Điển hình tiên tiến


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Người làm tranh Bác Hồ
Ngày đăng: 06/09/2018

Lượt xem:


Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã đi vào thơ ca hội họa, là nguồn cảm hứng bất tận để các văn nghệ sỹ làm nên những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị tinh thần to lớn. Ở Cần Thơ có một họa sỹ trong nhiều năm vẫn miệt mài đưa hình ảnh Bác Hồ vào trong tác phẩm của mình với niềm kính yêu vô hạn. Ông là Họa sỹ Đỗ Năm - Hội viên Hội Mỹ thuật Cần Thơ. Ông thể hiện các tác phẩm về Người bằng nhiều chất liệu khác nhau nhưng có lẽ tranh làm bằng dây điện thoại là độc đáo nhất và được nhiều người biết đến. Đặc biệt hơn nữa, sáng tác tranh cũng là cách mà người họa sỹ già học tập và noi gương Bác…

Một lần đến Bưu điện Cần Thơ, Họa sỹ Đỗ Năm thấy nhiều đoạn dây cáp điện thoại sử dụng còn thừa, bị bỏ đi. Với con mắt tinh tường của người làm nghệ thuật, nhận thấy trong mỗi đoạn dây có nhiều sợi dây nhỏ với đủ các màu sắc khác nhau, ông nghĩ: dây điện bằng đồng là vật liệu bền chắc, sao không thử cắt nhỏ ra ghép thành tranh, chứ bỏ đi thì uổng quá. Nghĩ thế ông xin vài đoạn dây về bắt tay vào thực hiện. Họa sỹ Đỗ Năm nói thêm: “Sáng tác về Bác, ca ngợi Bác, tôi làm rất nhiều chất liệu, bằng dừa nước, trái măng cụt, dây điện...nhưng tôi thấy dây điện có đủ 9 màu thì thể hiện lãnh tụ rõ ràng hơn, đầy đủ hơn cái thần thái của Bác... nên tôi làm chất liệu đó nhiều”.

Để làm nên một bức tranh hoàn chỉnh, mỗi sợi dây điện được cắt ra từng đoạn nhỏ, kích cỡ chừng bằng hạt gạo sau đó ghép vào bề mặt tranh theo hình khối và màu sắc. Thể hiện hình ảnh giản dị, vĩ đại của Bác Hồ, khó nhất là việc thể hiện thần thái của Người qua ánh mắt, vầng trán, chòm râu, mái tóc... Để làm được điều đó, Họa sỹ Đỗ Năm đã phải sưu tầm, nghiên cứu rất nhiều tranh, ảnh về Bác, đọc thật nhiều bài báo, tác phẩm viết về Người. Từ đó, tạo nguồn cảm hứng, sáng tạo thêm để có được những chi tiết, màu sắc phù hợp với chất liệu mà ông đã chọn. “Cái khó của làm tranh dây điện là mau nào ra màu đó không như sơn có thể điều chỉnh đậm nhạt... Phải phối màu làm sao cho tốt để diễn tả các khối trên khuôn mặt: tai, mũi, miệng...cho rõ, cố gắng thể hiện được thần sắc của Bác...” - Họa sỹ Đỗ Năm chia sẻ.

Tác phẩm đầu tiên là bức tranh “Bác Hồ nghe điện thoại” được trưng bày ở một số nhà truyền thống của các bưu điện: TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hải Phòng…Và sau đó là hàng chục tác phẩm ra đời được nhiều người ngưỡng mộ như: “Bác Hồ - Bác Tôn”, “Bác Hồ thời trai trẻ ở Paris”, “Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng”, “Bác Hồ đi công tác”…

Năm 2006, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bến Nhà Rồng đặt họa sỹ Đỗ Năm thực hiện bộ tranh gồm 31 bức tranh dây điện thoại thể hình ảnh Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh để trưng bày tại bảo tàng. Khi chiêm ngưỡng các tác phẩm này, người xem không chỉ bị hấp dẫn bởi tính độc đáo, kỳ công mà còn cảm nhận được tấm lòng ngưỡng mộ và kính yêu sâu sắc của tác giả dành cho Bác. Nhà văn, Nhà biên kịch Lương Minh Hinh - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật TP Cần Thơ, cũng là người bạn tâm giao của Họa sỹ Đỗ Năm cho biết: “Công trình sáng tạo lớn của Đỗ Năm là vẽ về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hấp dẫn được khán giả ngay từ khi mới khởi ra ý định. Và có lẽ nên chúc mừng Đỗ Năm - người đã kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhờ tình cảm, nhờ sức sáng tạo mà hình ảnh của Bác đến được với mọi người một cách độc đáo và tác giả đã có tác phẩm có sức sống về Người - một trong những đề tài nội dung lớn nhất của sự lớn lao trên dãy đất Việt Nam này...”.

Tác phẩm được công chúng đón nhận là một thành công lớn của tác giả. Nhưng theo Đỗ Năm, điều ông tâm đắc nhất vẫn là việc đã học và làm theo Bác trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình. “Tôi học được tính tiết kiệm của Bác. Tôi sử dụng những chất liệu người ta bỏ đi, ví dụ như dây điện, từng đoạn ngắn không thể sử dụng nữa mà bỏ đi rất phí, vậy mà khi lên tranh không ai biết là đồ bỏ đi vì rất đẹp. Đó là cách tôi học tập Bác…” - Người họa sỹ trải lòng.

Niềm kính yêu sâu sắc dành cho lãnh tụ cùng với tài năng chính là điều làm nên thành công trong sự nghiệp sáng tác của họa sỹ Đỗ Năm. Nhưng đáng trân trọng hơn là cách ông noi gương Bác từ trong suy nghĩ và việc làm. Qua đây cũng cho thấy học tập và làm theo Bác Hồ không cần phải bắt đầu từ những gì quá cao siêu, to tát mà chỉ từ những việc làm nhỏ nhất, gần gũi, thiết thực phù hợp với điều kiện cuộc sống và công việc của mỗi người.

Gần 50 năm ngày Bác đi xa, nhưng hình ảnh Người vẫn sống mãi trong lòng mỗi chúng ta, trong từng việc làm tốt đẹp cho cuộc đời.


Trọng Nghĩa


Các tin khác:
Vườn nho thân gỗ độc nhất miền Tây  (15/07/2019)
40 năm vẽ tranh về Bác Hồ  (02/07/2019)
Tài hoa trên vỏ dừa khô  (17/06/2019)
Giang Anh Đường của Chàng trai 23 tuổi  (11/06/2019)
Nguyện dốc sức phục vụ nhân dân  (06/06/2019)

3c8dd357-83ec-4787-a21b-7b533e520cd1

Tiêu đề bài viết: Người làm tranh Bác Hồ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Trọng Nghĩa.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang