Mục đích của kế hoạch nhằm thiết thực kỷ niệm Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), giáo dục về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng; kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc và tri ân các thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời, thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa dân tộc, thúc đẩy niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.
Lễ hội còn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và giá trị bánh dân gian Nam Bộ nói riêng, góp phần quảng bá bánh dân gian Nam Bộ đến với du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nghệ nhân làm bánh dân gian liên kết, hợp tác, xúc tiến đầu tư, phát triển bánh dân gian trở thành thương hiệu quốc gia, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài. Lễ hội cũng tạo cơ hội để tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước trong việc xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư phát triển các loại ẩm thực, sản phẩm đặc trưng của Nam Bộ.
Bên cạnh đó, lễ hội là dịp để các tỉnh, thành quảng bá hình ảnh đặc sản của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy du lịch phát triển. UBND thành phố yêu cầu các hoạt động trong Lễ hội phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động lễ hội, gắn kết với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chuỗi hoạt động chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các nghệ nhân và doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, phát huy nội lực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia hưởng ứng và phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội.
Các sản phẩm kinh doanh tại Lễ hội cần được niêm yết giá cụ thể, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cấp bao bì, nhãn mác và có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các hoạt động trong Lễ hội phải thiết thực, sáng tạo, hấp dẫn, vui tươi, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn, mang đậm nét văn hóa Nam Bộ; đồng thời, phải đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, và không phô trương hình thức, lãng phí.
Theo Kế hoạch, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ XII năm 2025 với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị Bánh dân gian Nam Bộ" sẽ diễn ra từ ngày 04 đến ngày 08/4/2025 (nhằm ngày 07 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch), dự kiến tổ chức tại Quảng trường quận Bình Thủy. Quy mô gian hàng dự kiến từ 200-250 gian hàng, bao gồm các gian hàng của Ban Tổ chức, bánh dân gian, ẩm thực, du lịch, đặc sản vùng miền, trái cây và cây kiểng các loại.
Về thành phần và đối tượng tham gia, Lễ hội mời các nghệ nhân làm bánh dân gian, ẩm thực đã được công nhận, chứng nhận tại các sự kiện, lễ hội được tổ chức tại các tỉnh, thành; các chủ thể, cơ sở sản xuất sản phẩm quà tặng, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, sản phẩm chế biến từ trái cây, nông sản,… đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Các cá nhân, tổ chức kinh doanh tham gia phải có đủ điều kiện (Giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa,…).
Cơ quan chỉ đạo tổ chức Lễ hội là UBND thành phố Cần Thơ, với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị thực hiện, chủ trì và phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể thành phố, UBND quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
UBND thành phố giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm cơ quan thường trực của Ban Tổ chức Lễ hội, chịu trách nhiệm tham mưu các văn bản liên quan đến lễ hội, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, đồng thời tổng hợp dự toán kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định. Sở sẽ phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định thành lập Ban Tổ chức Lễ hội và các Tiểu ban chuyên môn. Bên cạnh đó, Sở còn tham mưu Chủ tịch UBND thành phố xem xét, tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức lễ hội theo quy định.
Phương Thảo