
Trong các dịp này người ta ít khi dùng các loại cá, mắm, rắn, rùa, ếch, nhái... mà thường cúng kiến và chiêu đãi bằng các loại thịt gia súc, gia cầm như: heo, gà, vịt, bò, dê, ngỗng... được chế biến ra nhiều món khá cầu kỳ, cộng với các thứ bánh mứt khéo tay, các loại hoa quả phù hợp với ý nghĩa của từng đám tiệc.
Đám cưới nhứt định phải có trầu, cau, rượu, trà và các loại bánh mứt hoa hòe, màu sắc rực rỡ, bên cạnh những món ăn chế biến thật ngon, là sản phẩm khoe tài khéo tay của các cô các chị như: các loại gỏi, chả, vịt tiềm, kim tiền kê... và quan trọng là cái cù lao (lẩu) thập cẩm.
Đám đầy tháng, thôi nôi: ngoài các món ăn mặn phải có chè trôi nước với xôi. - Đám giỗ: với ý nghĩa tôn nghiêm tưởng nhớ người quá cố, nên gia đình nào cũng cố gắng tổ chức tươm tất. Giàu có thể hạ heo, nghèo thì làm gà vịt để nấu các món ăn ngon phổ biến. Ngoài ra, người ta còn cúng thêm món ăn mà lúc sinh thời người thân của gia đình ưa thích.
Đám tang: ở nông thôn, bà con xóm riềng đến giúp rất đông, nên gia đình có tang nào cũng thường làm heo để lo thức ăn, cơm cả ngày cho khách đến viếng và lo cháo khuya với rượu, trà cho những người đi đám thức suốt đêm, ở thành thị, ít có người đến ăn uống tại đám tang. Cơm nước chỉ dùng cho thân nhân trong gia đình.
Tiệc chiêu đãi bao gồm nhiều dạng: lễ ăn mừng sinh nhật, mừng thọ, tân gia, thi cử đỗ đạt... tùy theo ý nghĩa bữa tiệc và khẩu vị chủ nhà mà có cơ cấu món ăn theo kiểu ta, Tàu hay Tây. Ngày xưa, người ta không dùng rùa, rắn, lươn, ếch... nhưng bây giờ thì không còn kiêng ky. Các đám thường có kèm theo quả, bánh ga tô (bánh bông lan, kem).
Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống có nhiều món ăn nhứt. Các món mặn trong nhà người Việt thường có: thịt heo kho hột vịt, tôm kho tàu tôm khô củ kiệu, cháo vịt, gỏi gà, các loại dưa chua: tỏi, hành, cải, giá... Các loại bánh: bánh tét, bánh tráng, bánh phồng, mứt gừng, mứt bí, mứt sen, mứt chà là, bánh men, bánh bông lan, bánh thõng... Các loại trái cây: cam, quít, chuối,. xoài và ứlón nhứt định phải có là dưa hấu với hoa mai.