư 70%, nông dân 30%. Tuy nhiên, nếu làm theo quy trình để nhận được hỗ trợ thì vốn đầu tư còn cao hơn so với cách làm thông thường. Như vậy là không hiệu quả! Theo tôi, hãy để nông dân, doanh nghiệp tự tìm kiếm quy trình sản xuất và công nghệ phù hợp với thực tế sản xuất”- ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, nói.

Theo ông Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời, không phải cứ đầu tư lớn là làm NN CNC mà cốt yếu là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn sản xuất với vai trò dẫn dắt từ phía doanh nghiệp. “Nông dân không đủ nguồn lực đầu tư NN CNC và bản thân họ cũng không biết sản phẩm sẽ đi về đâu, yêu cầu tiêu chuẩn thế nào. Do đó, doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường, nắm bắt yêu cầu từ khách hàng từ đó mang công nghệ, máy móc về để nông dân ứng dụng. Làm như vậy thì mới có thể ứng dụng CNC cho những hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ” - ông Dương Văn Chín nêu quan điểm. Ngoài ra, để ứng dụng NN CNC, vấn đề tín dụng rất quan trọng. Do đó, Nhà nước cần ban hành bộ tiêu chí xác định mô hình sản xuất NN CNC đối với hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình để được ưu đãi tín dụng; áp dụng lãi suất thấp hưởng lãi suất thương mại từ 0,5-1,5%; mở rộng tài sản được thế chấp vay vốn bao gồm tài sản hình thành trên đất (trang trại, nhà kính...)...  

Theo ông Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, mô hình ứng dụng CNC của nhiều nước trên thế giới đều đi từ thị trường và đưa ứng dụng CNC vào việc dự báo thị trường. Theo đó, dự báo thị trường được chia ra thành 2 nhóm: thị trường trong nước và quốc tế; thời gian được chia làm 3 mốc: ngắn hạn, trung và dài hạn. “Nếu Việt Nam áp dụng được CNC trong dự báo thị trường để kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu từ trung ương đến địa phương sẽ hình thành hệ thống thông tin minh bạch. Từ đó, tạo được sự yên tâm, đồng thuận trong việc tổ chức sản xuất cũng như tìm đầu ra cho nông sản… Song song đó, Nhà nước cần phát huy vai trò kết nối doanh nghiệp và nông dân để hình thành nên chuỗi sản xuất thông minh từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; xây dựng mô hình Công viên NN tích hợp CNC, Vườn ươm công nghệ…” - ông Đặng Kim Khôi đề xuất.


Báo Cần Thơ


25ccbf5f-f844-44df-a328-0c80927c00af

Tiêu đề bài viết: Đầu tư hợp lý, đáp ứng sát sườn thực tiễn sản xuất . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Báo Cần Thơ.

Giá, phí - Lệ phí

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

CỔNG THÀNH PHẦN

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang