Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
“Bếp ăn tình thương” ấm lòng học sinh
Ngày đăng: 22/05/2019

Lượt xem:


Là xã vùng ven của thành phố Cần Thơ nhưng xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ có số lượng học sinh rất đông. Tuy nhiên, do điểm trường ít, nhiều học sinh phải học xa nhà hàng chục cây số. Những ngày học 2 buổi, các em phải ở lại trường để kịp học đầu giờ chiều. Thêm vào đó, nhiều học sinh nhà nghèo, không có ăn sáng lại phải ăn uống qua loa nên có khi không đảm bảo sức khỏe. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của học sinh, năm 2006, Hội Chữ Thập đỏ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ đã thành lập Bếp ăn tình thương nhằm san sẻ khó khăn với học sinh và người dân trong xã. Bếp ăn có diện tích khoảng 100m2, kinh phí hoạt động do các nhà hảo tâm đóng góp, người giúp gạo, người giúp rau củ quả… Cứ thế, hơn 10 năm qua, Bếp ăn luôn đỏ lửa làm ấm lòng học sinh vùng sâu, vùng xa…
Bếp ăn tình thương cung cấp mỗi ngày 120 suất cơm cho học sinh.

Buổi trưa, tiếng trống tan trường vang lên, rất nhiều học sinh Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng kéo đến bếp ăn tình thương cách đó chừng vài trăm mét. Đến nơi, từng em chào hỏi, rồi trật tự vào bên trong nhà bếp, lấy các khay thức ăn chứa cơm, canh nóng mang ra bàn. Tuy là các món chay, nhưng bữa cơm luôn đảm bảo dinh dưỡng với 4 món ăn và thực đơn được đổi liên tục trong tuần. Nhiều em còn tới sớm để phụ các bà, các cô lau chùi, sắp xếp bàn ghế. Ăn xong, các em lại trật tự mang khay trả lại nhà bếp... Em Nguyễn Văn Thọ - Học sinh lớp 6A3 Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng chia sẻ: “Nhà em xa trường chừng 5km. Những ngày học 2 buổi, em phải ở lại trường vì không kịp về nhà. Nhờ bạn bè giới thiệu, em biết đến mô hình Bếp ăn tình thương cũng được một năm nay. Bếp ăn rất sạch sẻ, cơm cũng rất ngon”.

Đa số học sinh đến đây đều có hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày đi học các em thường được cha mẹ cho khoảng 5.000 đồng để phòng khi vá xe, nhưng không phải lúc nào cũng có. Những ngày đi học 2 buổi, em nào ở gần thì về nhà ăn cơm, còn phần lớn đều nhà xa nên phải ở lại, ăn cho qua buổi. Đến với Bếp ăn tình thương các em không chỉ được no bụng mà còn có chổ nghỉ ngơi để chuẩn bị cho giờ học buổi chiều. Em Phạm Ngọc Linh – Học sinh lớp 6A7, Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng cho biết thêm: “Sau khi học thể dục xong, em cùng các bạn đến với Bếp ăn tình thương. Các cô chú ở bếp ăn rất thân thiện, nhiệt tình. Đồ ăn ở đây tuy là các món ăn chay nhưng rất ngon. Em được ăn miễn phí nên giúp em tiết kiệm một số tiền cho cha mẹ”.

So với các bạn ở thành phố, học sinh ở nông thôn có phần thiệt thòi và vất vả hơn, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Gia đình của các em phần lớn là làm nông, kinh tế của gia đình phụ thuộc vào mùa vụ. Phụ huynh phải cố gắng tằn tiện lắm mới có thể cho con đến trường đi tìm “cái chữ”.  Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh phải đi làm ăn xa nên không có điều kiện đưa rước con đi học. Vì vậy, Bếp ăn tình thương là một địa chỉ tin cậy để phụ huynh an tâm gửi gắm con em của mình. Chú Võ Văn Đời - Ấp 3, xã Thới Hưng chia sẻ, gia đình của chú cũng có con em đi học ngoài này, thấy bếp ăn tình thương có lợi ích nên nhân dân nhiệt tình ủng hộ, kể cả bản thân chú cũng có đóng góp để giúp các cháu an tâm học tập.

Mỗi ngày bếp ăn tình thương cung cấp khoảng 120 suất cơm trưa cho học sinh. Trước đây, chỉ có các em thuộc diện nghèo trong xã, giờ thì nhà ăn mở rộng thêm cho các em học sinh có gia cảnh khó khăn: như nhà xa trường, gia đình neo đơn, cha mẹ đi làm xa cả ngày... hay những người bán vé số, mua ve chay vẫn có thể ghé ăn miễn phí…

Hiện tại, có 9 tình nguyện viên thay nhau nấu ăn. Nhiều thành viên không chỉ bỏ công mà còn góp thêm củi lửa; vận động mạnh thường quân hỗ trợ mua sắm vật dụng như khay đựng cơm, chén dĩa, muỗng đũa, mỗi người một ít để Bếp ăn luôn được duy trì. Tuy vất vả, nhưng các thành viên đều niềm nở, nhiệt tình. Cô Lê Thị Hằng – Người có 8 năm nấu cơm tại Bếp ăn tình thương bày tỏ: “Từ lâu, cô đã ao ước có thể giúp học sinh nghèo có những bữa cơm no bụng nên cô quyết tâm theo đuổi công việc này. Miễn ngày nào học sinh đi học là mình nấu ngày đó. Dù vất vả nhưng thấy các em đi học đều đặn, cố gắng học tập thì bản thân cũng vui lòng”.

Lan tỏa những tấm lòng nhân ái, nhiều bậc phụ huynh, các tiểu thương ở chợ khi biết đến Bếp ăn tình thương đã sẵn lòng hỗ trợ thêm gạo, rau cải, thực phẩm chay. Các nhà hảo tâm nhiều nơi cũng liên hệ đóng góp: người cho tiền, người góp gia vị, đồ gia dụng… Những đóng góp của họ đều được ghi lại cẩn thận trong sổ sách. Ông Huỳnh Văn Bảy – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thới Hưng chia sẻ: “Về phía nhân dân rất đồng tình ủng hộ vì hoạt động này mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Hướng tới, Hội cũng sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình này”.

Hiện nay, Bếp ăn tình thương không có sẵn nguồn kinh phí hoạt động mà chủ yếu dựa vào sự góp sức, sẻ chia của mọi người. Mong rằng trong thời gian tới, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, những người có tấm lòng vì học sinh hãy luôn là “người bạn đồng hành” để Bếp ăn tình thương luôn được “nổi lửa”. Nhiều học sinh sẽ được tiếp bước trên con đường học vấn và hoàn thành ước mơ hoài bão của mình.


Băng Tâm


Các tin khác:
Hoa đẹp giữa đời thường  (08/03/2021)
Có một Cửa hàng 0 đồng...  (05/01/2021)
Độc đáo sản phẩm gạo tím  (03/11/2020)
Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”  (20/08/2020)
Chuyên gia “Giáo dục sáng tạo”  (19/08/2020)

df6cb8ae-4719-462c-ab04-22937be1ce13

Tiêu đề bài viết: “Bếp ăn tình thương” ấm lòng học sinh. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Băng Tâm.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang