Khi chúng tôi đến trường, chị Thọ đang hướng dẫn hai học sinh cách chuyển trả sách nhặt được cho bạn học cùng trường. Lúc sau, lại có một học sinh khác đến thông báo nhặt được 5 ngàn đồng. Chị hướng dẫn em ghi tên lớp, số tiền nhặt được... Gần một giờ ở phòng truyền thống Trường THCS Trung Nhứt, chúng tôi ghi nhận có khoảng 10 học sinh đến trả lại của rơi sau khi nhặt được, như: tiền, viết, thước, sách, vở… Mỗi lần như vậy, chị Thọ lại tỉ mỉ hướng dẫn các em cách dán thông tin nơi nhặt, thời gian nhặt để có thể trao trả cho người bị mất. "Các học sinh nhặt được của rơi khi mang đến đây đều biết cách để lại các thông tin. Nhưng tôi vẫn thường có mặt ở phòng truyền thống để tiếp nhận, hướng dẫn các em. Tuy các em nhặt được vật giá trị nhỏ, nhưng việc có người tiếp nhận, thể hiện sự quan tâm thì phong trào "Nhặt được của rơi trả lại người mất" thu hút học sinh tham gia nhiều hơn" – chị Thọ chia sẻ.
Tinh thần trách nhiệm của chị Thọ còn thể hiện qua việc quan tâm, theo dõi hoàn cảnh của từng học sinh trong trường. Hiện nay, Trường THCS Trung Nhứt còn hơn 100 em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Vì vậy, chị thường xuyên cập nhật thông tin hoàn cảnh của các em để báo cáo Ban Giám hiệu nhà trường, kịp thời cung cấp thông tin khi có nhà mạnh thường quân muốn giúp đỡ học sinh, khi được xét trao học bổng,...
Lúc mới làm Tổng phụ trách Đội, chị Thọ gặp nhiều khó khăn do chưa có nhiều kỹ năng trong công tác Đội, thiếu kinh nghiệm giáo dục học sinh cá biệt… Chị kiên trì học hỏi từ các đồng nghiệp ở các trường bạn, tự rèn luyện kỹ năng thông qua báo, đài để công tác giáo dục đạo đức, lối sống học sinh ngày càng tốt hơn. Trong đó, chị rất quan tâm giáo dục học sinh cá biệt, thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh. Theo chị Thọ, học sinh cá biệt thường có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, thích tạo sự chú ý của mọi người. Do đó, chị thường tác động đến nhận thức của các em bằng tấm gương nghị lực của bạn bè ở trường, các điển hình trong cuộc sống. Chị Thọ cho biết: "Học sinh cá biệt có đặc điểm là đi học rất sớm và thích tham gia các hoạt động. Vì vậy, tôi thường đến trường sớm để gặp gỡ, trò chuyện, hỏi thăm, động viên các em, đồng thời tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao".
Nhiều học sinh cá biệt khi tham gia vào các hoạt động, phong trào của Đội đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực như em B.M.T, nay là học sinh lớp 10. Mấy năm học ở trường, T. nhiều lần vi phạm nội quy nhà trường. Chị Thọ tìm hiểu hoàn cảnh và giới thiệu T. vào đội múa của trường. Đầu năm học lớp 9, T. đạt giải ở một cuộc thi nhảy hiện đại. Sau đó, T. rất chăm ngoan, không còn vi phạm nội quy của trường.
Với chị Thọ, học sinh cá biệt còn là những em vì gia đình khó khăn nên mặc cảm, sống khép kín, không thiết tha với các hoạt động tập thể ở trường. Đối với những học sinh này, chị khuyến khích các em tham gia những hoạt động, của Đội để ngày càng tự tin, năng động. Em Đinh Văn Nhí, học sinh lớp 10, Trường PTTH Thốt Nốt, kể: "Em khá nhút nhát, ít tham gia các hoạt động tập thể. Cô Thọ đã hướng dẫn em tham gia sinh hoạt Đội và giúp đỡ em rất nhiều trong học tập. Nhờ đó, khi vào lớp 10, em được các bạn bầu làm Bí thư Chi đoàn lớp. Những kiến thức, kỹ năng do cô Thọ truyền thụ trước đây đã giúp em rất nhiều trong công tác Đoàn hiện nay".
"Thời gian qua, điều tôi tâm đắc nhất là những em từng học THCS ở đây khi lên học bậc THPT đã có nhiều kỹ năng hơn, được thầy cô ở đó đánh giá cao. Thỉnh thoảng, các em về thăm trường, cô trò cùng nhau ôn lại những kỹ niệm trong học tập, sinh hoạt, vui chơi ở trường ngày xưa. Tôi rất cảm động vì điều này, đó cũng là động lực để tôi phấn đấu nhiều hơn. Tôi cũng như các đồng nghiệp ở trường rất vui vì những đóng góp của mình đã tạo cho các em những bước đệm cần thiết trên con đường đi đến tương lai" – chị Nguyễn Thị Thọ chia sẻ. |
Để có thể góp phần xây dựng một thế hệ học sinh chăm ngoan, tự giác trong học tập, tự nguyện vì cộng đồng, chị Thọ đã có nhiều đêm trăn trở suy nghĩ tìm cách định hướng cho các em phát triển toàn diện, như trong phong trào "Đọc và làm theo báo Đội". Hai năm nay, Liên đội Trường THCS Trung Nhứt luôn dẫn đầu trong các Liên đội của quận Thốt Nốt về số lượng học sinh tham gia mua báo đọc. Theo chị Thọ, việc học sinh được đọc về những tấm gương sáng của bạn bè khắp mọi miền đất nước sẽ giúp các em tự thay đổi nhận thức, hành động có ích cho bản thân và cộng đồng. Từ năm học 2013-2014 đến nay, chị Thọ còn xây dựng kế hoạch và tổ chức để học sinh tham gia "Ngày thứ Bảy tình nguyện" bằng cách vệ sinh sân trường, lau cửa kính phòng học, chăm sóc cây, hoa trong sân trường,… Điều đặc biệt là "Ngày thứ Bảy tình nguyện" ở Trường THCS Trung Nhứt không chỉ diễn ra vào ngày thứ Bảy mà là tất cả các ngày, khi học sinh có tiết trống thì liên hệ với Ban Chỉ huy Liên đội để đăng ký một phần việc rồi cùng nhau thực hiện ngay sau đó.
Năm học này, chị Thọ đang xây dựng kế hoạch để tham mưu cho Ban Giám hiệu trường tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, giáo dục kỹ năng cho học sinh, như: vận động giúp đỡ học sinh khó khăn, tổ chức các diễn đàn học thuật để học sinh trao đổi kinh nghiệm học tập… Đó cũng là cách chị giúp học sinh hứng thú, tích cực tham gia phong trào của Đội để hoàn thiện bản thân. Thầy Lê Thành Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Nhứt, cho biết: "Những năm gần đây, số lượng học sinh vi phạm nội quy nhà trường giảm nhiều. Học sinh của trường cũng chăm ngoan, lễ phép hơn. Những tiến bộ của các em có vai trò quan trọng của cô Thọ trong việc tổ chức, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp, cha mẹ học sinh để giáo dục, rèn luyện học sinh. Ở trường, cô Thọ là giáo viên hòa đồng với đồng nghiệp, được cha mẹ học sinh tin tưởng gởi gắm con để cô quan tâm, giúp đỡ".
Nguồn: Báo Cần Thơ