Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn. Chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương phù hợp quy định của pháp luật; ban hành và chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021 - 2025.
Tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương để tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công tại địa phương; lồng ghép, phối hợp các chương trình mục tiêu trên địa bàn để tăng hiệu quả cho hoạt động khuyến công. Chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và liên tục về chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chính sách khuyến công.
Mặt khác, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức khuyến công trên địa bàn theo định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gắn với với yêu cầu nhiệm vụ của ngành Công Thương; có chính sách bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác khuyến công.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm khuyến công tập trung xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương; đồng bộ với các chương trình hỗ trợ về đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nội dung hoạt động, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công đảm bảo đủng đối tượng, mục đích và quy định pháp luật.
Nguyên Trang